Hy Lạp bị dồn đến chân tường, đếm ngược chờ vỡ nợ

(Kinhdoanhnet) - Đàm phán giữa Hy Lạp và nhóm chủ nợ đã kết thúc tại Brussels mà không có bất cứ thỏa thuận nào được đưa ra. Hy Lạp hiện đang đếm ngược chờ vỡ nợ.

Bloomberg đưa tin cuộc đàm phán mới nhất về vấn đề nợ của Hy Lạp kết thúc mà không đạt được bất cứ thỏa thuận nào, gia tăng lo lắng rằng chính phủ Athens sắp rơi vào vực thẳm tài chính không thể đảo ngược.

Dù đã có một vài tiến triển, nhưng cuộc đàm phán vẫn không thành công vì kế hoạch cải tổ của Hy Lạp trình ra và yêu cầu chung của Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và IMF vẫn còn khoảng cách lớn”, phát ngôn viên của EU cho biết.

Hy Lạp bị dồn đến chân tường, đếm ngược chờ vỡ nợ - Ảnh 1
Hy Lạp đang đếm ngược chờ vỡ nợ với nguy cơ ra khỏi eurozone cao nhất từ trước đến nay 

Phía EU thông báo cuộc gặp đã phải dừng lại vì hai bên có những bất đồng nghiêm trọng.

Đây tiếp tục là một tín hiệu xấu khiến lo ngại về việc Hy Lạp vỡ nợ ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Hai bên cho biết từ giờ cho đến ngày 18/6, tức là ngày diễn ra phiên họp của nhóm Eurogroupe, quy tụ Bộ trưởng Tài chính các nước thành viên EU, sẽ không có một cuộc gặp nào nữa giữa Athens và nhóm chủ nợ.

Hiện tại, cả hai đều đang đổ lỗi cho nhau. Phía Hy Lạp cho rằng các chủ nợ đề ra các yêu cầu “quá phi lý”, trong đó phía Quỹ tiền tệ quốc tế - IMF tỏ ra quá cứng rắn và không chịu nhân nhượng. Ngược lại, phía các chủ nợ thì lại công kích chính phủ Hy Lạp thiếu nghiêm túc và không thật sự mong muốn đạt được thỏa thuận.

Bế tắc lớn nhất, theo các nhà phân tích, vẫn là ở vấn đề cải cách lương hưu và thị trường lao động.

Phía các chủ nợ, bao gồm IMF, Ngân hàng trung ương châu Âu – ECB và Ủy ban châu Âu – EC, yêu cầu Hy Lạp phải cải tổ lương hưu và một loạt các cải cách khác để làm sao giảm chi ngân sách thêm 2 tỷ euro nữa.

Trước đó, tất cả các bên đều đồng ý rằng cuộc đàm phán vừa rồi là cơ hội cuối cùng để Athens dùng kế hoạch cải cách, mở khóa gói cứu trợ. EU cho hay kế hoạch mới nhất mà Hy Lạp đưa ra vẫn “chưa đầy đủ”, không đủ để nước này được giải ngân 7,2 tỷ EUR, tương đương 8,1 tỷ USD tiền cứu trợ quốc tế sẽ hết hạn vào ngày 30/6.

Một quan chức Athens cho rằng cuộc đàm phán thất bại là lỗi của IMF, chủ nợ cứng rắn nhất của Hy Lạp. IMF vẫn buộc kế hoạch cải tổ của quốc gia gần Địa Trung Hải phải bao gồm việc tiếp tục cắt giảm lương hưu, tăng thuế giá trị gia tăng với các hàng hóa cơ bản như điện.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, châu Âu đã bắt tay chuẩn bị cho kịch bản này và nếu chính phủ Hy Lạp không nhượng bộ trong những ngày tới, phía chịu thiệt hại nặng nhất sẽ là Hy Lạp. Nước này sẽ vỡ nợ và tiếp theo là bị loại khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu. Châu Âu dự đoán cũng sẽ bị ảnh hưởng nhưng hiệu ứng domino sẽ khó có khả năng xảy ra.

Mọi cặp mắt trên thị trường tài chính hôm nay đều hướng về Hy Lạp với mối lo lớn nhất từ trước đến nay về việc Hy Lạp sẽ ra khỏi eurozone sau 5 năm khủng hoảng.

Hiện Hy Lạp đang bị “chôn vùi” trong núi nợ tương đương đến 180% GDP. Cuối tháng này, Athens cần trả khoản tiền tương đương 1,8 tỷ USD cho IMF và khoảng 7,5 tỷ USD khác cho ECB trong tháng 7 và tháng 8. Quan chức Hy Lạp nói rằng chính phủ nước này không đủ khả năng chi trả.

Trâm Anh (TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục