Bộ trưởng Tài chính cam kết đòi 34.000 tỷ đồng nợ thuế

(Kinhdoanhnet) - Trả lời chất vấn sáng nay, 17-11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cam kết sẽ đòi được được khoản nợ thuế 34.000 tỷ của các doanh nghiệp có khả năng tài chính nhưng không chịu trả.

Trong phiên chất vấn sáng nay, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) dẫn lại con số của Bộ Tài chính cho thấy, trong số 76.000 tỷ đồng nợ đọng thuế hiện nay có khoảng 34.000 tỷ là của các doanh nghiệp có khả năng tài chính nhưng không chịu trả. Do đó, đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc đặt vấn đề về khả năng thu hồi số tiền này.

Bộ trưởng Tài chính cam kết đòi 34.000 tỷ đồng nợ thuế - Ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn trước Quốc hội

Trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cam kết: "Riêng trong năm 2015 đã thu về hơn 31.000 tỷ đồng nợ thuế nên còn treo 34.000 tỷ đồng đó. Chúng tôi chắc chắn thu được số này".

Lời hứa của vị trưởng ngành ngay lập tức được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc lại trước Quốc hội. Sau đó, ông còn đề cập tới một câu hỏi của đại biểu khác về việc khi nào cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan của Việt Nam vào nhóm ASEAN 4. Trả lời, ông Đinh Tiến Dũng cho biết, sau những nỗ lực cải cách, năm nay lĩnh vực thuế và hải quan đã có thể vào nhóm ASEAN 6. "ASEAN 4, 5 thì đến năm 2016 chắc chắn sẽ đạt được theo nghị quyết 19 của Chính phủ", ông Dũng cam kết.

Tiếp tục trả lời một số câu hỏi của các ĐBQH khác về vấn đề nợ công tăng cao, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, lý do khiến nợ công tăng cao giai đoạn 5 năm qua là do cuộc khủng hoảng kinh tế tác động khiến tăng trưởng kinh tế trong nước thấp hơn mục tiêu đề ra, trong khi chúng ta vẫn không điều chỉnh các chỉ tiêu về chi ngân sách khác. Lý do thứ 2 là giá dầu thô giảm, cùng đó Việt Nam thực hiện các chính sách giảm thuế, tái cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước... làm cho tỷ lệ thu ngân sách nhà nước giảm sâu.

Là người nắm giữ túi tiền quốc gia, người đứng đầu ngành tài chính cũng thừa nhận trước Quốc hội tình trạng tỷ lệ chi thường xuyên hiện nay vẫn lớn, ảnh hưởng đến chi phát triển và trả nợ. Năm 2014, 2015, theo Bộ trưởng, cơ cấu chi ngân sách Nhà nước cho thường xuyên khoảng 67-68% nhưng năm 2016, cơ quan này dự toán sẽ đưa tỷ lệ này về 64%. "Theo kế hoạch trung hạn của Bộ Tài chính, đến năm 2020, tỷ lệ chi thường xuyên sẽ xuống 58-59%", Bộ trưởng cho biết.

Tuy vậy, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định các chính sách của Chính phủ và Quốc hội đã đúng hướng vì tổng thu ngân sách đến năm 2015 vẫn tăng gấp đôi so với giai đoạn 2006-2010, đồng thời cam kết nợ công chỉ chi cho đầu tư phát triển và sẽ quản lý chặt chẽ khoản vay.

Thu Trang (Tổng hợp theo Vnexpress, An ninh thủ đô)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục