Áp thuế chống bán phá giá với thép Trung Quốc, Hàn Quốc

(Kinhdoanhnet) - Bộ Công Thương vừa quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm thép mạ nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc

Ngày 30 tháng 3 năm 2017, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1105/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với sản phẩm thép mạ (còn gọi là tôn mạ) nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) và Hàn Quốc. Quyết định này được đưa ra sau một thời gian nhà điều hành sử dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời. 

Áp thuế chống bán phá giá với thép Trung Quốc, Hàn Quốc - Ảnh 1
Thông báo của Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương về việc áp thuế chống bán phá giá với thép Trung Quốc, Hàn Quốc

Theo đó từ giữa tháng 4 tới, sản phẩm thép mạ nhập từ Trung Quốc sẽ bị áp mức thuế chống bán phá giá thấp nhất là 3,17% và cao nhất 38,34%. Tương tự, hàng nhập từ Hàn Quốc bị áp thuế dao động 7,02-19%. Thuế chống bán phá giá sẽ được áp dụng trong vòng 5 năm tới. 

Cụ thể, mức thuế áp dụng cho các nhà sản xuất/xuất khẩu gồm: Yeih Phui (China) Technomaterial là 3,17%, Bazhou Sanqiang Metal Products là 26,36%, BX Steel POSCO Cold Rolled Sheet là 38,34%, Bengang Steel Plates là 27,36%, Tianjin Haigang Steel Coil là 26,32%, Hebei Iron & Steel Co., Ltd., Tangshan Branch là 38,34%, Wuhan Iron and Steel là 33,49%, các nhà sản xuất, xuất khẩu khác của Trung Quốc là 38,34%.

Mức thuế áp dụng cho POSCO là 7,02%, các nhà sản xuất/xuất khẩu khác của Hàn Quốc là 19%.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Thuế chống bán phá giá sẽ được áp dụng trong vòng 5 năm kể từ ngày Quyết định có hiệu lực.

Thép mạ - thép carbon cán phẳng ở dạng cuộn và không phải dạng cuộn, chứa hàm lượng carbon dưới 0,6% tính theo trọng lượng. Sản phẩm có tráng, mạ hay phủ kim loại chống gỉ như kẽm hoặc nhôm... theo tất cả các phương pháp phủ kẽm hợp kim gốc sắt, bất kể độ dày và chiều rộng.

Mai Anh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục