Vụ khủng bố 11/9: 14 năm nhìn lại

(Kinhdoanhnet) - Mặc dù đã trôi qua 14 năm nhưng những ký ức kinh hoàng cũng như hậu quả từ vụ khủng bố hai tòa tháp thuộc Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) hôm 11/9/2011 vẫn còn ám ảnh nước Mỹ.

Tròn 14 năm sau vụ tấn công cướp đi gần 3.000 sinh mạng, trên đống gạch vụn và khoảng đất trống năm xưa, nhiều toà nhà chọc trời khác đã mọc lên xung quanh hai hồ nước lớn, vốn là vị trí của hai toà tháp xấu số kia.

Hiện tại, một cao ốc cao chọc trời cao 104 tầng One World Trade Center đã hình thành và đón khách tham quan. Người Mỹ còn gọi tòa nhà cao chọc này Tháp Tự Do (Freedom Tower).

Tuy nhiên, chừng đó chưa đủ để lấp đi nỗi ám ảnh từ 14 năm về trước.

Vụ khủng bố 11/9: 14 năm nhìn lại - Ảnh 1
Trong 14 năm vụ khủng bố 11/9

Gần 3000 người thiệt mạng

2.977 người thiệt mạng trong vụ khủng bố ngày 11/9/2001 khi hai máy bay lao vào tòa tháp đôi của trung tâm thương mại thế giới (WTC) ở New York, Mỹ, trong đó có 343 lính cứu hỏa và 23 cảnh sát của thành phố. Các nạn nhân có độ tuổi từ 2 đến 85. Khoảng 75 – 80% người thiệt mạng là nam giới. Gần 14 năm trôi qua, ngày 11/9 đen tối vẫn ám ảnh người Mỹ và nhân loại bởi thiệt hại về người và của quá lớn.

Vụ khủng bố 11/9: 14 năm nhìn lại - Ảnh 2
2.977 người thiệt mạng trong vụ khủng bố ngày 11/9/2001

Giới chức Mỹ đã tìm thấy 19.500 mảnh thi thể của các nạn nhân trong đống đổ nát sau khi biểu tượng của thành phố New York sụp đổ. Chỉ 291 thi thể trong số gần 3.000 người thiệt mạng còn nguyên vẹn. Cha mẹ của Lisa Anne Frost, hành khách trên chuyến bay 175 của hãng hàng không United Airlines đâm vào tháp Nam, phải đợi gần một năm để nhận lại tư trang của con gái thiệt mạng trong thảm kịch.

Cuộc chiến chống ung thư

Sau khi tòa tháp đôi sụp đổ, một lớp bụi và mảnh vỡ đã phủ trên diện rộng ở Manhattan. Ẩn trong không khí và các đám mây lúc đó là các chất gây ung thư và hóa chất amiăng (chứa sợi thủy tinh, thủy ngân và benzene nguy hiểm cho sức khỏe). Khi hít phải các loại chất này, con người có thể bị ung thư sau một thời gian. Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên thiên nhiên ước tính đã có 300 - 400 tấn sợi amiăng được sử dụng để xây dựng WTC.

Vụ khủng bố 11/9: 14 năm nhìn lại - Ảnh 3
Marcy Borders, một nạn nhân sống sót trong thảm họa 11/9

Marcy Borders, một nạn nhân sống sót trong thảm họa 11/9, đã qua đời vì ung thư vào cuối tháng 8 vừa qua.

"Cứ như thể là tâm hồn tôi đã sụp đổ cùng những tòa tháp", người phụ nữ trong bức hình nổi tiếng về vụ khủng bố 11/9 sống với ám ảnh về ký ức kinh hoàng trong 10 năm và phải chiến đấu với bệnh ung thư trong năm cuối đời.

"Cuộc sống của tôi vượt ra ngoài vòng kiểm soát. Tôi không làm bất kỳ một công việc nào trong gần 10 năm, và đến năm 2011, tôi hoàn toàn bế tắc", Borders nói với New York Post vào tháng 6/2011". Mỗi lần nhìn thấy máy bay, tôi đều hoảng sợ. Nếu tôi thấy một người đàn ông trên một tòa nhà, tôi sẽ nghĩ rằng anh ta sắp bắn tôi".

Nỗi ám ảnh

Sau vụ 11/9, các nhân viên cứu hỏa bắt đầu bị bệnh về đường hô hấp mãn tính. Từ năm 2001 đến 2004, chính phủ liên bang đã thành lập một quỹ đền bù cho tất cả những nạn nhân của chất độc hại hoặc bị chết trong thảm kịch.

Chương trình chăm sóc y tế cho các nạn nhân sẽ hết hạn trong tháng 10 tới, và quỹ đền bù cho nạn nhân sẽ hết hạn sau 1 năm nữa (tháng 10.2016), trừ khi Quốc hội Mỹ quyết định rót nhiều tiền hơn. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu là các nhà khoa học và các bác sĩ đang tìm kiếm mối liên kết nào đó để kết luận mối liên quan giữa vụ khủng bố và bệnh tật.

Vụ khủng bố 11/9: 14 năm nhìn lại - Ảnh 4
Sau vụ 11/9, các nhân viên cứu hỏa bắt đầu bị bệnh về đường hô hấp mãn tính

Trong một nghiên cứu toàn diện nhất của vấn đề này cho đến nay, Sở Y tế thành phố New York không tìm thấy mối liên hệ thật sự rõ ràng giữa bệnh ung thư và các mảnh vụn, khói bụi tại nơi các tòa nhà sụp đổ. Nghiên cứu được công bố vào năm 2012 trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, dựa trên sự theo dõi 55.778 cư dân New York - những người đã có mặt tại WTC trong ngày xảy ra cuộc tấn công và đã có tên trong chương trình chăm sóc sức khỏe. Trong số những người quan sát, 1.187 người đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Nghiên cứu cũng cho thấy nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt, ung thư tuyến giáp và u tủy tăng cao.

Cuộc chiến chống khủng bố

Vụ khủng bố đẫm máu ngày 11/9 được xem là điểm khởi đầu của cuộc chiến chống khủng bố dường như không có hồi kết của Mỹ.

Ngày 14/10/2001, Tổng thống Bush đã có bài phát biểu công bố một chiến dịch quân sự mang tên “Tự do bền vững” nhằm vào Afghanistan. Hai năm sau, ông Bush tiếp tục đưa quân tấn công Iraq. Cả hai cuộc chiến mà Washington phát động là nhằm mục đích tiêu diệt tận gốc mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda.

Vụ khủng bố 11/9: 14 năm nhìn lại - Ảnh 5
Tổng thống Mỹ George Bush khi đó gặp gỡ và động viên lính cứu hỏa sau vụ tấn công khủng bố kinh hoàng

Đúng 13 năm sau, một ngày trước dịp tưởng niệm những nạn nhân xấu số của vụ khủng bố 11/9, vào ngày 10/9/2014, Tổng thống Obama cũng có một bài phát biểu tương tự.

Thế nhưng, bức tranh về cuộc chiến chống khủng bố trong 14 năm qua khá ảm đạm. Nguy cơ khủng bố vẫn hiện hữu và ngày càng trở nên nguy hiểm hơn không chỉ đối với nước Mỹ mà còn nhiều nước khác trên thế giới.

Sự kiện 11/9 là một cuộc tấn công khủng bố liên hoàn diễn ra vào thứ Ba, ngày 11/9/2001. Theo đó, một nhóm không tặc đã cướp 4 máy bay Boeing nội địa của nước Mỹ. Đầu tiên, không tặc lái hai phi cơ lao thẳng vào tòa Tháp Đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới tại Manhattan (New York, Mỹ), mỗi chiếc đâm vào một trong hai tòa tháp cao nhất, cách nhau khoảng 18 phút. Trong vòng hai tiếng đồng hồ, cả hai tòa tháp đã sụp đổ hoàn toàn.

Một nhóm không tặc khác lái chiếc phi cơ thứ ba đâm vào tổng hành dinh của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tại Lầu Năm Góc ở Quận Arlington, Virginia. Chiếc máy bay thứ tư rơi xuống một cánh đồng gần Shanksville thuộc Quận Somerset, Pennsylvania, sau khi hành khách trên máy bay chống cự lại nhóm không tặc này.

Vụ việc đã làm hơn 3.000 người thiệt mạng. 

Phương Anh (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục