Giàn khoan Hải Dương 981 lại vào Biển Đông: Mục đích của Trung Quốc là gì?

(Kinhdoanhnet) - Cục Hải sự Trung Quốc thông báo giàn khoan Hải Dương 981 của nước này đang hoạt động tại khu vực giếng Lăng Thủy 25-1S-1 ở Biển Đông.

Theo MSA, trang web của Cục Hải sự Trung Quốc ngày 6/5 thông báo, giàn khoan Hải Dương 981 sẽ hoạt động từ ngày 6-16/5 ở địa điểm có tọa độ 17°03′44″.5N/109°59′02″ tại khu vực giếng Lăng Thủy 25-1S-1 ở Biển Đông, cách thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam 75 hải lý về phía đông nam.

Giàn khoan Hải Dương 981 lại vào Biển Đông: Mục đích của Trung Quốc là gì? - Ảnh 1
Giàn khoan Hải dương 981 đang hoạt động gần khu vực đảo Hải Nam

Thông báo còn yêu cầu các tàu bè qua lại khu vực phải giữ khoảng cách 2 km đối với địa điểm trên để đảm bảo an toàn. Hải Dương-981 là giàn khoan mà Trung Quốc đã triển khai phi pháp vào vùng biển Việt Nam cách đây một năm, châm ngòi cho làn sóng lên án gay gắt của cộng đồng quốc tế vào lúc đó.

Thiếu tướng Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam, cho biết luôn sát sao theo dõi, nắm bắt các thông tin, động thái hoạt động của giàn khoan Hải Dương - 981.

Ông Thu khẳng định, hiện nay, giàn khoan này vẫn đang hoạt động ở ngoài vùng biển Việt Nam. Bất cứ khi nào giàn khoan của Trung Quốc di chuyển vào vùng biển nước ta, Cảnh sát biển sẽ có thông báo rộng rãi ngay lập tức đồng thời sẽ phối hợp với các lực lượng khác để có cách thức đấu tranh phù hợp, công khai trên tinh thần hòa bình.

Ngày 30/4 vừa qua,Trung Quốc đưa giàn khoan Hưng Vượng thuộc CNOOC rời cảng tại thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, lên đường đến Biển Đông. Tuy nhiên, hãng tin không nói rõ địa điểm tác nghiệp cụ thể của giàn khoan này. Hưng Vượng được đánh giá là đạt đến trình độ kỹ thuật hàng đầu của Trung Quốc, với khả năng tác nghiệp tại mức nước sâu nhất lên đến 1.500 mét và độ sâu của giếng khoan thăm dò đạt 7.600 mét.

Theo công ước về luật biển, tàu thuyền và phương tiện nước ngoài có quyền tự do đi lại trong vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia ven biển, nếu hoạt động đi lại đó không gây cản trở đối với quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển.

Phương Anh (TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục