Canada chính thức phê chuẩn CPTPP

Canada mới đây đã trở thành quốc gia thứ 5 phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Trong cuộc gặp giữa Bộ trưởng Đa dạng hóa thương mại quốc tế của Canada, Jim Carr với Cao ủy New Zealand tại Canada Daniel Mellsop, Canada cho biết quốc gia này đã hoàn tất thủ tục cần thiết để chính thức phê chuẩn và thực hiện CPTPP, theo thông tin từ TTXVN.

Hiệp định này được xem là thông điệp chống lại xu hướng bảo hộ đang diễn ra gần đây.

Chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau mong muốn Canada nằm trong nhóm thành viên đầu tiên đưa hiệp định thương mại này vào thực thi, nhằm đảm bảo Canada giữ được lợi thế đi đầu tại nhiều thị trường tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Cách đây khoảng 1 tuần, New Zealand cũng thông qua CPTPP, dự kiến hoàn tất quá trình vào cuối tháng này.

Nghị quyết phê chuẩn CPTPP sẽ được Quốc hội Việt Nam xem xét, thông qua trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, một bước đi được giới chuyên gia và các doanh nghiệp kỳ vọng.

Chia sẻ bên lề Hội thảo "Doanh nghiệp số và đổi mới sáng tạo" cuối tuần trước tại Hà Nội, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương nhìn nhận, việc phê chuẩn CPTPP trong kỳ họp lần này sẽ mang lại những tác động tích cực.

Theo ông Thành, CPTPP là một hiệp định chất lượng cao, giúp tác động rất nhiều lên cải cách thể chế, nâng cao lòng tin của thị trường, nhà đầu tư, doanh nghiệp vào nỗ lực tiếp tục hội nhập sâu rộng, cải cách kinh doanh của Việt Nam. Đồng thời, hiệp định này mở ra rất nhiều cơ hội mới về thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ, kĩ năng, cả trực tiếp lẫn gián tiếp.

Tuy nhiên, việc gia nhập vào hiệp định này cũng mang lại không ít rủi ro và thách thức cho Việt Nam.

“Chúng ta đều biết hội nhập đem lại rất nhiều cơ hội nhưng hội nhập cũng là thách thức. Mặc dù vậy, chúng ta lựa chọn phải hội nhập vì lý do rất cơ bản: hội nhập chưa chắc đảm bảo cho chúng ta phát triển nhanh, bền vững nhưng không hội nhập thì chúng ta chắc chắn không phát triển nhanh và bền vững được. Chúng ta chấp nhận có những rủi ro, thách thức nhưng đây là đây là điều cần để có cơ hội tốt cho phát triển bền vững và nhanh hơn”, ông Thành nhấn mạnh.

Theo quy định, hiệp định thương mại này sẽ chính thức có hiệu lực sau 60 ngày kể từ khi được phê chuẩn bởi ít nhất 6 trong tổng số 11 nước tham gia, tạo ra một vùng thương mại chiếm 15% tỷ trọng toàn cầu.

Với gần nửa tỷ dân, 11 nước thành viên của CPTPP đóng góp tổng cộng 10.000 tỷ USD, tức hơn 13%, GDP toàn cầu và là một trong ba hiệp định thương mại tự do lớn nhất hành tinh.

Theo Lan Phương/Nhà Quản Trị

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục