Đưa tàu chiến vào biển Đông, Mỹ đang “cản bước” Trung Quốc?

(Kinhdoanhnet) - Tàu chiến USS Fort Worth của hải quân Mỹ đã tới vịnh Subic, Philippines sau khi tuần tra ở vùng biển và không phận quốc tế, trong đó có tác vụ tiếp cận các bãi đá ở Trường Sa.

 

Thông cáo của Hải quân Mỹ hôm qua cho biết tàu Fort Worth đã tới vịnh Subic, Philippines để tiếp dầu, sau một tuần tuần tra ở vùng biển và không phận quốc tế gần quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. 

Đưa tàu chiến vào biển Đông, Mỹ đang “cản bước” Trung Quốc? - Ảnh 1
Tàu USS Fort Worth hôm 11/5 tuần tra ở vùng biển quốc tế gần quần đảo Trường Sa

Theo đó, Fort Worth đã nhiều lần đi qua Biển Đông, nhưng cuộc tuần tra này đánh dấu lần đầu tiên một tàu tác chiến ven biển (LCS) hoạt động ở vùng biển quốc tế gần quần đảo Trường Sa.

"Là một phần trong việc tái cân bằng chiến lược của chúng tôi, nhằm đem những cỗ máy mới nhất với năng lực tốt nhất của hải quân tới Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, LCS đang hiện diện thường xuyên ở Đông Nam Á", Fred Kacher, quan chức hải quân thuộc Liên đội Tàu khu trục 7, nói trong thông cáo đăng trên trang navy.mil.

Ông Kacher cho biết các hoạt động thường kỳ như tàu Fort Worth vừa hoàn thành ở Biển Đông sẽ là một thông lệ mới, khi 4 LCS sẽ đến khu vực trong những năm tới. "Việc triển khai nhiều LCS đến Đông Nam Á thể hiện tầm quan trọng của 'khu vực đang trỗi dậy' và giá trị mà sự hiện diện lâu dài đem lại", ông Kacher nói.

Tàu Fort Worth gần đây cũng ở vùng biển gần Trường Sa. "Chúng tôi chưa đi vào phạm vi 12 hải lý", một quan chức Mỹ cấp cao nói.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố bản báo cáo thường niên về các diễn tiến an ninh và quân sự của Trung Quốc. Bản báo cáo nêu rõ ràng rằng Trung Quốc đang tiến hành chiến thuật "áp đặt từng bước" để chiếm Biển Đông.

Bản báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cũng nhắc lại là cho dù Trung Quốc hiện đang tiến hành các hoạt động đòi hỏi chủ quyền tại phần lớn Biển Đông và trên Biển Hoa Đông (quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật Bản) thì động lực hàng đầu của tiến trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc vẫn là nhằm phòng ngừa các “xung đột tiềm tàng tại eo biển Đài Loan”.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng mô tả việc Trung Quốc sử dụng các tàu tuần tiễu của Lực lượng phòng vệ bờ biển để củng cố các yêu sách trên Biển Đông mà không làm leo thang căng thẳng đến mức xung đột quân sự.

Trong báo cáo "Những diễn biến quân sự và an ninh liên quan Trung Quốc năm 2015" đưa ra mới đây, Lầu Năm Góc cho biết, chỉ trong 5 tháng qua, Trung Quốc đã mở rộng các đảo nhân tạo từ những bãi đá ngầm ở quần đảo  Trường Sa lên gấp 4 lần. Cụ thể, năm ngoái, Trung Quốc đã cải tạo 200ha trên 5 bãi đá họ chiếm giữ ở Trường Sa. Khoảng 610ha khác cũng được cải tạo từ đó tới nay.

Phương Anh (TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục