Đề xuất tịch thu phương tiện giao thông vi phạm: Bất bình nhiều hơn đồng tình

(Kinhdoanhnet) - Đề xuất tịch thu phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn khiến nhiều người lo lắng, băn khoăn. Số đông dư luận đều phản đối và bất bình về đề xuất này.

Đề xuất tịch thu phương tiện giao thông của người tham gia giao thông có nồng độ cồn trên 80mg/100ml hoặc vượt quá 0,4mg/l khí thở của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia đang làm "nóng" dư luận trong những ngày gần đây.

Hiện nay qua các phương tiện truyền thông thăm dò sự phản ứng của dư luận và các chuyên gia pháp luật đã cho thấy đa phần không ủng hộ với đề xuất tịch thu phương tiện tham gia giao thông của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, vì cho là quá nặng và bất hợp lí về mặt lí luận lẫn tính đồng bộ pháp luật.

Đề xuất tịch thu phương tiện giao thông vi phạm: Bất bình nhiều hơn đồng tình
Đề xuất tịch thu phương tiện giao thông vi phạm: Bất bình nhiều hơn đồng tình

Khảo sát trên nhiều trang báo điện tử cho thấy, đa số ý kiến của độc giả thể hiện sự băn khoăn, không đồng tình với đề xuất này, dù đại diện Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đưa ra nhiều lý lẽ để giải thích. 

Độc giả anh Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) băn khoăn: "Chỉ dựa vào một cái máy đo độ cồn và thái độ của anh CSGT mà quyết định đến một tài sản có khi lên đến vài tỉ đồng hoặc phương tiện duy nhất để nuôi sống cả gia đình thì có khả thi không?".

Nói về đề xuất này, anh Phương chia sẻ, có rất nhiều cách khác để ngăn chặn việc lái xe khi đã uống rượu bia. Có thể tịch thu hoặc treo giấy phép lái xe có thời hạn đủ lâu để tăng hiệu lực chấp hành; có thể xử phạt hành chính bằng cách bắt người vi phạm lao động công ích 10, 20 ngày và công khai cho gia đình, cơ quan, đơn vị công tác biết. Trường hợp tái vi phạm có thể bị phạt tù... Biết rằng gây tai nạn giao thông sẽ để lại hậu quả khôn lường cho gia đình và toàn xã hội, nhưng nguyên nhân xảy ra tai nạn do bia rượu cũng chỉ chiếm một tỷ lệ nhất định. Còn một số không ít người cho dù không uống rượu bia vẫn cố tình vi phạm pháp luật như đi vào đường cấm, chở quá số người và trọng lượng hàng hoá theo quy định, cố tình tranh giành đường, lạng lách, đánh võng gây nguy hiểm cho người khác...  

Cũng phản bác đề xuất trên, bác Minh Đăng (Hà Nội) viết: "Tịch thu thì không hợp lý vì đây là tài sản cá nhân không phải do phạm tội mà có chỉ là phạm luật giao thông mà thôi, chỉ nên tăng thời gian tạm giữ phương tiện và tiền phạt, quá hạn 10 ngày nếu không ai đến nhận thì lúc đó mới thanh lý để bổ sung công quỹ".

Chị Hà Linh (nhân viên văn phòng tại Tp.HCM) cũng quả quyết: "Không nên tịch thu phương tiện ,vì phương tiện không hề có lỗi ,phương tiện do người chỉ đạo điều hành ,theo tôi lái xe có sử dụng rượu bia ,chất kích thích .... thu bằng lái xe vĩnh viễn ".

Trước đó, tại văn bản gửi Chính phủ mới đây về việc cho phép thực hiện một số quy định xử phạt vi phạm hành chính nhằm kéo giảm tai nạn và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã đề xuất cho phép các Bộ, ngành, địa phương thực hiện thí điểm một số quy định xử phạt, áp dụng từ ngày 15/3.

Đáng chú ý, trong văn bản của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia có đề xuất: Nếu có nồng độ cồn trên 80mg/100ml hoặc vượt quá 0,4mg/l khí thở, lái xe sẽ bị tước giấy phép 2 năm và tịch thu phương tiện, đồng thời phải thi lại Luật giao thông đường bộ trước khi cấp lại giấy phép. Hình thức xử phạt này áp dụng cho cả người vi phạm điều khiển môtô, xe gắn máy (xe máy điện) và các loại xe tương tự môtô, xe gắn máy.

Ninh Anh (Th)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục