Lo ngại “sức khỏe” kinh tế Trung Quốc, chứng khoán châu Á lao dốc

(Kinhdoanhnet) - Ngày 24/8, các sàn chứng khoán châu Á đồng loạt đi xuống do tâm lý quan ngại của giới đầu tư về "sức khỏe" của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Sáng nay, các thị trường châu Á lại tiếp tục đi xuống. Đến 10h30 (giờ Hà Nội), Shanghai Composite Index trên sàn Thượng Hải mất 8,25%, MSCI châu Á – Thái Bình Dương giảm ngày thứ 7 liên tiếp, với 2%. Topix (Nhật Bản) và Kospi (Hàn Quốc) đều giảm gần 4%.

Lo ngại “sức khỏe” kinh tế Trung Quốc, chứng khoán châu Á lao dốc - Ảnh 1
Sáng nay, các thị trường châu Á lại tiếp tục đi xuống

Evan Lucas, thuộc IG Markets, cho biết hôm nay là một trong những phiên giao dịch tồi tệ nhất trong năm năm qua. Phản ứng của thị trường chứng khoán châu Á hôm nay phản ánh tâm lý và niềm tin hiện tại của giới đầu tư về một cuộc hạ cánh khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc.

Thị trường chứng khoán toàn cầu đã để mất hơn 5.000 tỷ USD giá trị kể từ khi Bắc Kinh tiến hành giảm giá đồng nhân dân tệ từ ngày 11/8, làm dấy lên quan ngại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng chậm hơn dự kiến.

Trước đó, trong phiên cuối tuần trước, chứng khoán phố Wall cũng giảm điểm mạnh với chỉ số công nghiệp Dow Jones lao dốc mạnh nhất trong bốn năm qua, theo sau số liệu không khả quan về hoạt động chế tạo của Trung Quốc.

Ngoài Trung Quốc, nhiều quốc gia châu Á khác cũng đang “sốt vó” tìm biện pháp cứu thị trường chứng khoán. Tại Hàn Quốc, giới chức tài chính được đề nghị tổ chức các cuộc họp để theo sát thị trường và áp dụng các biện pháp khi cần thiết - Ủy ban Dịch vụ Tài chính nước này cho biết. Căng thẳng hai miền Triều Tiên đã khiến iShares MSCI South Korea Capped ETF - quỹ tín thác lớn nhất nước này có tuần bị rút vốn mạnh nhất từ khi thành lập năm 2000. Nhà đầu tư đã rút 195,4 triệu USD khỏi quỹ này, theo số liệu của Bloomberg.

Cơ quan giám sát tài chính Đài Loan từ hôm nay cấm bán khống cổ phiếu và chứng chỉ lưu ký (DR). Dù vậy, luật này không áp dụng với các công ty môi giới bán khống nhằm phòng trừ rủi ro. Chứng khoán Đài Loan tuần trước đã mất 5,2%.

Trong khi đó, tại Indonesia, quỹ tín thác lớn nhất nước này lại nhận định đợt sụt giảm này là cơ hội để mua vào. BPJS Ketenagakerjaan sẽ gia nhập thị trưởng cổ phiếu cùng các nhà đầu tư tổ chức quốc doanh khác.

Phương Anh (TH theo Vietnam+, VNE)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục