Hiệp định TPP vẫn "sống" mà không cần có Mỹ

(Kinhdoanhnet) - 11 nước thành viên Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã thống nhất TPP sẽ được tiếp tục mà không có quá nhiều sửa đổi mặc dù Mỹ đã rút ra.

Tờ Nikkei đưa tin, các nhà đàm phán 11 nước TPP đã có cuộc gặp 2 ngày tại Kanagawa (Nhật Bản). Kết quả quan trọng nhất là các bên đều đồng ý hướng tới một hiệp ước mới với những sửa đổi tối thiểu. Các quốc gia thành viên lên kế hoạch đưa ra một "phiên bản mới" gọi là TPP 11 trước cuộc họp cấp cao và các cuộc họp lãnh đạo ở Việt Nam vào tháng 11 này.

Hiệp định TPP vẫn "sống" mà không cần có Mỹ - Ảnh 1
Đại diện 11 nước tham dự thảo luận TPP tại Hakone, Nhật Bản ngày 12/7.

Trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản Kazuyoshi Umemoto cho biết TPP ban đầu được 12 nước thành viên ký kết, vì vậy để hiệp định này có hiệu lực với 11 nước, cần có một thỏa thuận quốc tế mới. 

Ông Umemoto cho biết thêm, những người tham gia đã “đồng thuận về hướng đi sắp tới” để hiện thực hóa thỏa thuận. 11 nước “sẽ tiếp tục làm việc và không hạ tiêu chuẩn của TPP xuống”. Nếu có nhiều thay đổi, TPP sẽ không chỉ gây xung đột lợi ích lớn giữa các nước, mà còn khiến Mỹ khó quay lại. Trong trường hợp Mỹ đồng ý trở lại, hiệp định sẽ được thực hiện như ban đầu.

Tuy nhiên, thảo luận vẫn chưa đủ sâu để đưa ra sửa đổi cụ thể cho những vấn đề quan trọng như thay đổi các điều khoản bãi bỏ thuế quan. Các thành viên cũng không đưa ra các điều khoản để thực hiện hiệp ước sửa đổi. Lần này, cả Malaysia và Canada đều không cử nhà đàm phán trưởng tới tham dự cuộc họp. Canada vừa có sự thay đổi chính phủ kể từ khi đồng ý tham gia TPP.

Trên lý thuyết, TPP chỉ có thể có hiệu lực khi được ít nhất 6 thành viên phê chuẩn. Các nước này phải đóng góp ít nhất 85% GDP toàn khối.

Cuộc họp sắp tới sẽ được tổ chức vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 ở Australia. Câu hỏi lớn nhất hiện tại là liệu các thành viên có thể duy trì được đà đàm phán và dẹp bỏ các rào cản để đạt thỏa thuận mới hay không.

TPP được ký kết tháng 2/2016, với 12 nước tham gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam, chiếm khoảng 40% kinh tế toàn cầu. Ngay sau khi nhậm chức vào tháng 1/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi TPP, cho rằng hiệp định đa phương này làm ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người Mỹ.

Trâm Anh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục