Đầu tư nước ngoài vào châu Phi tăng mạnh trong năm 2014

Yếu tố thúc đẩy dòng đầu tư nước ngoài (FDI) vào châu Phi tăng mạnh là sự phục hồi của các nền kinh tế phát triển và khối thị trường mới nổi ngày càng hứng thú đầu tư vào các tài sản của châu Phi.

Một khảo sát chuyên sâu đã được phát động trong buổi khai mạc cuộc họp thường niên của ADB tại Kigali và do Ngân hàng Phát triển châu Phi, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc và Tổ chức hợp tác và Phát triển kinh tế thực hiện.

Đầu tư nước ngoài vào châu Phi tăng mạnh trong năm 2014 - Ảnh 1

Theo báo cáo khảo sát này, Mỹ, Anh và Pháp vẫn là những nước dẫn đầu trong hoạt động đầu tư vào châu Phi. Tổng số vốn đầu tư vào châu Phi của 3 nước này trong năm 2012 là 178,2 tỷ USD. Các nước BRIC, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, đã đầu tư tổng 67,7 tỷ USD vào châu Phi, trong đó, số vốn đầu tư của Trung Quốc là 27,7 tỷ USD.

Tuy nhiên, giới đầu tư nước ngoài chỉ tập trung đầu tư vào một số nước của châu Phi. Theo báo cáo này, năm 2013, tổng vốn FDI của 6 nước đứng đầu ngang với số liệu của 48 nước còn lại. Nam Phi và Nigeria là hai điểm đến đầu tư hàng đầu và cũng là hai kinh tế lớn nhất của châu Phi.

Phần lớn nguồn vốn tư nhân của nước ngoài đổ vào các quốc gia châu Phi giàu tài nguyên, nhưng hiện nay, dòng vốn đang có xu hướng chuyển sang các nước không sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên nhưng lại có tiềm năng phát triển các ngành công nghiệp khác. Trong năm 2013, FDI chảy vào các nước châu Phi giàu tài nguyên chiếm 65% tổng vốn FDI của châu Phi, thấp hơn so với mức 78% trong năm 2008.

Trong khi đó, châu Phi cũng đẩy mạnh hoạt động đầu tư nội địa với số vốn đầu tư vào các dự án mới trong năm 2012 chiếm 18% tổng vốn đầu tư, cao hơn nhiều so với mức 7% của năm 2007. Không giống như các đối tác nước ngoài - thường tập trung đầu tư vào lĩnh vực khai thác mỏ, giới đầu tư châu Phi ưu tiên các dịch vụ tài chính, dự án xây dựng và truyền thông.

Tổng dòng vốn FDI, vốn đầu tư vào trái phiếu và chứng khoán, kiều hối và doanh thu từ thuế có sự cải thiện rõ rệt. Thông qua số liệu này, báo cáo nhận định rằng, mức độ phụ thuộc của châu Phi vào sự hỗ trợ của nước ngoài sẽ tiếp tục giảm xuống. Sự hỗ trợ của nước ngoài dự báo sẽ giảm xuống, chiếm khoảng 26% tổng dòng vốn ngoại chảy vào châu Phi trong năm 2014 so với mức 30% trong năm trước đó. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của nước ngoài sẽ vẫn tăng trong năm nay lên khoảng 55 tỷ USD.

Báo cáo này nhận xét, nhìn chung, kinh tế châu Phi đang tăng trưởng nhanh hơn so với kinh tế toàn cầu nhưng tăng trưởng không đồng đều giữa các nước và khu vực. GDP của toàn châu Phi dự báo sẽ tăng trưởng 4,3% trong năm 2014 và 5,7% trong năm 2015. Tuy nhiên, các nền kinh tế ở Đông và Tây Phi sẽ tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với các khu vực khác.

Kinh tế Nam Phi - đang chịu ảnh hưởng của các cuộc đình công và tình trạng suy yếu của các nền kinh tế phát triển - đang là yếu tố kéo giảm tăng trưởng của khự vực châu Phi cận Sahara. Các nền kinh tế khu vực châu Phi cận Sahara dự báo sẽ tăng trưởng 5,8% trong năm 2014 và 509% trong năm 2015. Kinh tế Nam Phi có thể sẽ tăng trưởng 2,7% trong năm 2014 và 3% trong năm tiếp theo.

Tăng trưởng kinh tế của Nigeria dự báo sẽ chậm lại ở 7,2% trong năm 2014 và 7,1% trong năm 2015. Nạn trộm cắp dầu cùng với công nghệ thăm dò dầu lạc hậu đã làm giảm tiềm năng phát triển ngành công nghiệp dầu tại nước này. Trong khi đó, tình trạng hỗn loạn ở phía đông bắc cũng khiến bức tranh triển vọng về tài chính của Nigeria trở nên u ám.

Trong vài tháng gần đây, nhóm khủng bố Hồi giáo Boko Haram đã tàn phá khu vực đông bắc Nigeria và đẩy mạnh các cuộc tấn công nhằm vào người dân. Tình hình an ninh và chính trị của châu Phi đã có nhiều cải thiện mặc dù các cuộc xung đột vẫn tiếp tục kéo dài. Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan đã bị chiến tranh tàn phá trong nhiều tháng, trong khi Somalia và Libya cũng đang phải đối mặt với bất ổn tài chính do khủng hoảng nội bộ.

Theo DVO/ WSJ

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục