Tranh chấp khí đốt Nga, Ukraine và EU có được giải quyết?

(Kinhdoanhnet) - Sau nhiều nỗ lực, Nga, Ukraine và EU đã nhất trí tiến hành đàm phán về tranh chấp liên quan đến khí đốt. Tuy nhiên kết quả khả quan hay không vẫn chưa ai dám chắc.

Hãng tin Reuters ngày 14/8 cho hay, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso đã nhất trí tiến hành đàm phán về tranh chấp liên quan đến khí đốt và thỏa thuận thương mại tự do EU-Ukraine, song song với những nỗ lực làm ổn định tình hình an ninh tại Ukraine.

Tranh chấp khí đốt Nga, Ukraine và EU có được giải quyết? - Ảnh 1
Nga, Ukraine, EU nhất trí đàm phán về tranh chấp khí đốt.

Nguồn tin EC nói rằng ba nhà lãnh đạo dự kiến sẽ đàm phán trực tiếp, song không nói rõ thời gian và địa điểm diễn ra cuộc gặp.

Quốc hội Ukraine ngày 14/8 cũng đã thông qua một luật cho phép cho thuê các cơ sở trung chuyển khí đốt trên cơ sở liên doanh với các công ty ở Liên minh châu Âu (EU) hoặc Mỹ.

Ukraine sẽ nắm giữ 51% cổ phần và các đối tác nước ngoài giữ 49% trong liên doanh trên. Đơn vị liên doanh này sẽ quản lý cả các đường ống trung chuyển và các cơ sở dự trữ khí đốt ngầm.

Trước đó, hôm 13/8, Tập đoàn năng lượng Naftogaz của Ukraine cảnh báo những bất đồng chưa giải quyết về giá khí đốt giữa Ukraine và Nga có thể dẫn tới nguy cơ Nga khóa van cung cấp khí đốt sang các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Bởi vậy, cuộc gặp gỡ 3 bên lần này được hy vọng sẽ giải quyết phần nào tranh chấp vấn đề khí đốt.

Ukraine và Nga rơi vào tình trạng tranh chấp suốt ba năm qua về bản hợp đồng năm 2009, theo đó hai bên thỏa thuận giá khí đốt mà Nga bán cho Ukraine theo giá quốc tế. Tháng 6 vừa qua, Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đã khóa van cung cấp khí đốt cho Ukraine với lý do Kiev không thanh toán đúng hạn hóa đơn nợ mua khí đốt lên tới 4,5 tỷ USD.

Mặc dù, Gazprom từng khẳng định sẽ tiếp tục bảo đảm nguồn cung khí đốt cho các nước châu Âu trung chuyển qua Ukraine, nhưng nhiều nước EU hiện nhập khẩu hơn 1/3 lượng khí đốt của Gazprom và một nửa trong số này trung chuyển qua Ukraine,  không tránh khỏi lo ngại về việc Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraine sẽ ảnh hưởng đến chính họ.

Tuy vậy, lượng khí đốt mà Gazprom xuất khẩu sang châu Âu vẫn đạt 80,8 tỷ m3, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyễn Thúy (Th)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục