Luật Đầu tư: Suốt 10 năm kiến nghị bỏ hẳn, Bộ vẫn cố sửa đi sửa lại

Trong khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn giữ quan điểm sửa đổi, bổ sung để Luật Đầu tư phù hợp hơn với thực tiễn thì nhiều ý kiến đề nghị bỏ hẳn Luật này vì nó đang làm cho môi trường kinh doanh yếu kém đi.

Tại hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, một lần nữa kiến nghị bỏ Luật Đầu tư lại được đưa ra.

Phía cơ quan soạn thảo là Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn giữ quan điểm sửa đổi, bổ sung, để Luật Đầu tư phù hợp với thực tiễn hơn. Theo đó, Dự thảo Luật đề nghị sửa đổi các quy định về thủ tục đầu tư, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, địa vị pháp lý của nhà đầu tư nước ngoài, bãi bỏ thêm 22 ngành nghề kinh doanh có điều kiện,...

Tuy nhiên, trong phát biểu đóng góp ý kiến, Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật Basico đã kiến nghị nên bỏ Luật Đầu tư. Cốt lõi của luật này là danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh gắn với kinh doanh. Trong khi đó, ngành nghề kinh doanh vốn được quy định trong Luật Doanh nghiệp trước đây. Từ phân tích này, Luật sư Đức kiến nghị bỏ Luật Đầu tư, đồng thời chuyển mục ngành, nghề cấm và đầu tư kinh doanh có điều kiện quay lại Luật Doanh nghiệp.

Luật Đầu tư: Suốt 10 năm kiến nghị bỏ hẳn, Bộ vẫn cố sửa đi sửa lại - Ảnh 1
Nhiều chuyên gia kiến nghị nên bỏ Luật Đầu tư

Đương nhiên, theo Luật sư Trương Thanh Đức, mọi hoạt động đầu tư, đều phải thực hiện theo các luật liên quan như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy chữa cháy... Đầu tư của tư nhân là quyền tự chủ của các tổ chức và cá nhân, còn đầu tư của Nhà nước thì phải theo Luật Đầu tư công. Do vậy, những nội dung cần thiết về đầu tư nên chuyển sang Luật Doanh nghiệp, có thể thêm một chương về đầu tư, trong đó có đầu tư nước ngoài, ông Đức nói.

Cũng không phải cho đến nay, kiến nghị bỏ Luật Đầu tư mới được đưa ra. Từ hơn 10 năm trước đã xuất hiện những ý kiến như vậy.

Ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư Nước ngoài, cho hay lịch sử của Luật Đầu tư bắt nguồn từ Luật Đầu tư nước ngoài, được Quốc hội thông qua năm 1987. Đây thực chất là Luật Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, mà đầu tư chỉ là một mục trong đó. Năm 1999, chúng ta có Luật Doanh nghiệp, khi đó đã có đề nghị Chính phủ gộp 2 luật này thành luật chung. Tuy nhiên, đề nghị này không thành và đến năm 2005 Luật Đầu tư ra đời.

Tiếp theo đó, ngày càng có thêm nhiều ý kiến từ giới luật sư đề xuất bỏ Luật Đầu tư bởi nhiều lý do. Nếu như trước năm 1999, người dân còn chưa được kinh doanh, thì tới năm 2000 mọi chuyện đã khác, người dân đã có quyền kinh doanh; trong khi Luật Đầu tư năm 2005 ban hành, có rất nhiều chồng chéo, phức tạp, lẫn lộn và không minh bạch.

Chẳng hạn như quy định về hưởng ưu đãi khi đầu tư. Ưu đãi về thuê đất đã có quy định trong Luật đất đai, ưu đãi về thuế đã có quy định trong Luật Thuế... Luật Đầu tư cũng đưa những ưu đãi này vào, như vậy chẳng qua là chép lại từ các luật khác và tạo ra sự chồng chéo.

Những ý kiến theo quan điểm này cho rằng, nên bỏ Luật Đầu tư là tốt nhất và cũng không cần ban hành bất cứ luật nào thay thế, vì tất cả những phạm vi mà Luật Đầu tư điều chỉnh, đều thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật khác cả rồi. Luật Đầu tư làm cho môi trường kinh doanh của Việt Nam trở nên yếu kém đi. Vậy nhưng đề nghị này cũng không thành và đến năm 2014, Luật Đầu tư sửa đổi, bổ sung mới tiếp tục được thông qua.


Luật Đầu tư: Suốt 10 năm kiến nghị bỏ hẳn, Bộ vẫn cố sửa đi sửa lại - Ảnh 2
Luật Đầu tư bị cho là gây ra những phức tạp và tạo xung đột với nhiều quy định pháp luật khác

Cuối năm 2016, tại Hội thảo về đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật đầu tư, kinh doanh do Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, VCCI và tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) phối hợp tổ chức, có nhiều ý kiến cho rằng: Luật Đầu tư 2014 có nhiều nội dung trùng lắp với các đạo luật khác như: Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Thương mại, Luật Sở hữu trí tuệ,... Một số thủ tục của Luật Đầu tư không chỉ gây ra sự chồng chéo với hệ thống luật về môi trường kinh doanh, đầu tư mà còn tạo rào cản cho nhà đầu tư và không đảm bảo được mục tiêu quản lý Nhà nước.

“Luật Đầu tư đang khiến hệ thống pháp luật về kinh doanh tại Việt Nam trở nên phức tạp hơn nhiều”, Luật sư Ngô Việt Hòa, Công ty General Motors Việt Nam, khi đó nhận xét. Luật sư Hòa chỉ rõ rằng, Luật Đầu tư lẽ ra chỉ nên quy định về hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài nhưng lại điều chỉnh cả hoạt động của doanh nghiệp trong nước.

Nội dung về ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và kinh doanh có điều kiện lẽ ra phải đưa vào Luật Doanh nghiệp. Việc Luật Đầu tư quy định ưu đãi cho nhà đầu tư cũng không đúng bởi trên thực tế không có ưu đãi cho nhà đầu tư, chỉ ưu đãi doanh nghiệp do nhà đầu tư thành lập. Vấn đề quan trọng nhất là Luật Đầu tư đã tạo ra một hệ thống chồng lấn trong cấp phép, như giấy đăng ký doanh nghiệp và giấy chứng nhận đầu tư, trong khi về mặt kỹ thuật hoàn toàn có thể gộp làm một.

Trên thực tế, nội dung quan trọng nhất, mang tính đột phá cải cách của Luật Đầu tư là quy định về các ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, từng được đặt tại dự thảo Luật Doanh nghiệp, nhưng sau đã được chuyển sang Luật Đầu tư.

Từ đó, Luật sư Hòa đã đề nghị bỏ hẳn Luật Đầu tư và nhận được không ít ý kiến ủng hộ tại hội thảo. Một đạo luật khi bị phát hiện có quá nhiều điểm trùng lặp, thừa và bất cập thì cần phải xem xét về sự cần thiết hay không của luật đó. Khi đó, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phát biểu ghi nhận ý kiến, nghiên cứu và tham mưu cho các cấp có thẩm quyền.

Vậy nhưng đến nay, Luật Đầu tư sửa đổi, bổ sung vẫn tiếp tục được dự thảo, trình Quốc hội thông qua trong năm 2019 để phù hợp với thực tế hơn. Như vậy, có thể nói, số phận của Luật Đầu tư đến nay vẫn chưa được bàn tới.

Luật sư Đức cho rằng "dù có sửa thế nào thì Luật Đầu tư vẫn gây ra những phức tạp và tạo xung đột với nhiều quy định pháp luật khác. Vì vậy, tôi đề nghị bỏ Luật Đầu tư và viết lại Luật Doanh nghiệp, chuyển những nội dung cần thiết của Luật Đầu tư sang Luật Doanh nghiệp".

Tuy nhiên, kiến nghị có lẽ vẫn chỉ là kiến nghị bởi bao lâu nay, nhiều kiến nghị được đưa ra nhưng vẫn không chưa có gì thay đổi. Nếu cứ tiếp tục như vậy thì Luật Đầu tư sẽ thường xuyên phải sửa đổi.

Trần Thủy/Vietnamnet

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục