Kỳ họp thứ 7, QH khóa XIII: Cần chính sách thuận lợi cho DN nông sản

Niềm vui xen lẫn nỗi lo là biểu hiện xuyên suốt trong phiên thảo luận tổ của các đại biểu (ĐB) Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 7 (Quốc hội khóa XIII).

Lo lắng khi DN vẫn khó khăn

Nhìn lại năm 2013, ĐB Trịnh Thế Khiết cho biết, chúng ta đã đạt hoặc vượt 10/15 chỉ tiêu là sự cố gắng lớn. Mặc dù GDP chỉ tăng ở mức 5,42% nhưng cũng đạt xấp xỉ mục tiêu Quốc hội đặt ra. Qua đó cho thấy, nền kinh tế đã có xu hướng phục hồi. ĐB Phạm Huy Hùng bày tỏ lạc quan, năm 2013 kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tỷ giá duy trì ổn định, dự trữ ngoại hối tăng, kim ngạch xuất khẩu tăng, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư, an sinh xã hội được bảo đảm.

"4 tháng đầu năm 2014, kinh tế vĩ mô ổn định hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản bảo đảm. Giá tiêu dùng 4 tháng so với cuối năm 2013 chỉ tăng 0,88%, thấp nhất trong 4 năm qua. Đặc biệt, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm, tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định…" - ông Phạm Huy Hùng đánh giá.

"Có thể nhận định tổng quát rằng, chưa bao giờ đất nước trải qua giai đoạn khó khăn cả ở trong nước và chịu tác động từ ngoài nước như thời gian qua, nhưng chúng ta vượt qua khủng hoảng để giữ sự ổn định về kinh tế, đời sống nhân dân ổn định" - ĐB Bùi Thị An cho biết.

Vị nữ đại biểu này cũng chuyển tới ngành giao thông lời khen của cử tri trước những chuyển biến trong quản lý Nhà nước ở lĩnh vực giao thông. Cử tri đánh giá ngành này đã minh bạch, công khai, nhanh nhạy hơn, đặc biệt trong xử lý những vụ việc như đình chỉ các dự án chậm tiến độ, kỷ luật cán bộ công khai…

Tuy nhiên, các ĐB cho rằng, báo cáo bổ sung của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 có phần lạc quan mà chưa đánh giá toàn diện hơn qua những con số về đời sống thực của người dân. ĐB Nguyễn Hồng Sơn lo lắng: tiến trình tái cơ cấu DNNN còn chậm, kinh doanh còn khó khăn, một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh tăng chậm, thậm chí suy giảm.

Trong quý I/2014, có 18.400 DN đăng ký mới, nhưng cũng tới 16.700 DN giải thể, cho thấy DN vẫn còn khó khăn. Mặc dù lãi suất ngân hàng đã giảm mạnh, tuy nhiên nhiều DN không có nhu cầu vay vốn hoặc DN có nhu cầu vay vốn, nhưng lại không đáp ứng được điều kiện an toàn tín dụng của NH.

Dịch chưa đến, nông dân đã thiệt

Là Chủ tịch Hội Nông dân TP. Hà Nội, ĐB Trịnh Thế Khiết đã chuyển tiếng nói của người nông dân đến diễn đàn Quốc hội: tình trạng sản xuất kinh doanh vẫn "được mùa rớt giá", hay dịch bệnh cho gia súc, gia cầm mới chỉ thông báo có dịch thì người nông dân đã thiệt hại.

Tại sao xuất khẩu gạo của chúng ta đang ở mức nhất nhì thế giới, nhưng nông dân trồng lúa vẫn không có lãi và đây vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp từ phía các bộ, ngành có liên quan? ĐB Đào Văn Bình nhấn mạnh, theo như báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thu nhập của nông dân tiếp tục giảm, nguyên nhân chủ yếu là nông dân sản xuất với chi phí đầu vào cao, nhưng sản phẩm làm ra giá lại rẻ.

"Khó có thể tưởng tượng một con lợn thịt 35 kg nhưng giá chưa đến 2 triệu đồng, trong khi chi phí nuôi con một con lợn bỏ ra nhiều hơn" - ĐB Đào Văn Bình xót xa.

Vị ĐB của Hà Nội cũng nêu sự thật: Chương trình xây dựng nông thôn mới đã thay đổi bộ mặt nông thôn, nhưng vẫn có chuyện chạy theo thành tích. Có đơn vị vay tiền trước để chạy theo thành tích. Thậm chí, lãnh đạo xã khóa này vay đầu tư nhưng để nợ cho lãnh đạo khóa sau.

Kỳ họp thứ 7, QH khóa XIII: Cần chính sách thuận lợi cho DN nông sản - Ảnh 1

Để giải bài toán nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, các ĐB đề nghị phải quy hoạch vùng, xác định được vùng nào chuyên canh cây gì, con gì thì mới cơ giới hóa, đưa đúng chuyên ngành khoa học kỹ thuật vào nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đặc biệt, cần tạo điều kiện cho các DN đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm qua khâu chế biến. Vì vậy, Chính phủ cần có chính sách thuận lợi cho các DN chế biến nông sản để có các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao đưa ra thị trường.

Lại vẫn băn khoăn chuyện ngân sách

Liên quan tới vấn đề thu chi NSNN, ĐB Đào Văn Bình nhấn mạnh, thu ngân sách hiện nay không bền vững. Chẳng hạn, năm 2013 đến gần tháng 11 Bộ Tài chính nói thu khó khăn và khó đạt, nhưng kết thúc năm nói là vượt kế hoạch. ĐB Trịnh Thế Khiết đề nghị, cần phải quản lý nguồn vốn NSNN, nhất là nguồn vốn cấp cho đầu tư xây dựng cơ bản.

Khẩn thiết đề nghị chi tiêu ngân sách phải thực sự tiết kiệm, ĐB Cù Thị Hậu cho rằng, cử tri bức xúc: lễ hội tổ chức hoành tráng diễn ra quá nhiều, mà chủ yếu là múa hát, trong đó có nhiều lễ hội sử dụng tiền ngân sách. ĐB Hậu cho rằng: chúng ta nên dành tiền để đầu tư cho nhiều công trình phúc lợi, hay tạo công ăn việc làm cho người dân. Không phải chúng ta dừng tổ chức tất cả các lễ hội, nhưng phải tính toán để tránh lãng phí, ảnh hưởng tới tâm lý của người dân.

ĐB Nguyễn Tiến Sinh đề nghị, việc bố trí nguồn lực cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các bộ, ngành cần phải cân đối rồi mới trình. "Chúng ta đã "hú hồn, hú vía" với việc tổ chức ASIAD với mức chi 150 triệu USD. Chúng ta có tiền nhiều đâu mà bày ra lắm thế" - ĐB Nguyễn Tiến Sinh bức xúc.

(Theo Thời báo ngân hàng)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục