ACV kêu khó, than khổ để xin tăng phí?

(Kinhdoanhnet) - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa đề xuất tăng giá một loạt dịch vụ liên quan tới vận tải hàng không nội địa. Tuy nhiên, các hãng hàng không nội địa cho rằng mức giá, phí khai thác tại các cảng hàng không Việt Nam hiện đang tăng một cách “vô lý.”

ACV “trần tình”

Văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải mới đây, ACV lý giải chính sách giá dịch vụ hàng không giữa các hãng hàng không quốc nội và nước ngoài đang có sự chênh lênh khá lớn.

Cụ thể, giá phục vụ hành khách quốc nội tại Việt Nam chỉ bằng 12-15% giá phục vụ hành khách quốc tế, trong khi tại các nước trong khu vực, mức giá này chỉ chênh lệch vào khoảng 10% giữa các hãng nội địa và quốc tế. 

Tương tự, giá hạ-cất cánh quốc nội bằng 34% giá hạ cất cánh quốc tế nhưng chi phí đầu tư và khai thác như nhau; giá dịch vụ sân đỗ tàu bay, mức soi chiếu an ninh… cũng có sự chênh lệch đáng kể. 

Chỉ tính riêng năm 2015, sản lượng phục vụ hành khách từ các hãng nội địa của ACV đạt trên 22 triệu hành khách, nhưng chỉ mang lại doanh thu 1.299 tỷ đồng, trong khi với hơn 9,6 triệu khách khai thác qua các hãng quốc tế, ACV thu được 3.914 tỷ đồng, cao hơn 3 lần. 

Tỷ lệ hạ-cất cánh của các hãng hàng không nội địa mặc dù cao gấp gấp 2,2 lần so với các hãng hàng không quốc tế, nhưng ACV cũng chỉ thu được 383 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức doanh thu 940 tỷ đồng từ các hãng hàng không quốc tế. 

“Khoản bù lỗ chi phí cho các hãng hàng không trong nước đã tác động trực tiếp làm giảm doanh thu dịch vụ hàng không của ACV,” Tổng giám đốc ACV Lê Mạnh Hùng nêu rõ, “Phải gánh chịu khoản bù lỗ chi phí đầu vào cho các hãng hàng không trong nước nên ACV không thể có nguồn lợi nhuận ổn định từ dịch vụ hàng không nhằm tích lũy tái đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng các cảng hàng không.”

ACV kêu khó, than khổ để xin tăng phí? - Ảnh 1
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) liên tục xin tăng phí sân bay

Sau khi than khổ, tố các hãng hàng không đua nhau hạ giá làm méo mó thị trường vận tải, gây áp lực lên hạ tầng nhà ga, ACV lại trình đề xuất xin tăng phí sân bay.

Theo ACV, 2 loại giá dịch vụ cất, hạ cánh (CHC) và phục vụ hành khách quốc nội đang quá thấp, thu không đủ bù chi nên TCT này kiến nghị Bộ GTVT điều chỉnh giá dịch vụ CHC quốc nội và giá phục vụ hành khách quốc nội bằng 50% giá áp dụng với quốc tế.

Không chỉ xin tăng phí dịch vụ cất, hạ cánh (CHC) và phục vụ hành khách quốc nội lên mức 50% giá quốc tế, ACV còn đề xuất lộ trình điều chỉnh giá phục vụ hành khách quốc nội 2 năm/lần và thay đổi chính sách giá bằng cách bỏ thuê bao trọn gói sân bay căn cứ (home base).

Cụ thể, ACV đề xuất tăng mức giá này lên 100 nghìn đồng/khách, tăng 30.000 đồng so với mức giá hiện hành. Được biết, năm 2012, mức giá này là 60 nghìn đồng, đến năm 2014 là 70 nghìn đồng.

ACV kiến nghị thay hình thức home base bằng cách áp 75% mức giá thu theo giờ trong khung giá dịch vụ đậu tàu bay theo quy định của Bộ Tài chính.

Không chỉ vậy, ACV còn xin bổ sung dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa, thiết bị vào phục vụ trong khu vực cách ly (xăng dầu hàng không, suất ăn hàng không)… để “duy trì bộ máy kiểm tra cùng công cụ hỗ trợ đi kèm cho việc cung ứng dịch vụ này.

ACV đang tăng giá một cách "vô lý"?

Tuy nhiên, trái ngược với những lý lẽ mà ACV đưa ra, các hãng hàng không nội địa cho rằng mức giá, phí khai thác tại các cảng hàng không Việt Nam hiện đang tăng một cách “vô lý.”

Trong văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) nêu rõ: “Giá, phí dịch vụ tại các Cảng hàng không ngày càng tăng, tác động lớn đến khai thác, làm tăng chi phí của Vietnam Airlines.”

Theo tính toán của Vietnam Airlines, tổng chi phí tăng thêm trong năm 2016 do ACV tăng giá và thu mới dịch vụ tại một số cảng hàng không sẽ khiến hãng này phải chi thêm 202,5 tỷ đồng, trong đó, thu phí dịch vụ kiểm tra an ninh tại các cảng hàng không Nội Bài, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất đối với xe suất ăn/xăng dầu trước khi vào sân bay trong khu vực hạn chế tăng thêm 56,5 tỷ đồng/năm; tăng 10% đối với các dịch vụ thuê mặt bằng, bang chuyền trả hành lý, quầy thủ tục, cầu ống lồng… vào khoảng 33 tỷ đồng; giá dịch vụ sân đậu tàu bay tăng thêm 5 tỷ đồng… 

Tương tự, Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific giãi bày, giá/phí sử dụng dịch vụ tại một số cảng hàng không hiện đang quá cao. Theo ông Lưu Đức Khánh, Tổng giám đốc Vietjet, thời gian qua, Vietjet đã tích cực mở các đường bay quốc tế mới đến Việt Nam thông qua các sân bay nêu trên nhưng mức giá phục vụ mặt đất áp dụng đối với các chuyến bay thuê chuyến tại các sân bay này lại không giống nhau và cao hơn đáng kể so với sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài. 

Đại diện một hãng hàng không khác cũng cho biết các đề xuất trên của ACV không có sự tham vấn của các hãng hàng không và phần lớn các hãng hàng không thấy khó "cũng không dám kêu" vì đây thực ra là đơn vị cung cấp dịch vụ độc quyền và cả khách hàng lẫn các hãng hàng không đều chẳng được lựa chọn.

Theo người này, việc ACV tăng phí không chỉ sẽ khiến khách hàng tốn thêm chi phí khi bay mà còn gây khó cho các hãng hàng không vì trong số các mức phí xin tăng có cả phí áp thẳng cho khách hàng lẫn những loại phí mà các hãng hàng không phải gánh chịu mà không thể đưa vào giá. Việc ACV tăng phí chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không, người này nhận định.

Cùng quan điểm nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc ACV liên tục gây sức ép đòi tăng phí là do cơ chế độc quyền.

Liên quan tới vấn đề này, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết, đề xuất thay đổi mức phí của ACV được thực hiện theo đúng quy định của Luật Hàng không. 

Theo ông Thanh, việc xem xét lại giá thành dịch vụ hàng không là một việc cần thiết, Cục Hàng không sẽ xem xét, thẩm định và xin ý kiến của các đơn vị liên quan trước khi trình phương án lên Bộ Giao thông vận tải. 

Thu Hà (TH theo TTXVN, Lao động)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục