Từ G20 đến APEC

Kết thúc chuyến thăm CHLB Đức và tham dự thượng đỉnh G20 tại thành phố Hamburg từ ngày 5 đến 8-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đạt được hai mục tiêu quan trọng.

Đầu tiên là thu hút đầu tư từ quốc gia công nghiệp hàng đầu châu Âu là Đức, hai là quảng bá thành công những ưu tiên nghị sự Năm APEC 2017 mà Việt Nam làm chủ nhà.

Từ G20 đến APEC - Ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự một phiên họp của Hội nghị Thượng đỉnh G20, sáng 8-7 - Ảnh: TTXVN

Về thu hút đầu tư, sự thành công của chuyến thăm được thể hiện qua những kết quả cụ thể như hơn 600 doanh nghiệp hàng đầu của Đức đăng ký dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Đức (con số kỷ lục từ trước đến nay) và 36 thỏa thuận với tổng giá trị 4 tỉ USD được doanh nghiệp hai bên ký kết.

Trong đó có những thỏa thuận đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Việt Nam tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như Đức hỗ trợ đào tạo về nền tảng điện toán đám mây và triển khai ngân hàng số tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, thông điệp “Việt Nam đang cải cách mạnh mẽ và sẽ tạo môi trường thông thoáng và thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Hãy đến Việt Nam đầu tư để cùng thắng” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhận được phản hồi tích cực của hầu hết doanh nghiệp Đức.

Quan trọng hơn, thông qua việc tham dự thượng đỉnh G20, Thủ tướng Việt Nam đã tiếp thị với các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới về những ưu tiên nghị sự của Việt Nam trong Năm APEC 2017, bao gồm: phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu và sử dụng hiệu quả năng lượng, cũng như Việt Nam đang phối hợp với các nước thành viên APEC thúc đẩy trao đổi sâu rộng về phát triển bao trùm cả về kinh tế, xã hội, tài chính.

Một trong những điểm nhấn trong chuyến công du của Thủ tướng chính là ông được nước chủ nhà G20 mời làm diễn giả chính tại phiên thảo luận về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và năng lượng. Theo Thủ tướng, để ứng phó biến đổi khí hậu, các nước cần phải cùng chung tay, trong đó các quốc gia phát triển phải hỗ trợ các quốc gia đang phát triển theo đúng Thỏa thuận Paris.

Những vấn đề quan trọng của kinh tế toàn cầu được thảo luận ở G20 tại Hamburg như tăng trưởng, thương mại, đầu tư, tài chính quốc tế, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, năng lượng, di cư, y tế, việc làm, số hóa và phụ nữ... cũng chính là những chủ đề sẽ được thảo luận ở hội nghị APEC tổ chức tại Việt Nam.

Ngoài ra, 8 nước thành viên của G20 cũng chính là thành viên của APEC, bao gồm: Mỹ, Canada, Mexico, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Úc.

Dự hội nghị G20 là một bước chạy đà tích cực để Việt Nam học hỏi, chia sẻ nhiều kinh nghiệm cho một hội nghị APEC với 21 thành viên sắp diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 11 tới.

Theo Quỳnh Trung/Tuổi trẻ

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục