Sau hàng loạt bê bối về chất lượng xe, Audi Việt Nam lại tiếp tục triệu hồi xe Audi Q3

Năm 2019, hãng xe sang Audi Việt Nam liên tục dính vào các bê bối lớn liên quan tới chất lượng sản phẩm phải thông báo triệu hồi hàng trăm xe. Điều này có lẽ khiến nhiều khách hàng ngao ngán.

Vẻ đẹp sang trọng của những chiếc xe Audi thu hút nhiều khách hàng tìm đến. Tuy nhiên, hiện nay hãng xe này đang khiến người tiêu dùng hoang mang sau hàng loạt bê bối thu hồi xe.

Chỉ tính riêng năm 2019, tại nước ta hãng xe này từng 4 lần công bố triệu hồi xe do nhiều lỗi khác nhau. Điều đáng nói, cùng một mẫu xe nhưng triệu hồi tận 2 lần với lỗi khác nhau.

Phía đại diện Audi Việt Nam cũng chưa hề có phản hồi gì ghi nhận bất kỳ vụ thương vong hoặc tai nạn nào liên quan tới việc triệu hồi xe.

Mới đây nhất, ngày 12/12 hãng xe hạng sang Audi vừa đưa ra quyết định triệu hồi xe Q3 tại Việt Nam để cập nhật phần mềm bộ điều khiển nguồn trên bo mạch. Những xe trong diện ảnh hưởng được sản xuất trong khoảng thời gian từ 9/6/2017 đến 21/7/2017.

Sau hàng loạt bê bối về chất lượng xe, Audi Việt Nam lại tiếp tục triệu hồi xe Audi Q3 - Ảnh 1
Chiếc xe Audi Q3.

Theo Cục đăng kiểm, trên những chiếc xe này, lỗi đèn xi nhan phía trước có thể không được cảnh báo do bộ phận giám sát chức năng không đủ độ nhạy để phát hiện một cách chắc chắn trong một số trường hợp cụ thể. Người lái xe không nhận được các cảnh báo tương ứng (hình ảnh/âm thanh) nên có thể gây ra các rủi ro tai nạn trong quá trình vận hành xe.

Nguyên nhân được xác định là do chức năng tự chẩn đoán lỗi của xe đối với bộ phận giám sát chức năng đèn xi nhan phía trước không đủ nhạy để hiển thị một cách chắc chắn lỗi trong các trường hợp đèn xi nhan phía trước bị lỗi ngay lúc bộ phận giám sát không bắt được tín hiệu tốt để hiện thị báo người lái xe biết.

Chương trình triệu hồi diễn ra từ ngày 16/12/2019 tới ngày 16/12/2020, thời gian kiểm tra và cập nhật phần mềm 30 phút cho mỗi xe.

Hiện tại Công ty Cổ phần Liên Á Quốc Tế - nhà phân phối chính thức tại Việt Nam hiện đang liên lạc trực tiếp tới từng chủ xe Audi Q3 trong diện ảnh hưởng.

Đối với các xe không được phân phối chính hãng thuộc diện triệu hồi theo công bố của AUDI AG, trách nhiệm triệu hồi về cơ bản thuộc về các cơ sở nhập khẩu. Với dòng xe diện nhập khẩu tư nhân, trách nhiệm thuộc về các cơ sở nhập khẩu. Phía Audi Việt Nam sẽ hỗ trợ khách hàng liên hệ với trụ sở Audi AG, chỉ kiểm tra và thay thế khi được phía Audi AG chấp thuận.

Được biết, tháng 8/2017 Audi Việt Nam cũng từng thông báo triệu hồi 33 chiếc Audi Q3 trang bị động cơ TFSI 2.0, được sản xuất từ tháng 6/2014 tới tháng 11/2016. Nguyên nhân liên quan tới lỗi hệ thống đèn phanh sau, có thể không được kích hoạt trong một số trường hợp sử dụng phương thức phanh khẩn cấp thông qua nút bấm cơ điện.

Sau hàng loạt bê bối về chất lượng xe, Audi Việt Nam lại tiếp tục triệu hồi xe Audi Q3 - Ảnh 2
Mẫu xe Audi Q3 nằm trong diện triệu hồi đợt tháng 8/2017.

Trước đó, vào tháng 4/2019, Audi Việt Nam thông báo triệu hồi các xe Audi A7, A8, Q7 sản xuất từ năm 2013 – 2018. Cụ thể, có 182 xe Audi tại Việt Nam bị triệu hồi, do có nguy cơ lọt mùi xăng vào khoang lái. Trong đó, gồm 37 chiếc A7 Sportback Quattro, 78 chiếc A8L Quattro và 67 xe Q7 Quattro.

Đến tháng 6/2019, Audi Việt Nam lại tiếp tục triệu hồi 21 xe Q5 do dính lỗi xi lanh phanh chính được sản xuất từ tháng 7/2018 đến tháng 3/2019.

Vào tháng 10/2019 Audi Việt Nam cũng quyết định triệu hồi 566 xe Q5 do lỗi thiết kế của điểm kết nối tại vị trí ốp chắn bùn. Kết quả là ốp chắn bùn của trên các xe bị ảnh hưởng có thể đã không được gắn chặt và dễ bị rơi ra khỏi xe trong quá trình vận hành.

Triệu hồi xe bán tải Toyota Hilux do lỗi rò rỉ dầu

Cũng trong ngày 12/12, Cục đăng kiểm Việt Nam thông báo triệu hồi để thay thế kẹp và ống nhiên liệu trên xe Hilux do công ty ô tô Toyota Việt Nam nhập khẩu và phân phối.

Theo đó, các mẫu xe Toyota Hilux nằm trong đợt triệu hồi có thời gian sản xuất từ ngày 10/4/2019 đến ngày 3/5/2019. Số lượng xe bị ảnh hưởng là 32 chiếc. Chương trình triệu hồi để khắc phục sẽ bắt đầu từ ngày 16/12/2019 và dự kiến kết thúc vào ngày 16/12/2022. Thời gian kiểm tra, sửa chữa dự kiến 3,7 giờ/xe.

Theo Toyota Việt Nam, trên các xe Toyota Hilux bị ảnh hưởng, trong trường hợp các mối nối bơm nhiên liệu với ống phân phối nhiên liệu của động cơ diesel bị lỏng, nhiên liệu có thể bị rò rỉ tại vị trí các mối nối này, khiến động cơ có thể bị chết máy.

Nguyên nhân được xác định là do trong quá trình lắp ráp, tài liệu hướng dẫn lực siết ống nhiên liệu - đoạn mối nối nối bơm nhiên liệu với ống phân phối trong hệ thống phun nhiên liệu của động cơ diesel không chính xác, dẫn đến khả năng tại một số mối nối của đoạn ống này có thể bị lỏng dần theo thời gian do rung động của động cơ.

 








Hà Phương

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục