Nhật Bản: Thủ tướng Abe cải tổ nội các, đặt tham vọng với chính sách Abenomics

(Kinhdoanhnet) - Sau chiến thắng trên chính trường, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tiến hành cải tổ nội các đồng thời đưa ra chính sách Abenomics giai đoạn 2 với 3 mục tiêu dài hạn và tham vọng hơn.

Đây là lần cải tổ nội các thứ hai của chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sau đợt cải tổ đầu tiên vào tháng 9/2014.

Mục tiêu của động thái này là nhằm xốc lại bộ máy để xúc tiến ngay các chương trình hành động mà ông đã hoạch định trong kế hoạch “Abenomics” giai đoạn hai gồm chấn hưng kinh tế và cải thiện hệ thống an sinh xã hội.

Nhật Bản: Thủ tướng Abe cải tổ nội các, đặt tham vọng với chính sách Abenomics - Ảnh 1
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe 

Cuộc cải tổ nội các lần này được đánh giá là một đợt tái bổ nhiệm vì sự lưu nhiệm của một loạt nhân vật then chốt, qua đó khẳng định uy tín cũng như hiệu quả hoạt động của nội các cũ thời gian qua.

Theo đó, Thủ tướng Shinzo Abe thay thế 10 vị trí Bộ trưởng và giữ lại 9 người. Tất cả các vị trí được giữ lại đều là các vị trí trọng yếu trong chính phủ, trong đó có các chức vụ Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Tài chính.

Nội các mới của Nhật Bản có 3 phụ nữ. Thủ tướng Shinzo Abe cũng thành lập một bộ mới mang tên "Bộ thúc đẩy tổng hòa nhân lực xã hội" nhằm hiện thực hóa kế hoạch tạo ra một xã hội có 100 triệu lao động tích cực trong chương trình Abenomics giai đoạn hai.

Đối với kinh tế, thách thức đầu tiên là khôi phục sức mạnh tài chính của Nhật Bản, vốn đang bị đánh giá là yếu nhất trong số các nước phát triển và tìm ra biện pháp đột phá để đưa nền kinh tế thoát khỏi giai đoạn giảm phát kéo dài. Đây là một nhiệm vụ khó khăn đối với nội các mới vì cho đến nay chiến lược tăng trưởng của Abenomics giai đoạn một vẫn bị đánh giá là chưa thu được thành quả lớn và những số liệu kinh tế mới nhất trong quý 3/2015 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục giảm.


Giai đoạn 2 của chính sách Abenomics sẽ bao gồm 3 mục tiêu: Thứ nhất, hướng tới GDP 600.000 tỷ Yen, vượt xa con số 491.000 tỷ Yen trong năm tài khoá 2014. Mục tiêu thứ hai hướng tới tăng tỷ lệ sinh lên mức trung bình 1,8 trẻ/bà mẹ vào năm 2020 nhờ các biện pháp hỗ trợ tài chính và giáo dục cho các gia đình, từ đó duy trì dân số ở mức 100 triệu người trong vòng 50 năm tới. Mục tiêu thứ ba nhằm giảm bớt gánh nặng dân số già lên hệ thống phúc lợi xã hội. Cụ thể, trong 5 năm tới, Nhật Bản sẽ xây dựng thêm nhiều nhà dưỡng lão, tạo dựng một xã hội mà lực lượng lao động trẻ không bị chi phối quá nhiều để chăm sóc người già.

Ngoài ra, việc tiến trình đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc, chính phủ của Thủ tướng Abe đang kỳ vọng rằng thành công này, vốn được xem là một công cụ chủ lực của Abenomics, sẽ nhanh chóng giúp kinh tế Nhật Bản phục hồi mạnh mẽ trong thời gian tới.

Phương Anh (Th theo Vietnam+, VTV)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục