Bát Tràng: Chính quyền “phớt lờ” ý kiến của người dân?

(Kinhdoanhnet) - Tại sao “Dự án cải tạo nâng cao hiệu quả sử dụng đất khu Đầm bãi Trên, Đầm bãi Dưới - Phát triển kinh tế trang trại kết hợp với dịch vụ, thôn Giang Cao, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội” lại vấp phải sự phản đối kịch liệt của Hội người cao tuổi và nhân dân trong xã như vậy? Có hay không việc chính quyền địa phương đã cố tình “phớt lờ” ý kiến và nguyện vọng của bà con nhân dân?

Theo đơn phản ánh của các cụ Hội người cao tuổi thì làng Giang Cao có hai cái đầm sát chân đê gọi là Đầm trên và Đầm dưới. Từ hàng chục năm qua, hai đầm này là nơi dùng để chứa nước sinh hoạt, nước thải kiêm nhiệm vụ tiêu thoát lũ ra công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Ngày 27/7/2010, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm lúc đó là ông Dương Dũng đã ký ban hành Văn bản số 1453 cho phép thực hiện phương án “Cải tạo nâng cao hiệu quả sử dụng đất khu Đầm bãi Dưới – phát triển kinh tế trang trại kết hợp với dịch vụ thôn Giang Cao – xã Bát Tràng”.

Bát Tràng: Chính quyền “phớt lờ” ý kiến của người dân? - Ảnh 1
Diện tích 2 Đầm tại xã Bát Tràng đang bị san lấp một cách lén lút

Tiếp theo đó, ngày 27/10/2010, một Phó Chủ tịch khác của huyện Gia Lâm là ông Nguyễn Hùng đã ký ban hành Văn bản số 302 cho phép thực hiện phương án “Cải tạo nâng cao hiệu quả sử dụng đất – phát triển kinh tế trang trại kết hợp với dịch vụ tại khu Đầm bãi Trên thôn Giang Cao – xã Bát Tràng”.

Đối với khu Đầm bãi Dưới thì diện tích để thực hiện phương án là 59.431 m2, trong đó diện tích mặt nước nuôi thủy sản là 45.900 m2, diện tích bờ và đất trồng cây 13.531 m2. Còn khu Đầm bãi Trên thì diện tích mặt nước để thực hiện phương án là 42.162 m2.

Đây là diện tích thuộc quỹ đất công ích do UBND xã quản lý; hiện đang cho các hộ dân thuê thầu để nuôi trồng thủy sản. Thời gian thực hiện dự án là 20 năm (chia làm 4 chu kỳ, mỗi chu kỳ 5 năm) tính từ khi có Quyết định phê duyệt của UBND huyện. 

Bát Tràng: Chính quyền “phớt lờ” ý kiến của người dân? - Ảnh 2
Diện tích 2 Đầm tại xã Bát Tràng đang bị san lấp một cách lén lút

Mục tiêu của cả hai phương án là đầu tư cải tạo mặt bằng đưa vào sử dụng diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản; đổ đất tạo thành vườn để trồng cây ăn quả, cây cảnh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp thu hút khách du lịch, tham quan.

Ngoài ra, hai phương án phải bảo đảm được an toàn đê điều trong mùa mưa lũ, giải quyết được hài hòa vấn đề tiêu thoát nước trong khu dân cư, đảm bảo vệ sinh môi trường.

UBND huyện Gia Lâm đã giao cho UBND xã Bát Tràng quản lý, giám sát chủ đầu tư thực hiện theo đúng nội dung phương án đã được UBND huyện cho phép. Xử lý theo thẩm quyền và báo cáo UBND huyện những vướng mắc, phát sinh, những sai phạm trong quá trình thực hiện phương án.

Phương án được phê duyệt là như vậy nhưng theo phản ánh của các cụ trong hội người cao tuổi làng Giang Cao thì dự án này thực sự thiếu công khai dân chủ, thậm chí là cả 6 thôn làng Giang Cao cũng hết sức bất bình và đã nhiều lần khi tiếp xúc cử tri, nhân dân kiến nghị lên xã, huyện nhưng chưa thấy có kết quả gì.

Bát Tràng: Chính quyền “phớt lờ” ý kiến của người dân? - Ảnh 3
Diện tích 2 Đầm tại xã Bát Tràng đang bị san lấp một cách lén lút

Bên cạnh đó, các cụ còn cho biết hiện nay một phần lớn diện tích Đầm bãi Dưới đã bị san lấp trong khi không nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Người dân nơi đây không khỏi lo lắng khi đặt câu hỏi “có hay không việc núp bóng dự án để lấp Đầm kinh doanh dịch vụ?”.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Đào Xuân Hùng, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng thừa nhận: “Kể từ khi phương án được phê duyệt cho đến nay đã hết 1 chu kỳ nhưng không thể triển khai vì người dân không đồng ý. UBND xã Bát Tràng sau nhiều lần họp dân đã làm tờ trình lên UBND huyện Gia Lâm xin ý kiến chỉ đạo về việc này theo 3 phương án “Giữ nguyên hiện trạng; cho phép triển khai và ban hành Quyết định thu hồi”.

Mặc dù trước đó, khi làm việc với hai chủ đầu tư thì họ đều đề nghị cho phép tiếp tục triển khai Dự án nhưng trên thực tế Dự án không thể triển khai được trong khi tới thời điểm này đã hết 5 năm rồi thì phải có hướng cụ thể như thế nào đó để tránh việc lãng phí tài nguyên của nhà nước cũng như tài chính của hai chủ đầu tư – ông Hùng cho biết thêm.

Ông Trần Xuân Điệu, Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Gia Lâm thì cho biết: “Việc người dân làng Giang Cao phản đối dự án cải tạo lại đầm lãnh đạo huyện đã nắm được, huyện cũng đang có chủ trương nhằm tháo gỡ vướng mắc, làm sao để cho bà con hiểu và đồng thuận có như vậy dự án mới triển khai được. Việc tuyên truyền và vận động nhân dân của chính quyền xã Bát Tràng còn yếu kém, năng lực quản lý của cán bộ còn hạn chế dẫn đến việc bà con nhân dân phản đối là lẽ đương nhiên”. Ông Điệu cũng khẳng định:  “UBND xã Bát Tràng đã chỉ định thầu và ký hợp đồng đấu thầu với các cá nhân từ trước, tiếp theo mới gửi tờ trình lên huyện phê duyệt. Việc đấu thầu không công khai là sai nguyên tắc…”.

Thiết nghĩ, đầm, hồ là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, là lá phổi của thiên nhiên điều hòa không khí, môi sinh môi trường. Đặc biệt với xã Bát Tràng lại càng quan trọng vì ao hồ công cộng của xã không còn, duy nhất còn lại mỗi 2 đầm bãi là tài sản mặt nước còn giữ lại được để chứa và tiêu thoát nước mưa lũ, nước sinh hoạt, sản suất thải ra sông Bắc Hưng Hải. Chính quyền huyện Gia Lâm và xã Bát Tràng cần có phương án cải tạo thực sự có ý nghĩa và thiết thực, tôn trọng ý kiến đóng góp của người dân trong xã, có như vậy mới thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế địa phương.

Nhóm PVĐT

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục