Kết thúc năm 2019, 'Big4' ngân hàng đang có sự phân hóa rõ rệt

Năm 2019, Vietcombank chiếm khoảng 40% tổng lợi nhuận của 4 ngân hàng vốn nhà nước. Đường đua giữa 4 'ông lớn' đang có sự phân hóa mạnh.

Giai đoạn từ 2016 trở về trước, 4 'ông lớn' Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank luôn dẫn đầu lợi nhuận trong lĩnh vực ngân hàng. Cuộc bám đuổi lợi nhuận của 4 nhà băng này cực kỳ sát sao trong những năm 2014-2016 có năm chỉ hơn nhau vài trăm tỷ đồng.

Ở giai đoạn đó, ngân hàng VietinBank liên tục dẫn đầu, nhưng tới năm 2017 phải nhường lại vị trí quán quân cho Vietcombank và từ đó đến nay nhà băng này vẫn không ngừng củng cố vị trí của mình, ngày càng bỏ xa những ngân hàng còn lại.

'Ông lớn' khác là BIDV trong mấy năm qua vẫn có sự tăng trưởng nhưng không có sự đột phá. Nguyên nhân là bởi 4 năm nay BIDV không được tăng vốn điều lệ và chưa tìm được đối tác chiến lược nước ngoài. Mãi đến năm 2019 nhà băng này mới tìm được đối tác là ngân hàng KEB Hana (Hàn Quốc) và hoàn tất giao dịch bán vốn.

Kết thúc năm 2019, 'Big4' ngân hàng đang có sự phân hóa rõ rệt - Ảnh 1
Ảnh minh họa

Cuộc rượt đuổi 'big 4' ngân hàng nay đã khác

Tuần qua, 4 nhà băng có vốn nhà nước (gồm BIDV, Vietcombank, Agribank, Vietinbank) đồng loạt công bố kết quả kinh doanh 2019.

Theo đó, lợi nhuận của riêng Vietcombank tiếp tục dẫn đầu và gấp đôi so với ba cái tên còn lại.

Năm 2019, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng đạt 23.155 tỷ đồng, chính thức cán mốc 1 tỷ USD sớm hơn 1 năm so với kế hoạch. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng năm 2019 giảm mạnh từ mức 0,97% hồi đầu năm xuống còn 0,77% cuối năm 2019.

Tại Vietinbank, lợi nhuận đã vượt BIDV với lãi riêng lẻ năm 2019 đạt 11.500 tỷ đồng, tăng 83% so với năm 2018 và vượt 26% kế hoạch năm. Tỷ lệ nợ xấu cuối năm chỉ còn mức 1,2%, giảm đáng kể so với cuối năm 2018.

Còn phía Agribank tuy chưa tiết lộ cụ thể con số lợi nhuận, song lãnh đạo Agribank cho biết lợi nhuận năm 2019 vượt kế hoạch đặt ra đầu năm (11.000 tỷ). Trước đó, 11 tháng đầu năm, lợi nhuận của ngân hàng đã đạt gần 11.700 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2019, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của BIDV đạt 10.768 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước. Đây là con số lợi nhuận cao kỷ lục của nhà băng này từ trước tới nay. Tuy nhiên, so với lợi nhuận của VCB thì còn kém xa. Và thấp hơn hẳn lợi nhuận của Vietinbank và Agribank.

Nhìn lại 4 năm gần đây, BIDV có phần đuối khi lợi nhuận tăng bình quân chỉ khoảng 10% mỗi năm, là mức tăng thấp nhất trong nhóm 'Big 4'.

Ngoài lợi nhuận, chất lượng tín dụng chính là vấn đề lớn tạo sự phân hóa giữa 4 ông lớn ngân hàng vốn nhà nước.

Tại Vietcombank, nhà băng này đã kiểm soát chi phí dự phòng rủi ro tín dụng ở mức thấp, giảm dần tỷ lệ nợ xấu nội bảng về mức rất thấp, chỉ 0,77% trong năm 2019. Cuối năm 2016, Vietcombank xoá sạch nợ xấu bán cho VAMC.

Ngoài Vietcombank, Agribank là ngân hàng vừa tất toán nợ xấu cho VAMC trong năm 2019. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng khoảng 1,4%, giảm so với mức 1,6% cuối năm 2018.

Hiện còn BIDV và VietinBank chưa hoàn tất nợ tại VAMC và sẽ phải tiếp tục trích lập số trái phiếu đặc biệt, phần nào ảnh hưởng tới tăng trưởng lợi nhuận.

Điển hình tại BIDV, tuy chưa công bố tỷ lệ nợ xấu năm 2019 nhưng theo BCTC 9 tháng đầu năm 2019, nợ xấu nội bảng của BIDV là 22.436 tỷ đồng, tăng 19,3% so với đầu năm. Trong đó, BIDV là ngân hàng có nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 70% lên 12.194 tỷ đồng, đứng đầu hệ thống. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,90% hồi đầu năm lên 2,09% cuối tháng 9.

Kết thúc năm 2019, 'Big4' ngân hàng đang có sự phân hóa rõ rệt - Ảnh 2
Báo cáo tài chính hợp nhất Quý 3 năm 2019.

Với con số hơn 12.000 tỷ đồng nợ nhóm 5 nằm trên báo cáo tài chính, BIDV phải trích lập dự phòng rủi ro tới 70-80%.. Nợ nhóm 5 càng lớn, trích lập dự phòng rủi ro càng nhiều sẽ ảnh hưởng phần nào tới lợi nhuận của ngân hàng này.

Ngoài ra, năm 2019 BIDV tăng được vốn nhờ phát hành cổ phiếu cho KEB Hana Bank giúp ngân hàng có điều kiện để tăng trưởng tín dụng, tạo cơ hội tăng trưởng lợi nhuận.

Vietcombank thì đáp ứng được tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41 sớm và tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) thấp (mức quy định là 85%) nên nhà băng này được NHNN phê duyệt mức tăng trưởng tín dụng gần 16% trong năm 2019, cao nhất trong nhóm 'Big 4' và cao hơn mức trung bình ngành.

Trong khi đó, 2 nhà băng còn lại bị hạn chế tăng trưởng tín dụng vì không tăng được vốn.

Mục tiêu lợi nhuận 2020 cũng bị chênh lệch quá lớn

Kết thúc năm 2019, 'Big4' ngân hàng đang có sự phân hóa rõ rệt - Ảnh 3
Ảnh minh họa

Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2020 tăng 15% tương đương khoảng 26.565 tỷ đồng và đến 2025 sẽ đạt 2 tỷ USD, trong đó riêng bán lẻ đóng góp vào tổng lợi nhuận dự kiến 1 tỷ USD. Tổng tài sản và huy động vốn tăng 12%, tín dụng tăng 14%, nợ xấu dưới 0,8%.

'Ông lớn' BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 12.600 tỷ đồng (đây cũng là con số mục tiêu lợi nhuận ít nhất phải đạt được của Vietinbank). Tín dụng tăng trưởng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, khoảng 13%, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát thấp hơn 1,6%...

Nhận thấy, mục tiêu lợi nhuận năm 2020 của Vietcombank rất cách biệt, nếu cộng mục tiêu lợi nhuận của cả VietinBank và BIDV cũng chưa bằng.

Hà Phương

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục