Trung Quốc chọn đối đầu thay vì nhượng bộ trước áp lực từ Mỹ?

Cùng với sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, thái độ của Trung Quốc đã thay đổi từ kiềm chế ban đầu sang ngày càng cứng rắn.

Trung Quốc chọn đối đầu thay vì nhượng bộ trước áp lực từ Mỹ? - Ảnh 1
Đồng NDT và đồng USD. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Dư luận báo chí tại Malaysia cho biết Bộ Thương mại Trung Quốc cuối tháng trước tuyên bố sẽ thiết lập danh sách thực thể không đáng tin cậy, bao gồm các công ty hoặc cá nhân nước ngoài không tuân thủ các quy tắc thị trường, vi phạm hợp đồng và tiến hành phong tỏa hoặc cắt đứt nguồn cung cấp cho các doanh nghiệp Trung Quốc vì mục đích phi thương mại.

Giới quan sát đánh giá đây rõ ràng là một đòn trả đũa đối với lệnh cấm của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào Huawei, tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc. Trước đó, ông Trump ký một sắc lệnh cấm các công ty Mỹ mua thiết bị viễn thông do các nước thù địch sản xuất mà không được sự cho phép của chính phủ.

Sau khi Huawei và các công ty liên quan bị liệt vào danh sách đen kiểm soát xuất khẩu, nhiều công ty Mỹ đã đình chỉ việc cung cấp linh kiện hoặc phần mềm cho Huawei. Giờ đây, Trung Quốc ra đòn trả đũa, giống như đặt các doanh nghiệp Mỹ và công ty nước ngoài thân Mỹ trên lưỡi dao, để họ cân nhắc hậu quả của việc ngăn chặn, phong tỏa Huawei cùng các công ty, tập đoàn Trung Quốc khác.

Dường như Tổng thống Trump đánh giá sai tình hình và đánh giá thấp phản ứng của Trung Quốc. Ông Trump cho rằng trong bối cảnh Trung Quốc phải đối mặt với áp lực ngày một cao do tăng trưởng kinh tế đi xuống, phía Mỹ có thể ở vị trí “cửa trên” trong đàm phán với Trung Quốc, thông qua việc gây sức ép tối đa buộc Trung Quốc nhượng bộ. Vậy là sau khi tuyên bố tăng thuế lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, ông Trump đã ra lệnh phong tỏa toàn diện đối với Huawei.

Tuy nhiên, cái giá mới mà Washington đưa ra, Bắc Kinh không thể chấp nhận, đặc biệt là những yêu cầu liên quan tới việc sửa đổi luật khiến Trung Quốc cảm thấy rằng đây không còn là vấn đề thương mại, mà Mỹ đã hướng đến mục tiêu thay đổi toàn bộ hệ thống Trung Quốc. Mỹ phong tỏa toàn diện Huawei nhằm bóp nghẹt khả năng nâng cấp các ngành công nghiệp và công nghệ cao của Trung Quốc.

Vì vậy, Trung Quốc bắn tín hiệu sẽ sử dụng quân bài hạn chế/cấm xuất khẩu đất hiếm cho Mỹ để cảnh báo Washington, khiến Bộ Quốc phòng Mỹ nhanh chóng đề xuất chính phủ gia tăng ngân sách để củng cố lĩnh vực sản xuất đất hiếm nội địa để giảm rủi ro khi phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc. Tuy nhiên, việc này không thể hoàn thành trong ngày một ngày hai.

Bên cạnh đó, câu chuyện của Mexico đã cho Trung Quốc thêm một bài học. Ngày 30/5 vừa qua, ông Trump bất ngờ tuyên bố áp thuế bổ sung 5% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Mexico cho tới khi nước này chặn dòng người di cư trái phép vào Mỹ.

Điều này khiến Trung Quốc hiểu rằng chỉ vì một thỏa thuận bằng giấy mà không ngừng nhượng bộ sẽ không giải quyết được vấn đề. Do ông Trump sử dụng thuế quan làm vũ khí ngoại giao, nên ngay cả khi Mỹ và Mexico đạt được thỏa thuận thương mại, điều đó cũng không ngăn được ông Trump sử dụng biện pháp thuế quan để xử lý vấn đề xã hội.

Dưới áp lực của Mỹ, lập trường của Trung Quốc về cuộc chiến thương mại trước sau vẫn là "không thích chiến tranh, không muốn chiến tranh, nhưng cũng không e ngại chiến tranh". Một khi quyết định tiến hành trả đũa, Trung Quốc đương nhiên sẽ bị tổn hại kinh tế, nhưng doanh nghiệp Mỹ cũng như doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng chịu ảnh hưởng.

Hầu hết các công ty Mỹ đang ủy thác cho các công ty nước ngoài gia công, lắp ráp điện thoại thông minh. Một khi bị Trung Quốc trừng phạt, họ sẽ mất cơ hội cung cấp, sản xuất linh kiện tại thị trường khổng lồ Trung Quốc. Dư luận cơ bản cho rằng kịch bản tồi tệ nhất hiện nay là kéo dài cuộc chiến thương mại. Nếu chính quyền Trump vẫn giữ lập trường cứng rắn, Bắc Kinh sẽ đi đến cùng./.

Hà Ngọc (TTXVN tại Kuala Lumpur)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục