Bán, nhượng quyền 1 số sân bay: Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải nói gì?

(Kinhdoanhnet) - Việc chuyển nhượng khai thác, bán các dự án cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước hoàn toàn nằm trong kế hoạch của Bộ.

Tại họp báo chính phủ chiều ngày 2/3, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã trả lời những thắc mắc về việc bán quyền khai thác sân bay cho tư nhân (Phú Quốc và Nội Bài).

Trước lo lắng của nhiều người khi bán, nhượng quyền khai thác sân bay Phú Quốc và Nội Bài cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ có bất an về vấn đề an ninh quốc gia, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định: “Năm 2014, Bộ GTVT đã xây dựng tổng thể phương án nhượng quyền khai thác các dự án BOT và các Dự án có yếu tố có thể khai thác được. Hiện đã lập dự án trình thủ tướng. Việc này hoàn toàn nằm trong kế hoạch.”

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường

Nói thêm về chủ trương bán quyền khai thác các sân bay như sân bay Phú Quốc, nhà ga T1 Nội Bài… để phục vụ cho việc đầu tư hạ tầng giao thông nói chung, huy động thêm vốn cho dự án sân bay Long Thành nói riêng để hạn chế sử dụng tiền ngân sách, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, đây là kế hoạch Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã báo cáo Chính phủ khi họp thông qua việc trình xin Quốc hội chủ trương làm sân bay Long Thành.

Riêng về việc nhượng khai thác sân bay, ông Trường giải thích, có nhiều nội dung, trong đó có việc đầu tư khai thác, cung cấp dịch vụ trong nhà ga. Ngoài vấn đề đảm bảo an toàn an ninh thì các hoạt động này được phép tiến hành xã hội hoá. Ông Trường dẫn ví dụ gần đây nhất, với nhà ga T1 Nội Bài, hãng hàng không VietJet Air đã đề nghị được nhượng quyền khai thác toàn bộ sảnh E. Bộ GTVT đang xây dựng phương án đấu thầu, đơn vị nào đưa ra phương án tốt, hiệu quả nhất sẽ được nhượng quyền khai thác.

Về kế hoạch bán sân bay Phú Quốc cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, Thứ trưởng cho biết: “Cần xây dựng và trình phương án bán toàn bộ dịch vụ khai thác tại sân bay đồng thời cũng đầu tư xây dựng một phần. Nhưng các hoạt động điều hành an ninh quốc phòng phải hoàn toàn là của Việt Nam. Thông lệ quốc tế đều như thế. Điều hành là chủ quyền của quốc gia đó, còn khai thác thì có thể để tư nhân khai thác.”

Minh Anh (Th)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục