Siết chặt quản lý thuế đối với doanh nghiệp FDI?

(Kinhdoanhnet) - Giữa thời buổi kinh tế khó khăn, DN nội đang điêu đứng vì thuế thì những doanh nghiệp FDI liên tục nhận được ưu đãi về thuế. Nên chăng, cần siết chặt quản lý thuế với doanh nghiệp FDI.

"Biệt đãi" cho DN FDI, DN nội không dám mơ tới

Theo chính sách thu hút DN FDI của Việt Nam, các doanh nghiệp FDI khi mới vào Việt Nam đều được 4 năm miễn, 9 năm giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp và có dự án chỉ áp dụng mức ưu đãi 10% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 30 năm dự án đầu tư.

Điển hình như việc Bắc Ninh có cơ chế ưu đãi "tòa phần" cho Công ty Samsung Display khiến nhiều DN nội ngã ngửa. Sau khi hết thời hạn miễn, giảm theo Luật Thuế TNDN gồm miễn 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp, Samsung Display sẽ được giảm tiếp 50% cho 3 năm tiếp theo. DN này còn được hỗ trợ 50% phí sử dụng hạ tầng với số tiền hỗ trợ dự tính trên 286,9 tỉ đồng. Bắc Ninh cũng hỗ trợ đào tạo lao động là người Bắc Ninh với mức 1,5 triệu đồng/lao động.

Dự án Khu liên hợp gang thép Formosa tại Hà Tĩnh cũng được ưu đãi thuế TNDN 10% từ năm có thu nhập chịu thuế; 4 năm miễn thuế TNDN và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo; giảm 50% thuế TNCN với người có thu nhập cao; miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị và phương tiện vận tải chuyên dùng; miễn thuế tài nguyên và giảm 40% phí bảo vệ môi trường với hoạt động hút cát, san nền...

Doanh thu tăng trưởng mạnh vẫn liên tục "lỗ"


Được nhận nhiều "biệt đãi" nhưng các ông chủ DN FDI liên tục báo lỗ. Phải kể đến đầu tiên là ông trùm Metro. Việc bán Metro đình đám làm xôn xao dư luận thời gian qua đặt ra một dấu hỏi lớn trong việc kinh doanh của ông lớn này.

Tại Việt Nam, hệ thống siêu thị Metro có đến 19 chi nhánh siêu thị Metro trong cả nước đều tọa lạc ở vị trí đẹp. Chính sách ưu đãi cho Metro khi vào Việt Nam là được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 50% trong 2 năm kể từ khi có lãi. 

Doanh thu liên tục tăng nhưng Metro 12 năm báo lỗ
Doanh thu liên tục tăng nhưng Metro 12 năm báo lỗ

Tuy nhiên, 12 năm Metro liên tục báo lỗ không đóng thuế thu nhập doanh nghiệp (DN). Từ năm 2002 đến năm 2012, Metro báo lỗ liên tục. Các năm còn lại, lỗ của Metro dao động từ 89 đến 160 tỷ đồng; tính đến năm 2012, Metro lỗ lũy kế đến 598 tỷ đồng. Duy nhất năm 2010, Metro báo lãi 116 tỷ đồng. Thời gian qua doanh nghiệp này mới chỉ nộp thuế giá trị gia tăng, môn bài, tiền thuê đất, thuế nhà thầu. Riêng thuế thu nhập doanh nghiệp, Metro chưa nộp đồng nào và trở thành một trong những doanh nghiệp FDI bị cơ quan thuế đặt dấu hỏi lớn về vấn đề chuyển giá.

Theo báo cáo tài chính của Tập đoàn Metro năm 2002, doanh thu của MCC Việt Nam đạt 38 triệu euro, tương đương hơn 600 tỷ đồng (theo tỷ giá lúc đó). Đến năm 2013, doanh thu tăng lên 516 triệu euro, tức vào khoảng 14.731 tỷ đồng, tăng hơn 24 lần. Việt Nam cũng là thị trường có doanh thu lớn thứ 2 tại châu Á, sau Trung Quốc.

Vừa qua, Metro đột ngột sang tên, chuyển nhượng cho 1 đại gia Thái Lan với giá 900 triệu USD. Vậy, kinh doanh thua lỗ tại sao Metro vẫn bán được với giá hàng trăm triệu USD?

8 tháng đầu năm 2014, Tổng cục Thuế đã thành lập một đoàn thanh tra riêng tập trung rà soát trong số 39.637 DN, có 1.938 DN có dấu hiệu chuyển giá, truy thu 1.317,9 tỷ đồng, giảm lỗ 4.129,8 tỷ đồng, giảm khấu trừ hoàn thuế 82,8 tỷ đồng.

Doanh nghiệp FDI: Cần siết chặt quản lý thuế
Doanh nghiệp FDI: Cần siết chặt quản lý thuế

Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) gây sốc nhất khi lợi nhuận sau thuế trong báo cáo tự lập và báo cáo sau kiểm toán năm 2013 chênh nhau tới gần… 500 tỷ đồng. Kết quả kiểm toán cũng đã phát hiện ra lợi nhuận sau thuế của công ty bị PVX sai lệch tới 487 tỷ đồng.

Ông lớn Coca-Cola liên tục báo thua lỗ triền miên và thuộc tốp các DN lập kỷ lục báo lỗ tại Việt Nam. Sau hàng chục năm đầu tư vào Việt Nam, Coca-Cola không ngừng báo lỗ và chưa đóng 1 đồng thuế thu nhập DN. Tuy nhiên, DN vẫn liên tục mở rộng đầu tư với kế hoạch mới nhất là đầu tư thêm 300 triệu USD tới 2015.

Siết chặt quản lý thuế với DN FDI

Theo thống kê của Tổng cục Thuế, tính đến tháng 4/2013 đã phát hiện tình trạng chuyển giá đối với 20 doanh nghiệp (DN) FDI. Số tiền phải điều chỉnh ở 20 DN này lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Theo kết quả thanh tra 332 DN tại Hà Nội thì phát hiện có 326 đơn vị vi phạm, số tiền giảm lỗ hơn 1.500 tỉ đồng, truy thu, phạt, truy hoàn gần 498 tỉ đồng. TP.HCM thanh tra 193 DN FDI, có tới 164 DN vi phạm, giảm lỗ hơn 870 tỉ đồng và truy thu, phạt gần 173 tỉ đồng.

Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu nhỏ và vừa, còn yếu, lại không được ưu đãi nhiều. Thậm chí, nhiều chính sách chẳng khác nào "bạc đãi" doanh nghiệp trong nước. Chẳng hạn như vấn đề tiền tệ, lãi suất, có giai đoạn, ngân hàng hoành hành, đẩy lãi suất cao khiến doanh nghiệp tiếp cận vốn vô cùng khó khăn, dẫn tới phá sản.

Nếu như các DN FDI được tiếp cận lãi suất chỉ 1-2% khi đầu tư vào đây, thì doanh nghiệp Việt Nam chịu 10-15%. Thử hỏi, các ông lớn DN FDI báo lỗ thì DN nội lấy nguồn sống từ đâu?

Dù rằng việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là cần thiết nhưng thiết nghĩ, nên chăng có chính sách, luật cụ thể để những DN nội không quá thiệt thòi và DN FDI "trốn thuế, chuyển giá" như thời gian qua.

Ngọc Bích

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục