Thụy Sĩ: Gửi tiết kiệm không có lãi mà còn mất thêm tiền

(Kinhdoanhnet) - Có một sự thật khá lạ lùng là khi gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng Thụy Sĩ, bạn sẽ không có lãi suất, ngược lại còn phải mất phí quản lý bởi vì có quá nhiều tiền được gửi tại đây.

Đã từ lâu các ngân hàng Thuỵ Sĩ đều được thế giới biết đến như nơi đáng tin cậy nhất trên thế giới để gửi tiền. Đây là nơi có chế độ bảo mật tốt nhất thế giới.

Nhưng cũng chính vì chế độ bảo mật này mà nơi đây trở thành một thiên đường thuận tiện cho việc rửa tiền hay thiết lập tài khoản đen cho các phần tử khủng bố. Không ít người đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật để thực hiện hành vi trốn thuế, thậm chí chuyển giao những tài sản bất hợp pháp qua Ngân hàng Thụy Sĩ.

Thụy Sĩ: Gửi tiết kiệm không có lãi mà còn mất thêm tiền - Ảnh 1
Ngân hàng UBS đã phải chi hàng tỉ USD để dàn xếp với Mỹ - Ảnh: Shutterstock

Hầm vàng "bất khả xâm phạm"

Ở Thụy Sĩ, vàng được lưu trữ trong hầm không chỉ an toàn còn rất khó bị phát hiện. Nằm sâu trong dãy núi Alps Thụy Sĩ, một bên có đường băng cũ với máy bay phản lực có thể cất cánh và hạ cạnh, còn có một hầm ngầm rất lớn. Đây còn là nơi sở hữu một trong những căn hầm bí mật lớn nhất thế giới.

Thụy Sĩ: Gửi tiết kiệm không có lãi mà còn mất thêm tiền - Ảnh 2
Hầm vàng ở Thụy Sĩ

Lối vào căn hầm chính là một con đường nhỏ hẹp, một cánh cửa kim loại đặt ở chính diện của sơn động. Phía trước có một người bảo vệ an ninh mặc áo chống đạn. Sau đó, thông qua 2 cánh cửa khác, lại đến một cánh cửa kim loại có trọng lượng 3,5 tấn. Tới bước này, bạn sẽ cần phải nhập mật khẩu. Thông qua nhận dạng khuôn mặt và máy quét, cánh cửa sẽ mở ra. Bên trong cánh cửa này là một đường hầm mê cung mà quân đội Thụy Sĩ đã từng sử dụng trước đây.

Gửi tiết kiệm phải trả thêm chi phí

Khi gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng Thụy Sĩ sẽ không có lãi suất, ngược lại còn phải mất phí quản lý bởi vì có quá nhiều tiền được gửi tại đây. Vào đầu năm 2015, Ngân hàng Swiss National Bank (SNB) Thuỵ Sĩ tuyên bố tiền gửi lãi suất từ -0.25% đến -0,75%, đây là điều cực kỳ hiếm thấy trong thế giới ngân hàng. Tại sao lại như vậy?

Thứ nhất, Thuỵ Sĩ là nước vĩnh viễn mang tính trung lập. Điều này loại trừ khả năng tiền bị phá hủy trong chiến tranh, hoặc bị ảnh hưởng do chính trị mà đóng băng hay các rủi ro khác. Vì vậy nó được mọi người xem là nơi an toàn nhất thế giới.

Thứ hai, tính trung lập vĩnh viễn được duy trì được một lực lượng quân sự mạnh mẽ. Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Thụy Sĩ, thời điểm này có khoảng 1000 căn hầm quân sự, hầm có sẵn vẫn có thể dùng. Hầu hết trong số đó đã được các tư nhân mua lại dùng cho các mục đích kho bạc. Do đó Thuỵ Sĩ sớm đã mang những lợi thế tự nhiên để trở thành kho bạc của thế giới.

Đặc biệt, các Ngân hàng Thụy Sĩ biết bảo vệ sự riêng tư của khách hàng rất tốt. Do đó, nơi đây đã trở thành thiên đường cất giữ tài sản của nhiều người giàu có nhất thế giới.

Bảo mật tối đa

Thụy Sĩ ban hành một đạo luật nghiêm cấm ngân hàng tiết lộ danh tính khách hàng cho một bên thứ ba, dù đó là cơ quan thuế, chính phủ nước ngoài và thậm chí là chính quyền Thụy Sĩ. Việc chia sẻ thông tin chỉ được thực hiện khi có trát yêu cầu từ tòa án của Thụy Sĩ. Quy định chỉ được ngoại lệ đối với một số vụ án nghiêm trọng. Bất cứ một nhân viên ngân hàng nào tiết lộ thông tin khách hàng sẽ bị xử lý hình sự với mức án lên đến 6 tháng tù giam và có thể bồi thường hàng chục ngàn franc. Ngân hàng liên quan cũng bị xử lý rất nặng.

Cũng từ đây, cách thức đặt mã số cho tài khoản hoặc một mật danh được mở rộng. Thêm vào đó, Thụy Sĩ tuy đánh thuế thu nhập cá nhân rất cao nhưng lại không áp dụng với người nước ngoài. Đặc biệt, luật Thụy Sĩ cũng quy định khác biệt về “gian lận thuế” và “trốn thuế”. Cụ thể, “gian lận thuế” được định nghĩa là cố ý tạo ra các hồ sơ giả để che giấu thu nhập, và tội này bị truy cứu hình sự. Trong khi đó, tội “trốn thuế” có nghĩa là không kê khai đầy đủ các khoản thuế và chỉ bị xử phạt hành chính.

Từ những yếu tố này kết hợp với chính sách bảo mật, Thụy Sĩ dần dần trở thành thiên đường cho việc cất giấu tài sản và trốn thuế của nhiều người từ khắp thế giới. Bên cạnh đó, những người đang dính líu các vụ kiện tụng cũng tìm cách chuyển tiền sang gửi ở Thụy Sĩ nhằm phòng ngừa nếu có thua kiện thì không bị phong tỏa tài sản để trả tiền.

Thiên đường trốn thuế

Từ những thế mạnh trên, dù chỉ có khoảng 150 ngân hàng nhưng Thụy Sĩ được cho là cất giữ nguồn tiền cực lớn. Tất nhiên, vì tính bảo mật nên con số chính xác cũng là một bí ẩn. 

Theo tờ The Wall Street Journal, không chỉ ngó lơ cho khách hàng trốn thuế mà ngân hàng Thụy Sĩ thậm chí còn giúp sức để làm việc đó. Bằng chứng là vài năm qua, UBS - một ngân hàng hàng đầu nước này - đã phải chi hàng tỷ USD để dàn xếp với Mỹ để giải quyết các cáo buộc giúp người Mỹ trốn thuế lên đến hàng ty USD.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực toàn cầu của Mỹ để tăng cường thanh tra thuế, Thụy Sĩ đã đồng ý ký một bản “tiêu chuẩn trao đổi thông tin tự động toàn cầu” mới. Các chế độ bảo mật ngân hàng cũng đã bắt đầu đi tới điểm kết, điều đó có nghĩa số tài khoản cá nhân trị giá tới hơn 2000 tỷ đôla Mỹ sẽ dần dần bước ra ánh sáng. Số tài sản cá nhân này sẽ được trực tiếp phơi bày trước thanh tra thuế và kiểm toán.

Chết cũng không sợ mất tiền

Nhiều người thắc mắc vì tính bảo mật quá cao thì nếu một người có tài khoản ở Thụy Sĩ mà người thân không biết, khi người đó đột ngột qua đời sẽ thế nào.

Theo Đài SBS, nếu sau 10 năm mà chủ một tài khoản không liên hệ thì ngân hàng có nghĩa vụ tìm hiểu tình trạng của người đó. Nếu chủ tài khoản đã qua đời, ngân hàng sẽ tìm kiếm người thừa kế theo luật định và tiến hành trao trả số tiền. Trong trường hợp không tìm được người thừa kế, ngân hàng có trách nhiệm báo cáo với cơ quan thanh tra để đưa ra hướng xử lý. Chủ tài khoản cũng có thể đăng ký cụ thể thời gian bao lâu thì ngân hàng phải tìm hiểu tình trạng của mình nếu không liên lạc.

Trâm Anh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục