Thêm nhiều sai phạm tại KĐT Gamuda Garderns

Bên cạnh lùm xùm tự ý thêm 130 căn nhà, mới đây, KĐT Gamuda Garderns (Hoàng Mai, Hà Nội) lại lộ thêm nhiều vấn đề khác mà nặng nhất là vấn đề của nhà máy xử lý nước thải Yên Sở.

Khu đô thị Gamuda Gardens rộng 73 ha, thuộc tổ hợp Gamuda City - là một trong những dự án nhà ở lớn nhất Hà Nội với diện tích hơn 500 ha. Tổ hợp này do Tập đoàn Gamuda Berhad (Malaysia) rót vốn đầu tư với hình thức đổi đất lấy hạ tầng (BT), trong đó dự án đối ứng là công viên Yên Sở và Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở. Tổng vốn đầu tư của dự án này lên tới 5 tỷ USD, với thời gian dự kiến hoàn thành tổng thể 2 giai đoạn vào năm 2019.

Việc chủ đầu tư khu đô thị Gamuda Gardens tự ý lên phương án thay đổi quy hoạch khu nhà liền kề tại khu ST5 từ 232 căn theo quy hoạch lên 362 căn (tức tăng thêm 130 căn) vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cư dân chưa được lắng xuống thì mới đây, cư dân KĐT Gamuda Garderns (Hoàng Mai, HN) lại đang tiếp tục phản đối mạnh mẽ việc CĐT Gamuda Land Việt Nam xin điều chỉnh quy hoạch.

Thêm nhiều sai phạm tại KĐT Gamuda Garderns - Ảnh 1
Khu đô thị Gamuda Gardens.

Theo đó, việc xin điều chỉnh quy hoạch khu độ thị mới C2 (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội), với mục đích chia nhỏ khu ST5 tăng thêm số căn hộ, cũng như tăng thêm mật độ dân số của khu đô thị. Hiện tại, việc này đang trong quá trình xin ý kiến điều chỉnh, tuy nhiên đang vấp phải một làn sóng phản đối vô cùng mạnh mẽ của cư dân khu đô thị và dư luận.

Cũng từ đó, lộ thêm nhiều vấn đề của nhà máy xử lý nước thải Yên Sở. Theo tìm hiểu được biết dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở trước đây là một hạng mục của Công viên Yên Sở, được đầu tư bằng 100% vốn nước ngoài của Tập đoàn Gamuda Berhad.

Thêm nhiều sai phạm tại KĐT Gamuda Garderns - Ảnh 2
Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở.

Sau đó, dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở được tách ra thành dự án riêng, được đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) tại Biên bản thỏa thuận ngày 14/8/2007 giữa UBND TP Hà Nội và Tập đoàn Gamuda Berhad.

Quy mô đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải theo công nghệ xử lý sinh học theo mẻ với công suất 200.000m3/ngày đêm. Tổng mức đầu tư của Dự án là 319.205.770 USD.

Theo quy định của hợp đồng BT được các bên ký kết, thời gian hoàn thành Dự án là ngày 15/3/2012. Nhưng trên thực tế, việc hoàn thành và bàn giao cho UBND TP Hà Nội bị chậm so với thời gian đã ký kết 17,5 tháng (thời gian bàn giao chính thức ngày 30/8/2013).

Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước và con số tổng giá trị quyết toán của dự án do nhà đầu tư đưa ra chênh lệch lên tới cả nghìn tỷ đồng.

Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ thì dự án thực hiện trong khi chưa có kết quả thẩm tra thiết kế cơ sở của Bộ Xây dựng và thẩm tra phê duyệt công nghệ của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, chưa có quyết định phê duyệt dự án đầu tư tại thời điểm kí hợp đồng BT, toàn bộ quá trình thi công, thực hiện dự án trước khi kí hợp đồng BT không có sự giám sát, thẩm định, kiểm tra của các cơ quan quản lí nhà nước, của sở, ban, ngành thuộc UBND TP Hà Nội.

Thêm nhiều sai phạm tại KĐT Gamuda Garderns - Ảnh 3
Thông báo của Thanh Tra chính phủ về việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc thực hiện một số dự án theo hình thức BT, BOT trong lĩnh vực giao thông, môi trường thuộc địa bàn TP Hà Nội.

Chưa có đầy đủ cơ sở về hồ sơ, tài liệu theo quyết định để xem xét quyết toán đối với nội dung hạng mục chi phí (chi phí lãi vay, chi phí luật, chi phí luật chung,....) theo đề nghị của Nhà đầu tư;

Việc phải kéo dài hoàn thành dự án 18 tháng, nguyên nhân chính là do việc thực hiện công tác xây dựng đối với một số nội dung, hạng mục bị điều chỉnh thiết kế; chất lượng nước thải đầu ra chưa được làm rõ và xử lý triệt để các thông số Ni tơ, Phốt pho; việc chậm trễ trong thành lập nghiệm thu, bàn giao, vận hành nhà máy.

Cũng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ về chất lượng của Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở: Trong điều kiện bình thường, chất lượng nước thải sau khi xử lý không đạt theo yêu cầu của hợp đồng BT (Cột A quy chuẩn QCVN 24; 2009/BTNMT), thậm chí, tại một số chỉ tiêu cụ thể, trường hợp có bổ sung định lựng carbon cũng không đạt tiêu chuẩn theo yêu càu của hợp đồng BT.

Việc Sở Tài nguyên và Môi trường cùng liên ngành có văn bản số 2109/STNMT – BDA ngày 08/5/2013 gửi Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đề nghị áp dụng giá trị cột B quy chuẩn QCVN 40:2011/ BTNMT là chưa phù hợp với quy định của hợp đồng BT.

Đến thời điểm hiện tại, việc xin điều chỉnh quy hoạch khu đô thị mới C2, chia nhỏ khu ST5, tăng thêm số dân và số căn hộ, đang vấp phải sự phản đối kịch kiệt và mạnh mẽ có cơ sở của dân cư khu đô thị. Giờ đây lại thêm nhiều sai phạm xảy ra xung quanh dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Sở lại tăng thêm nhiều sự nghi ngờ về việc CĐT làm như vậy là có mục đích gì, có điều gì ẩn chứa đằng sau những việc này?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

An Bình/GDPL


KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục