Từ 15/3, không được vay ngân hàng để mua vàng miếng

(Kinhdoanhnet) - Theo quy định mới tại Thông tư 39 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhu cầu vốn không được phép cho vay sẽ áp dụng đối với mặt hàng vàng miếng.

Mới đây, NHNN đã công bố Thông tư 39/2016 về Quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

Từ 15/3, không được vay ngân hàng để mua vàng miếng - Ảnh 1
Từ 15/3, không được vay ngân hàng để mua vàng miếng. Ảnh minh họa

Một trong các điểm đáng chú ý trong Thông tư này là sự thay đổi trong những khoản nhu cầu vốn mà tổ chức tín dụng không được cho vay.

Cụ thể, có tổng cộng 6 khoản mà tổ chức tín dụng không được cho vay đối với các nhu cầu vốn, bao gồm:

1. Để thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc ngành, nghề mà pháp luật cấm đầu tư kinh doanh.

2. Để thanh toán các chi phí, đáp ứng các nhu cầu tài chính của các giao dịch, hành vi mà pháp luật cấm.

3. Để mua, sử dụng các hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề mà pháp luật cấm đầu tư kinh doanh.

4. Để mua vàng miếng.

5. Để trả nợ khoản nợ vay tại chính tổ chức tín dụng cho vay trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình, mà chi phí lãi tiền vay được tính trong dự toán xây dựng công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

6. Để trả nợ khoản nợ vay tại tổ chức tín dụng khác và trả nợ khoản vay nước ngoài. Ngoại trừ trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện gồm: là khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh; thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ và là khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Ngoài ra, t

heo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015, chủ thể tham gia quan hệ dân sự chỉ bao gồm pháp nhân, cá nhân. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã bổ sung quy định về khách hàng vay tại tổ chức tín dụng chỉ là pháp nhân, cá nhân tại Thông tư 39 vừa ban hành để phù hợp với Bộ luật này. Vì vậy, từ ngày 15/3, các đối tượng không phải là pháp nhân (ví dụ như hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân) không đủ tư cách chủ thể vay vốn.

Trước đó, nhiều ngân hàng vẫn giải ngân vốn phục vụ sản xuất kinh doanh cho các hộ gia đình, hộ sản xuất kinh doanh cá thể. Với quy định mới này, nếu hộ gia đình muốn vay, cá nhân là chủ hộ sẽ phải đứng tên và chịu trách nhiệm trả nợ với tư cách cá nhân. Thông thường, lãi suất vay theo diện cá nhân sẽ được tính như vay tiêu dùng và khiến chi phí vốn có thể "đội" lên. Ngoài ra, cũng từ ngày 15/3, theo quy định mới tại Thông tư 43, các cá nhân có thể vay vốn tiêu dùng để tài trợ cho mục đích tiêu dùng của gia đình mình.

Thông tư 39/2017 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/3/2017.

Thu Trang (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục