Mỗi tháng, ngành thuế phải thu đạt 105.000 tỷ đồng tiền thuế

Để hoàn thành nhiệm vụ cả năm thì trong 6 tháng cuối năm 2019, mỗi tháng ngành thuế phải thu bình quân mỗi tháng là 105.000 tỷ đồng. So với 6 tháng đầu năm thì đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề khi dự báo tình hình kinh tế, chính trị trong và ngoài nước khó lường.

Ngày 15/7 tại Hà Nội, Tổng cục thuế vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thuế 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Mỗi tháng, ngành thuế phải thu đạt 105.000 tỷ đồng tiền thuế - Ảnh 1

 

Cụ thể, báo cáo tại hội nghị cho biết, kết quả thu 6 tháng đầu năm 2019 do Tổng cục Thuế quản lý ước đạt 597.786 tỷ đồng, bằng 51,2% so với dự toán pháp lệnh, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước và là năm có số thu cao nhất trong một số năm gần đây.

Đến hết tháng 6/2019, tổng thu NSNN đạt 745,4 nghìn tỷ đồng, bằng 52,8% dự toán, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, thu nội địa đạt 51,1% dự toán (cùng kỳ năm 2018 đạt 47,6%), tăng 13,6 so với cùng kỳ. Đây là kết quả khá ấn tượng, bởi những năm gần đây, bình quân đều chỉ đạt dưới 50% tổng dự toán.

Để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ cả năm, toàn hệ thống phải thu 630.000 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng là 105.000 tỷ đồng. So với 6 tháng đầu năm thì đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề khi dự báo tình hình kinh tế, chính trị trong và ngoài nước khó lường.

Đáng chú ý, thu từ dầu thô ước đạt 30.350 tỷ đồng, bằng 68% dự toán, bằng 100,7% so với cùng kỳ; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 59,8% dự toán, tăng 13,7% so cùng kỳ năm 2018.

Theo Thứ trưởng Bộ tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, cả thu ngân sách trung ương (NSTW) và ngân sách địa phương (NSĐP) đều đạt khá. Trong đó, thu NSTW đạt 51,5% dự toán (cùng kỳ năm 2018 đạt 46,7%), mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây; thu NSĐP đạt 54,3% dự toán (cùng kỳ năm 2018 đạt 54%), có 50/63 địa phương thu đạt trên 50% dự toán, trong đó có 44/63 địa phương đạt khá (trên 52%).

Về chi NSNN, 6 tháng đầu năm 2019 đạt 666,1 nghìn tỷ đồng, bằng 40,8% dự toán, tăng 2,6% so cùng kỳ năm 2018.

Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thuế, đến thời điểm ngày 30/6/2019, toàn quốc 729.466 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng 31.871 doanh nghiệp (4,57%) so với thời điểm ngày 31/12/2018.

Về công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách nhà nước, theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm, cơ quan thuế các cấp đã thanh tra, kiểm tra được 35.344 doanh nghiệp, đạt 40,5% kế hoạch năm; tổng số kiến nghị xử lý qua thanh tra kiểm tra đạt 20.546 tỷ đồng, bằng 118% so với cùng kỳ 2018.

Trong đó, điều chỉnh tăng thu là 5.691,9 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 929,8 tỷ đồng; giảm lỗ là 13.924 tỷ đồng.

Cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra 150 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; truy thu, truy hoàn và phạt 693,4 tỷ đồng; giảm lỗ 2.488,5 tỷ đồng; giảm khấu trừ 9,04 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 2.661,6 tỷ đồng.

Đối với chủ trương sắp xếp lại bộ máy trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã cắt giảm 63 phòng thuộc các cục thuế và 84 chi cục thuế, 436 đội thuộc các chi cục thuế. Đồng thời, bãi bỏ 22 thủ tục hành chính, sửa đổi, bổ sung 15 thủ tục, ban hành mới 15 thủ tục trong các lĩnh vực thuế, hải quan, chứng khoán, công sản, ngân hàng, bảo hiểm; thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 117/190 điều kiện kinh doanh và dự kiến sẽ cắt giảm, đơn giản hóa thêm 24 điều kiện.

Đối với công tác quản lý nợ thuế, cơ quan thuế đã đôn đốc, thu hồi được 16.381 tỷ đồng tiền thuế nợ, bằng 42,3% nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày tại thời điểm 31/12/2018. Tổng số nợ thuế của toàn ngành ước tính đến thời điểm 30/6/2019 là 83.389 tỷ đồng, trong đó, nợ có khả năng thu là 44.481, bằng 3,8% so với tổng dự toán thu ngân sách nhà nước ngành thuế được giao. Đáng chú ý, nợ có khả năng khó thu lên tới 38.908 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tình trạng trốn thuế, né thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận vẫn diễn biến phức tạp. Tình trạng nợ đọng về thuế đã được quan tâm xử lý nhưng tổng số nợ thuế vẫn có chiều hướng gia tăng, nhất là nợ không có khả năng thu hồi. Những yếu tố này sẽ tác động không nhỏ đến việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách.

Về công tác quản lý nợ, Tổng cục Thuế yêu cầu các đơn vị rà soát, phân loại các khoản nợ, đảm bảo chính xác số liệu nợ của địa phương, đồng thời tích cực vận động các DN chấp hành tốt pháp luật thuế. Đối với với các DN cố tình trây ỳ sẽ thực hiện nghiêm các biện pháp cưỡng chế, qua đó góp phần đảm bảo nguồn thu cho ngân sách.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế sẽ đẩy nhanh tiến độ ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Quản lý thuế. Bổ sung các quy định để quản chặt chẽ hơn các giao dịch liên kết, đồng thời đẩy mạnh quan hệ với các nước để trao đổi học tập kinh nghiệm, tranh thủ nguồn lực và sự ủng hộ của các tổ chức.

 Hà Phương

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục