Kinh tế Tây Ban Nha bắt đầu "ngấm đòn" từ khủng hoảng Catalonia

(Kinhdoanhnet) - Nhiều ngân hàng lớn tính chuyển trụ sở chính khỏi Catalonia, các dự án đầu tư bị tê liệt ...là những biểu hiện cho thấy kinh tế Tây Ban Nha đang bắt đầu "ngấm đòn" từ cuộc khủng hoảng chính trị ở Catalonia.

Căng thẳng giữa chính phủ Tây Ban Nha và chính quyền xứ Catalonia về vấn đề độc lập đang khiến giới doanh nghiệp trở nên lo lắng hơn về một tương lai không rõ ràng.

Kinh tế Tây Ban Nha bắt đầu "ngấm đòn" từ khủng hoảng Catalonia - Ảnh 1
Vị trí của Catalonia ở Tây Ban Nha. Ảnh: BBC

 

Banco Sabadell - "ông lớn" ngân hàng Tây Ban Nha - vừa thông báo, Hội đồng quản trị đã quyết định chuyển trụ sở hợp pháp khỏi Barcelona - thủ phủ của Catalonia tới thành phố Alicante ở phía Nam, Tây Ban Nha. Động thái này nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng, cổ đông và nhân viên trước tình hình chính trị ngày càng căng thẳng tại Catalonia.

Trong khi đó, ngân hàng Caixabank cũng thông báo cân nhắc việc di dời trụ trở chính tại Catalonia. "Những quyết định cần thiết sẽ được đưa ra vào đúng thời điểm", Caixabank chia sẻ với CNN.

Sau những thông tin này, cổ phiếu của cả 2 đã tăng vọt, dẫn đầu bảng trong nhóm Eurostoxx 600.

Reuters dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Luis de Guindos cho biết, kinh tế Tây Ban Nha đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ song cũng khó tránh khỏi ảnh hưởng do cuộc trưng cầu ý dân về độc lập tại Catalonia.

Ông nói: “Rõ ràng, những bất ổn chính trị đang làm tê liệt tất cả dự án đầu tư tại Catalonia. Hiện tại, không một nhà đầu tư quốc tế hay quốc gia nào dám tham gia vào những dự án mới ở khu vực này. Sự đứt gãy trong cấu trúc xã hội tại Catalonia là rất lớn. Chúng tôi thấy rõ được điều này và coi đây là mối lo ngại lớn do sự thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương”.

Kinh tế Tây Ban Nha bắt đầu "ngấm đòn" từ khủng hoảng Catalonia - Ảnh 2
90% người dân Catalonia bỏ phiếu ủng hộ độc lập. Ảnh: Reuters

Nếu Catalonia tuyên bố độc lập, Chính phủ Tây Ban Nha có thể đáp trả bằng cách áp đặt các điều lệ trực tiếp với khu vực này. Một cuộc đàn áp có thể khiến căng thẳng leo thang, gây ra tình trạng hỗn loạn, khiến giới đầu tư lo sợ và gián đoạn các hoạt động kinh doanh.

Theo Bloomberg, chính các doanh nghiệp ủng hộ phe chủ trương độc lập, cũng đang vận động Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont đàm phán với chính phủ Tây Ban Nha. Theo họ, một tuyên bố độc lập đơn phương và không được công nhận sẽ đẩy kinh tế Catalonia rơi vào khủng hoảng. 

Thậm chí, bản thân ông Puigdemont cũng không còn "mạnh miệng" về tiến trình độc lập và đang kêu gọi quốc tế làm trung gian liên lạc. Những vấn đề này đang giúp phía chính phủ Tây Ban Nha củng cố thêm sức ép lên xứ Catalonia, trong nỗ lực ngăn chặn khu vực dẫn đầu về kinh tế của nước này chia tách.

Ngày 1/10 vừa qua, bất chấp sự phản đối của chính quyền trung ương Tây Ban Nha, các nhà lãnh đạo vùng Catalonia đã tổ chức cuộc trưng cầu ý dân trái phép đòi tách ra khỏi Tây Ban Nha, đẩy nước này vào một cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Trâm Anh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục