Báo tin buôn lậu, hàng giả có thể được thưởng 200 triệu đồng

(Kinhdoanhnet) - Thủ tướng vừa ban hành quy định hỗ trợ kinh phí cho hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và thanh toán chi phí quản lý, xử lý tài sản bị tịch thu. Theo đó, người tố cáo hàng giả, buôn lậu có thể được thưởng 200 triệu đồng.

Thủ tướng vừa ban hành quy định hỗ trợ kinh phí cho hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và thanh toán chi phí quản lý, xử lý tài sản bị tịch thu.

Báo tin buôn lậu, hàng giả có thể được thưởng 200 triệu đồng - Ảnh 1
Tố cáo hàng giả, buôn lậu có thể được thưởng 200 triệu đồng. Ảnh minh họa

Bổ sung thêm các nguồn kinh phí hỗ trợ

Từ ngày 26/6/2016, sẽ hỗ trợ kinh phí cho hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và thanh toán chi phí quản lý, xử lý tài sản bị tịch thu theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Theo đó, nguồn kinh phí hỗ trợ gồm kinh phí từ ngân sách nhà nước và kinh phí hỗ trợ tự nguyện từ các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, các dự án, chương trình hỗ trợ chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp trực tiếp cho cơ quan, đơn vị chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Như vậy, ngoài kinh phí quản lý hành chính được ngân sách nhà nước cấp hàng năm cho các cơ quan, đơn vị chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả (bao gồm quỹ tiền lương, chi hoạt động thường xuyên, chi nghiệp vụ đặc thù, chi mua sắm tài sản, trang thiết bị làm việc) thì các cơ quan, đơn vị chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả còn được ngân sách nhà nước bố trí thêm kinh phí hỗ trợ hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Mua tin tối đa 200 triệu đồng/vụ

 

Nội dung chi và mức chi quản lý, xử lý tài sản bị tịch thu được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 29/2014/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn. Quyết định này hướng dẫn cụ thể một số khoản chi đặc thù trong quản lý, xử lý tài sản bị tịch thu trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Cụ thể, mức chi mua tin của mỗi vụ việc không quá 10% của số tiền xử phạt, cao nhất có thể là 200 triệu đồng. Nếu tài sản bị tịch thu được xử lý theo hình thức tiêu hủy hoặc chuyển giao thì chi phí mua tin không quá 100 triệu đồng.

Tuy nhiên, nếu trả chi phí mua tin từ nguồn kinh phí quản lý, xử lý tài sản bị tịch thu thì không được thanh toán từ nguồn ngân sách Nhà nước nữa.

Về chi khen thưởng theo vụ việc, mức tiền thưởng do thủ trưởng cơ quan, đơn vị chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả quyết định nhưng không vượt quá 3 triệu đồng mỗi người và 15 triệu đồng cho một tập thể trong mỗi vụ việc.

Quyết định có hiệu lực thi hành từ 26/6.

Thu Trang(TH theo Vneconomy, VNE)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục