Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Không vì phát triển kinh tế mà phá vỡ di sản văn hóa

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, phát triển du lịch làm sao để bền vững, không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, không làm phá vỡ di sản văn hóa là một vấn đề lớn.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Không vì phát triển kinh tế mà phá vỡ di sản văn hóa - Ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Chiều 5/6, ngay sau khi kết thúc phần chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thứ ba liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã đăng đàn trả lời các đại biểu Quốc hội về một số nội dung được quan tâm, đặc biệt là vấn đề năng lực cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam, việc phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước …

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) đặt vấn đề về nút thắt dẫn đến tình trạng tổng thể tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam chưa cao, chỉ xếp thứ 67/136 nền kinh tế, trong khi các thứ hạng về tài nguyên văn hóa xếp thứ 30, tài nguyên thiên nhiên xếp thứ 34, tài nguyên nhân lực đứng thứ 37… theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới.

Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp đột phá nhằm sớm cải thiện được thứ hạng, đưa du lịch Việt Nam vào nhóm đầu các nước ASEAN, đạt được mục tiêu cao theo Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã đề ra.

Trả lời đại biểu Nguyễn Quốc Hưng, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam chưa đạt xứng tầm tiềm năng là do bên cạnh các thế mạnh, có một số chỉ số còn rất hạn chế.

“Như là chỉ số về hạ tầng du lịch, thứ 113/136; trong đó Thái Lan thứ 16. Mức độ ưu tiên cho ngành du lịch chúng ta hạng 101, Thái Lan hạng 34. Vấn đề về mức độ mở cửa quốc tế chúng ta hạng 73, Thái Lan hạng 52, chỉ số cạnh tranh về thị thực chúng ta đứng thứ 116 , thấp nhất trong các nước ASEAN, trong khi đó Thái Lan đứng thứ 21, Philippines thứ 24”.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, Việt Nam hiện chỉ mở cửa cho phép thị thực đơn phương cho 24 nước và cấp thị thực điện tử cho 80 nước, trong khi Indonesia miễn thị thực cho 158 nước, Philippines miễn thị thực cho 157 nước…

Đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam đạt thấp theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới.

Theo Bộ trưởng, để khắc phục tình trạng trên, cần giảm thiểu những hạn chế liên quan đến điểm yếu của du lịch Việt Nam như về cơ sở hạ tầng, mở cửa thị thực, tăng tính bền vững về môi trường…

Giải thích lý do tăng trưởng du lịch của Việt Nam gần đây, cụ thể là trong 5 tháng đầu năm 2019 tăng chậm lại, chỉ đạt 8,8%, trong khi trong giai đoạn 2016 – 2017 tăng trưởng rất mạnh (đạt gần 30%), Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, vấn đề này đã được dự báo trước.

Một trong những nguyên nhân cơ bản là do lượng khách Trung Quốc giảm, trong 5 tháng đầu năm 2019 gần như không tăng, trong khi những năm trước lượng khách đến từ Trung Quốc tăng khoảng 30%. Bộ trưởng cho rằng, cần có các giải pháp đẩy mạnh quảng bá xúc tiến tại những thị trường quan trọng.

" Trên thế giới, tất cả các nước đều rất mong muốn thu hút khách từ thị trường Trung Quốc”, Bộ trưởng cho biết.

Chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, đại biểu Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ) đặt câu hỏi về những giải pháp nhằm đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, đặt trong bối cảnh du lịch hiện nay mới đóng góp chưa được 10% GDP.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp căn cơ, đột phá để đưa du lịch thật sự trở thành một ngành mũi nhọn của nền kinh tế như Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã đề cập, đồng thời để ngành du lịch đóng góp nhiều hơn nữa trong tỷ trọng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Giải đáp thắc mắc của đại biểu Nguyễn Văn Quyền, người đứng đầu ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, du lịch Việt Nam hiện nay đóng góp khoảng 9% GDP.

Theo Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, Việt Nam phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đến năm 2020 du lịch Việt Nam sẽ đón từ 17 – 20 triệu lượt khách quốc tế và 85 triệu lượt khách nội địa, đóng góp khoảng 10% GDP.

Với mức độ như vậy, ngành du lịch mới cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, và với tiến trình như hiện nay, để thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn phải đến năm 2030.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Không vì phát triển kinh tế mà phá vỡ di sản văn hóa - Ảnh 2

Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ Nguyễn Văn Quyền đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Đại biểu Nguyễn Văn Quyền cũng chất vấn Bộ trưởng về vấn đề “phát triển du lịch không phải bằng mọi giá”, từ đó đề nghị Bộ trưởng xem xét các giải pháp nhằm giải quyết mâu thuẫn, xung đột giữa mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn với nhu cầu bảo tồn, giữ vững bản sắc dân tộc, giữ gìn trật tự, an ninh xã hội hiện nay.

Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, phát triển du lịch làm sao để bền vững, không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, không làm phá vỡ di sản văn hóa là một vấn đề lớn trong mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển đối với tất cả các nước trên thế giới.

Thời gian vừa qua, quá trình xây dựng các khu du lịch ở “nơi này, nơi khác” đã gây ảnh hưởng đến vấn đề bảo tồn.

Bộ trưởng nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc liên quan đến công tác bảo tồn di sản văn hóa vừa qua - Đó là: "Tất cả đều có thể xây dựng được, làm được, nhưng di sản văn hóa thì không thể làm lại được nên không thể hy sinh di sản vì sự phát triển vì bất cứ giá nào."

Từ đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, trong quá trình phát triển, thiết kế luôn luôn phải chú ý đến vấn đề bảo tồn các di sản.

Theo Bộ trưởng, thời gian qua còn một số tồn tại trong vấn đề này, như việc coi nhẹ quy hoạch bảo tồn, quá trình phát triển không quan tâm đến việc bảo tồn di sản hay ý kiến của những nhà hoạt động chuyên môn, hoặc khi thi công không ai giám sát…

Cũng trong phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, các đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi về một số vấn đề như công tác quản lý nghệ thuật biểu diễn, quản lý điện ảnh, quản lý hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, công tác phòng ngừa mê tín dị đoan; quản lý nguồn thu từ các khu di tích, danh lam thắng cảnh, du lịch tâm linh…/.

 

Hiền Hạnh - BNEWS/TTXVN.

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục