Nhiều chính sách thay đổi khi lương cơ sở tăng

Theo Nghị định 47/2017, từ ngày 1.7, lương cơ sở tăng từ 1,21 triệu đồng lên 1,3 triệu đồng/tháng.

Theo Nghị định 47/2017, từ ngày 1.7, lương cơ sở tăng từ 1,21 triệu đồng lên 1,3 triệu đồng/tháng. Việc điều chỉnh tăng mức lương cơ sở sẽ kéo theo một số thay đổi chế độ chính sách tiền lương, bảo hiểm... cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang.

Nhiều chính sách thay đổi khi lương cơ sở tăng - Ảnh 1
Thực hiện thủ tục bảo hiểm xã hội tại TP.Hà Nội

Có 9 nhóm đối tượng được nâng lương trong đợt này, gồm: cán bộ, công chức từ T.Ư đến cấp huyện; cán bộ, công chức cấp xã; viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập; người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong số lượng người làm việc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt tại các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ và công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân VN; sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân; người làm việc trong tổ chức cơ yếu; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố.

Tăng mức đóng BHXH bắt buộc và tự nguyện

Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN vừa ban hành Công văn 2159/BHXH-BT hướng dẫn mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp và thu BHXH, BHYT, BHTN theo mức lương cơ sở mới. Theo đó, mức lương cơ sở 1,3 triệu đồng/tháng sẽ là căn cứ tính mức lương đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp từ 1.7.2017. Đối tượng áp dụng là người lao động tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, thuộc đối tượng quy định tại điều 2 Nghị định 47/2017/NĐ-CP…

Bên cạnh đó, mức thu nhập tháng của người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn để tính mức đóng BHXH tự nguyện từ ngày 1.7 cũng thay đổi, cao nhất là 26 triệu đồng/tháng (1,3 triệu đồng/tháng x 20 lần).

Mức trợ cấp thai sản tăng 7,4%

Theo điều 38 luật BHXH năm 2014: Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.

Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia BHXH thì cha được trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.

Do đó, khi lương cơ sở tăng lên 1,3 triệu đồng/tháng thì mức trợ cấp thai sản cũng điều chỉnh tăng theo. Cụ thể: 1,3 triệu đồng x 2 = 2,6 triệu đồng (mức cũ 1,21 triệu đồng x 2 = 2,42 triệu đồng), tức tăng thêm khoảng 7,4%.

Thay đổi mức phí tham gia BHYT

Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH VN, cho biết từ 1.7 BHYT có những điểm mới lưu ý là: mức đóng BHYT chỉ tăng đối với học sinh, sinh viên (từ 3% lên 4,5% mức lương cơ sở). Giảm mức cùng chi trả cho một số nhóm đối tượng như người thuộc hộ gia đình nghèo (từ 5% xuống còn 0%), người cận nghèo, thân nhân người có công (từ 20% xuống 5%), thân nhân liệt sĩ (từ 20% xuống 0%)...

Do mức đóng BHYT điều chỉnh theo mức lương cơ sở nên quyền của người có thẻ BHYT cũng điều chỉnh theo. Người bệnh đi khám, chữa bệnh BHYT đúng quy định, có tổng chi phí một lần khám, chữa bệnh thấp hơn 195.000 đồng không phải thực hiện cùng chi trả (thay vì 181.500 đồng như trước). Người bệnh đã tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục thì không phải cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm vượt quá 6 tháng lương cơ sở là 7,8 triệu đồng (thay vì 7,2 triệu đồng như trước)

Theo quy định của luật BHYT, mức tham gia BHYT hộ gia đình được dựa trên mức lương cơ sở. Từ ngày 1.7, lương cơ sở tăng lên 1,3 triệu đồng/tháng thì mức phí tham gia BHYT hộ gia đình cũng tăng theo.

Theo Quốc Minh - Thu Hằng - Duy Tính/Báo Thanh niên

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục