BOT Hà Nội - Bắc Giang bị yêu cầu 'đóng trạm' từ 6/7: Vì sao?

Do chậm triển khai các quy định công khai, minh bạch thu phí, giảm ùn tắc giao thông, nhà đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang bị Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) yêu cầu đóng trạm từ ngày 6/7, nếu trước thời điểm này chưa triển khai thu phí không dừng. Ngày 1/7, đại diện Nhà đầu tư dự án nói rằng: điều này rất khó xảy ra.

BOT Hà Nội - Bắc Giang bị yêu cầu 'đóng trạm' từ 6/7: Vì sao? - Ảnh 1
Theo nhà đầu tư, thu phí tại trạm BOT Hà Nội - Bắc Giang chỉ có nhà đầu tư và ngân hàng quản lý, không thể có bên thứ 3 (!?). ảnh: Anh Trọng

 

Tổng cục ĐBVN yêu cầu nhà đầu tư dự án BOT cao tốc Hà Nội - Bắc Giang (Cty cổ phần Đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang) khẩn trương hoàn thiện hạ tầng, triển khai việc thu phí tự động không dừng (Etag) tại trạm thu phí của dự án (km152+080 trên Quốc lộ 1 đoạn qua phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) theo quy định của Chính phủ. Việc này, Bộ GTVT yêu cầu hoàn thành trước ngày 5/7/2019.

Sau ngày này, nếu Cty cổ phần Đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang chưa ký phụ lục hợp đồng thực hiện, Tổng cục ĐBVN sẽ tạm dừng thu phí tại trạm BOT của dự án kể từ 12 giờ ngày 6/7/2019.

Tổng cục ĐBVN giao Cục Quản lý đường bộ I phối hợp với Vụ Pháp chế Thanh tra lên phương án phối hợp với các đơn vị chức năng địa phương để thực hiện dừng thu phí tại trạm thu phí BOT Hà Nội - Bắc Giang theo yêu cầu.

Vì sao chủ đầu tư “ngại” bên thứ ba?

Ngày 1/7, trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện nhà đầu tư trạm BOT Hà Nội - Bắc Giang cho biết: Trạm BOT Hà Nội - Bắc Giang đáng lẽ là trạm hoàn thành sớm nhất thu phí không dừng tại miền Bắc. Tuy nhiên, khi đi vào triển khai nảy sinh bất cập nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến doanh thu, thời gian thu phí hoàn vốn của dự án.

Cụ thể khi thực hiện thí điểm 2 làn bằng thu phí tự động không dừng tại trạm BOT Hà Nội - Bắc Giang, nhà đầu tư quản lý, giám sát toàn bộ trạm, từ hoạt động thu phí, đến lưu lượng xe và doanh thu. Nhưng khi cả 6 làn xe của trạm áp dụng thu phí tự động, đơn vị cung cấp muốn nhà đầu tư ký phụ lục hợp đồng để trao quyền giám sát, quản lý hoạt động này cho họ. “Đây là việc làm sai nguyên tắc với hợp đồng BOT của dự án”, đại diện nhà đầu tư cho hay.

Theo đại diện nhà đầu tư chỉ có nhà đầu tư và ngân hàng (cấp vốn cho dự án) mới được phép quản lý, sở hữu hệ thống thu phí tự động tại trạm không thể có đơn vị thứ 3 tham gia. “Trường hợp có doanh nghiệp cung cấp ứng dụng, phần mềm thu phí mới thì chỉ là đơn vị cung cấp công nghệ, không thể là đơn vị sở hữu, can thiệp vào quá trình thu phí tại trạm của chúng tôi được”, đại diện nhà đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang khẳng định.

 

 

Theo Tienphong

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục