Thực phẩm chức năng “Dạ dày Nguyễn Khoa” mập mờ quảng cáo là “thuốc”

Hiện nay, tình trạng Thực phẩm chức năng (TPCN) được rao bán tràn lan, công khai trên mạng. Vì sức mạnh của “đồng tiền” nên rất nhiều cơ sở “bất chấp” để quảng cáo, tung hô tác dụng của sản phẩm, tác dụng như thuốc chữa bệnh. Đây là một trong những hành vi vi phạm pháp luật, lừa dối người tiêu dùng.

“Dạ dày Nguyễn Khoa” là thực phẩm chức năng hay thuốc?

Tìm kiếm trên mạng internet với từ khóa “Dạ dày Nguyễn Khoa”, sau 1 giây google lập tức cho ra 1.524.218 kết quả. Từ những kết quả tìm kiếm này có thể thấy, các thông tin trên mạng đều đang rao bán và quảng cáo “Dạ dày Nguyễn Khoa” là thuốc chữa bệnh. Với những lời quảng cáo “có cánh” như “bài thuốc gia truyền; điều trị; đặc trị; dứt điểm hoàn toàn, không tái phát…” Đã làm cho nhiều người bệnh lầm tưởng sản phẩm là “thuốc” và lại một lần nữa đặt niềm tin vào “bài thuốc” này.Phóng viên (PV) truy cập vào website: phongkhamnguyenkhoa.com, để lại số điện thoại cần tư vấn, hỗ trợ mua “thuốc” thì lập tức một lúc sau có điện thoại đến xưng là “Nhà thuốc gia truyền Nguyễn Khoa”. Cuộc điện thoại này, phía “Nhà thuốc gia truyền Nguyễn Khoa” liên tục khẳng định sản phẩm này là “thuốc”.

Thực phẩm chức năng “Dạ dày Nguyễn Khoa” mập mờ quảng cáo là “thuốc” - Ảnh 1
TPCN “dạ dày Nguyễn Khoa” rao bán, tràn lan trên các trang mạng dưới vỏ bọc là “thuốc”

Với những lời tư vấn khẳng định chắc chắn như “đinh đóng cột” rằng “Dạ dày Nguyễn Khoa” là thuốc và có công dụng như “tiên dược” vị “bác sỹ” tư vấn này lập tức kê đơn khuyên mua thuốc ngay trên điện thoại mà không cần yêu cầu người bệnh đến để được thăm khám.

Theo đó, một liệu trình bao gồm 2 hộp có giá 980.000 VNĐ (chín trăm tám mươi nghìn đồng), dựa vào sự kể của bệnh nhân về tình hình bệnh, người tư vấn sẽ đánh vào tâm lý rồi ép khách hàng mua từ 2 – 3 liệu trình (tương đương khoảng 3 triệu đồng trở lên).

Thực phẩm chức năng “Dạ dày Nguyễn Khoa” mập mờ quảng cáo là “thuốc” - Ảnh 2
Trên website của mình, “Dạ dày Nguyễn Khoa” đều được quảng cáo là “Bài thuốc đặc trị” phóng đại công dụng chữa khỏi hoàn toàn, không gặp tái phát trở lại….

Để làm sáng tỏ những dấu hiệu sai phạm này, phóng viên Doanh nghiệp & Đầu tư đã tìm về cơ sở “Phòng Chẩn trị Y học Cổ truyền Nguyễn Khoa” có địa chỉ số 129 Lê Lợi, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh – địa chỉ được giới thiệu là nơi cung cấp “thuốc dạ dày Nguyễn Khoa”.

Trái ngược với những gì quảng cáo trên mạng rằng khách hàng “nườm nượp vào ra” thì trong suốt buổi chiều khi phóng viên có mặt tìm hiểu, không hề thấy có bệnh nhân nào đến khám chữa bệnh, mua thuốc.

Thực phẩm chức năng “Dạ dày Nguyễn Khoa” mập mờ quảng cáo là “thuốc” - Ảnh 3
Phòng Chẩn trị y học Cổ truyền Nguyễn Khoa vắng khách, trái ngược hoàn toàn so với quảng cáo

Trả lời câu hỏi của phóng viên “sản phẩm dạ dày Nguyễn Khoa” là “thuốc” hay “Thực phẩm chức năng”, ông Nguyễn Văn Khoa – chủ của cơ sở này cho biết sản phẩm trên chỉ là” Thực phẩm chức năng” hay còn gọi là “ Thực phẩm bảo vệ sức khỏe” chứ không phải là thuốc. Tuy nhiên, với câu hỏi “tại sao lại quảng cáo như thuốc” trên mạng Internet thì ông Khoa không trả lời được.

Ông Khoa cũng xác nhận những người tư vấn, thăm khám cho bệnh nhân qua “điện thoại” của mình không phải y, bác sỹ có trình độ nghiệp vụ, chuyên môn mà chỉ là nhân viên bán hàng đơn thuần.

Khi phóng viên đề nghị cho xem những văn bản về việc công nhận “Dạ dày Nguyễn Khoa“ là thực phẩm chứng năng, ông Khoa cho rằng tất cả giấy tờ đều công khai trên mạng và Cục An toàn thực phẩm chỉ cấp cho bản mềm, không có bản cứng” (?)

Thực phẩm chức năng “Dạ dày Nguyễn Khoa” mập mờ quảng cáo là “thuốc” - Ảnh 4
Ông Nguyễn Đức Khoa – Người đại diện thương nhân sản phẩm “dạ dày Nguyễn Khoa”

Qua tìm hiểu được biết, nhãn mác và đóng gói sản phẩm “Dạ dày Nguyễn Khoa” thời điểm trước kia là một hộp nhựa bao bì bên ngoài màu đỏ, vàng; phần chính giữa ghi dòng chữ “Đặc trị bệnh”. Trong khi đó trên Fanpage chính thức của Nhà thuốc Đông Y Nguyễn Khoa chỉ đăng tải “ Giấy phép hành nghề Lương y” số 000079/SYT-GCN do Sở Y tế Quảng Ninh cấp ngày 03/11/2017; Giấy phép khám bệnh, chữa bệnh. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hộ kinh doanh. Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề YHCT tư nhân và Giấy khen Hội đồng Y tỉnh Quảng Ninh cấp. Ngoài ra không có bất kỳ giấy tờ nào liên quan đến viên uống “Đặc trị bệnh”.

Thực phẩm chức năng “Dạ dày Nguyễn Khoa” mập mờ quảng cáo là “thuốc” - Ảnh 5

Hình ảnh sản phẩm “dạ dày Nguyễn Khoa”  năm 2017

Còn tại thời điểm hiện tại sản phẩm “dạ dày Nguyễn Khoa” đã được thay đổi lại mẫu mã, hình thức, dường như đã sửa được những vi phạm cụ thể trong quảng cáo trên bao bì của sản phẩm. Tuy nhiên, hoạt động quảng cáo và qua những tư vấn bán hàng thì Dạ dày Nguyễn Khoa đang vẫn cố tình lập lờ giữa TPCN và thuốc cho sản phẩm này.Cơ sở Đông Y Nguyễn Khoa “có hay không” qua mặt các cơ quan chức năng khi “treo đầu dê, bán thịt chó”

Sự việc không dừng lại ở đó, trên website của sản phẩm này tại địa chỉ: https://www.phongkhamnguyenkhoa.com/ có ghi Chịu trách nhiệm sản xuất là Công ty TNHH Thương mại Y dược Quang Vinh Quảng Ninh, có địa chỉ tại số 07 Quang Trung, phường Quảng Yên, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh do chính ông Nguyễn Đức Khoa là người đại diện pháp luật. Được biết, doanh nghiệp này đăng ký hoạt động từ ngày 16/11/2018 đăng ký 36 ngành nghề kinh doanh khác nhau, trong đó Ngành nghề chính: Bán lẻ thuốc, dụng cụ y tế, mỹ phẩm và vật phẩm vệ sinh trong các cửa hàng chuyên doanh.

Thực phẩm chức năng “Dạ dày Nguyễn Khoa” mập mờ quảng cáo là “thuốc” - Ảnh 6
Địa chỉ đăng ký kinh doanh của Công ty TNHH Thương mại Y dược Quang Vinh Quảng Ninh thực tế chỉ là một tiệm làm tóc, hoàn toàn không có trụ sở công ty.

Tuy nhiên tại địa chỉ số 07 đường Quang Trung, phường Quảng Yên, thị xã Quảng Yên chỉ là một cơ sở làm tóc chứ không phải là Công ty TNHH Thương mại Y dược Quang Vinh QN như đăng ký kinh doanh trên. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là có hay không việc ông Nguyễn Đức Khoa qua mặt các cơ quan, chức năng đăng ký thành lập doanh nghiệp để hợp thức hóa sản phẩm “dạ dày Nguyễn Khoa” đủ điều kiện để bán ra thị trường (?).

Trao đổi với Luật sư Phạm Tuấn ( Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội), ông Tuấn cho biết: “Hành vi vi phạm pháp luật Quảng cáo đối với việc Quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe sẽ bị xử phạt căn cứ vào các quy định dưới đây:

+ Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính Phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Văn hóa, Thể thao, du lịch và Quảng cáo.

+ Nghị định số 28/2017/NĐ-CP ngày 20/03/2017 của Chính Phủ Sửa đổi một số điều của Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính Phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Văn hóa, Thể thao, du lịch và Quảng cáo.

+ Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/09/2019 của Chính Phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về An toàn thực phẩm.

Theo các văn bản trên, mức xử phạt vi phạm hành chính bằng Tiền đối với Cá nhân vi phạm tối đa là 100 triệu đồng một hành vi vi phạm, mức phạt đối với Tổ chức tối đa là 200 triệu đồng một hành vi vi phạm pháp luật quảng cáo.

Đồng thời các biện pháp khắc phục hậu quả đối với Quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm Ngoài việc xử phạt hành chính bằng tiền, Tổ chức cá nhân vi phạm phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả dưới đây:

Buộc thu hồi lại và tiêu hủy các tài liệu, ấn phẩm quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm như tờ rơi, tạp chí chuyên ngành vi phạm;
Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn;

Buộc xin lỗi công khai tổ chức, cá nhân mà người quảng cáo đã vi phạm khi sử dụng hình ảnh không được phép, so sánh trực tiếp..

Buộc tháo dỡ các bảng biển quảng cáo ngoài trời, buộc gỡ hoặc xóa các bài quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên báo chí, trên mạng internet, trên mạng xã hội và các website vi phạm.

Buộc đăng tin cải chính công khai trên báo chí về các công tin không chính xác về sản phẩm”.

Ngoài ra ông Tuấn cho biết thêm: “Về phối hợp xử phạt vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm không tự nguyện thực hiện việc xử phạt, không thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả thì tương ứng với từng hành vi vi phạm cơ quan quản lý nhà nước sẽ đề nghị các cơ quan liên quan phối hợp xử lý vi phạm cụ thể:

– Phối với với UBND và cơ quan Công an nơi cá nhân cư trú hoặc nơi tổ chức có trụ sở chỉnh để tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các khoản phạt bằng tiền.

– Đăng tải công khai trên website của Cục ATTP và trao đổi cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí để kịp thời phản ảnh về Thông tin sản phẩm vi phạm quảng cáo, thông tin về doanh nghiệp, địa chỉ website đang quảng cáo vi phạm.

– Đề nghị Bộ Thông tin truyền thông kiểm tra tên miền có đăng tải bài viết vi phạm pháp luật quảng cáo để gỡ bài hoặc đóng tên miền.

– Thu hồi Giấy xác nhận nội dung quảng cáo đã cấp, thu hồi Bản công bố sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã được Cục ATTP cấp.”

Theo doanhnghiepvadautu.info.vn

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục