Liệu "mũi tên thứ ba" của Thủ tướng Nhật có trúng đích?

Sau động thái ngân hàng Trung ương nới lỏng tiền tệ và chính phủ nới lỏng tài khóa, mới đây Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tiếp tục kế hoạch "mũi tên thứ ba" với tên gọi "Kế hoạch phục hưng công nghiệp Nhật Bản".

Theo thông tin từ hãng Reuters, kế hoạch trên của ông Abe dự kiến sẽ được công bố vào cuối tháng này nhằm khôi phục lại nền kinh tế Nhật Bản.

Kinh tế đầu năm không mấy khả quan

Lạm phát tăng cao nhất trong hơn 20 năm là điểm nổi bật của kinh tế Nhật trong quý đầu năm 2014.

Theo báo cáo mới nhất của cơ quan thống kê Nhật Bản, lạm phát tổng thể của nước này tăng lên 3,4% trong tháng 4, cao nhất từ năm 1991.

Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định tốc độ tăng lương ở Nhật Bản hiện tại không bắt kịp tốc độ lạm phát.

Theo báo cáo của Markit Economics, chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) tháng 5 của Nhật Bản vẫn ở mức dưới 50 điểm - nghĩa là các hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đang bị thu hẹp.

Đợt tăng thuế giá trị gia tăng đầu tháng 4 là nguyên nhân chính khiến giá cả thị trường tăng cao trong khi tốc độ tăng lương trì trệ đã gây ra thâm hụt ngân sách đối với các hộ gia đình ở Nhật Bản.

Kế hoạch "mũi tên thứ ba"

Liệu "mũi tên thứ ba" của Thủ tướng Nhật có trúng đích? - Ảnh 1
Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe

Kế hoạch của Thủ tướng Abe đề cập đến nhiều vấn đề của nền kinh tế Nhật Bản cùng với một loạt các đề xuất.

Trước hết là vấn đề quản lý. Ông yêu cầu các ngân hàng Nhật Bản phải đặt ít nhất một giám đốc bên ngoài Nhật Bản, một trong các biện pháp cải thiện quản lý mà chính phủ Abe luôn thúc đẩy để khuyến khích đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, ông cũng đề xuất việc nâng cao tỷ lệ nhà quản lý là nữ từ 7,5% năm ngoái lên 30%, tất cả công ty niêm yết phải thông báo cho nhà đầu tư tỷ lệ nhà quản lý là phụ nữ.

Hai là đặt mục tiêu dài hạn đến năm 2020. Theo kế hoạch, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hàng năm sẽ tăng hơn gấp đôi so với hiện tại trong khi FDI hàng năm của Nhật Bản hiện nay là gần 345 tỉ đô la Mỹ. Đến năm 2020 tình trạng độc quyền trong lĩnh vực điện lực sẽ hoàn toàn thay đổi, hoàn thành cải cách thị trường điện trong nước.

Ba là "cuộc cách mạng robot". Kế hoạch cho rằng cần tăng cường sử dụng robot để nâng cao năng suất trong khi dân số giảm, hy vọng đến năm 2020, ngành nông nghiệp sẽ sử dụng số lượng robot gấp 20 lần hiện tại, trong khi ngành sản xuất sử dụng số lượng robot gấp đôi hiện tại.

Ngoài các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kế hoạch của ông Abe còn có mục tiêu cấp bách nhất: Thúc đẩy tinh thần phấn chấn đang nhạt dần của các nhà đầu tư đối với "học thuyết kinh tế Abe". Nguyên nhân là do từ đầu năm đến nay, chỉ số Nikkei của Nhật Bản đã giảm tổng cộng 8%.

Những vấn đề nằm ngoài "mũi tên thứ ba"

Các vấn đề nan giải như cắt giảm thuế doanh nghiệp, cải cách Quỹ đầu tư dưỡng lão của chính phủ Nhật Bản (GPIF)... lại chưa thấy đề cập đến trong kế hoạch của ông Abe.

GPIF là một trong những quỹ hưu trí lớn nhất thế giới. Các biện pháp cải cách của quỹ này không những khiến các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Nhật Bản chú ý mà còn ảnh hưởng đến thị trường vốn toàn cầu.

Ngoài ra, việc có cho phép các doanh nghiệp sở hữu đất nông nghiệp, cải cách trọng tài lao động để doanh nghiệp dễ dàng sa thải nhân viên, thúc đẩy hợp pháp hóa sòng bạc hay không cũng không được ông Abe đề cập đến.

Nguyễn Thúy (Tổng hợp)

 

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục