Cảm nhận từ một lễ khai giảng ở một trường ngoài công lập

(KDPL) - Mùa tựu trường của hơn 20 triệu học sinh trên quê hương đất Việt năm nay, tôi có vinh hạnh được mời tham dự lễ khai giảng tại trường Archimedes Academy - Trung Yên, Hà Nội. Đây là ngôi trường ngoài công lập, mà người sáng lập ra nó là doanh nhân Việt kiều Nguyễn Hoài Bắc.

Vừa đặt chân đến cổng trường, tự nhiên trong tôi tái hiện về ngày này của những năm sáu mươi thế kỷ trước. Ngày đó, quê tôi còn nghèo lắm, ngày khai trường lớp học sinh chúng tôi dù ở cấp nào cũng không có nổi bộ quần áo mới. Thậm chí, nhiều người đến trường vẫn phải mặc bộ đồ vá vúi, nhưng bù lại một không gian ngập tràn niềm vui và niềm tin vào ngày mai tươi sáng. Thế rồi cuộc sống và dòng đời lặng lẽ trôi theo những biến cố của vòng quay lịch sử: Chiến tranh và hòa bình, vất vả và lo toan. 

Cảm nhận từ một lễ khai giảng ở một trường ngoài công lập - Ảnh 1
Lễ khai giảng tại trường Archimedes Academy - Trung Yên, Hà Nội

Đã ở vào nửa cột dốc bên kia của cuộc đời, vậy nhưng cái thuở dại khờ, trong sáng và vô tư của những ngày cắp sách đến trường với tôi đôi lúc vẫn hiển hiện. Để rồi sáng nay, tôi lại có dịp được tham dự một lễ khai giảng ở một trường ngoài công lập với bao cảm xúc thân thương, đồng cảm của mùa khai trường. Khác với nhiều năm khi tôi còn trong ban phụ huynh của lớp, của trường, giờ đây trong lễ khai giảng không còn được  nghe những bài diễn văn, những lời chúc tụng của quan chức cấp trên đến úy lạo nhà trường, khen tặng thầy cô. Và còn đây các học sinh vẫn đôi mắt ngơ ngác, lạ lẫm, băn khoăn và thẹn thùng nhìn người lớn nói chuyện mà chúng luôn không hiểu họ nói gì vì chuyện này không phải của chúng… 

Cảm nhận từ một lễ khai giảng ở một trường ngoài công lập - Ảnh 2
Bà Victoria - Giám đốc Ngân hàng Thế Giới (World Bank) tại Việt Nam tham dự ngày khai giảng

Có lẽ sự thay đổi bắt đầu vào mùa thu năm nay 2015 mùa khai giảng năm học mới 2015-2016. Mọi băng rôn khẩu hiệu mang tính phong trào, sáo rỗng đã được thay bằng những bó hoa tươi thắm, những trò chơi vui thích cho con trẻ. Người lớn đến đây với tư cách lại phụ huynh, thầy cô trên tinh thần tổ chức và góp vui cho các học sinh. Người lớn bây giờ đã nhận thấy và hiểu rằng ngày khai trường là của học sinh và người lớn phải trả lại niềm hân hoan, hạnh phúc bé nhỏ này cho các con thân yêu của mình.

Cảm nhận từ một lễ khai giảng ở một trường ngoài công lập - Ảnh 3
Cô Hiệu trưởng đánh trống khai giảng năm học mới

Trước ngày khai giảng tôi có nghe được chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về nội dung công việc của ngày khai trường. Theo đó, Phó Thủ tướng đã thay mặt cho Chính phủ, thay mặt cho người lớn có trách nhiệm trong ngành giáo dục đào tạo cần thay đổi tư duy ngõ hẹp, cằn cỗi, sáo rỗng mà chúng ta đã đi trên con đường mòn này mấy chục năm qua - bằng con đường mới. Con đường bắt đầu bằng sự trả lại Ngày khai giảng cho học sinh. Tôi ngồi đó mà cảm xúc dâng tràn khi nhìn thấy con cháu của mình vui vẻ, hạnh phúc, tự tin trong mỗi ánh nụ cười ngây thơ.

Một điều mà tôi cho là rất lạ là trong khuôn viên sân trường Archimedes Academy -Trung Yên, Quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, nơi tụ hội của 700 các con học sinh từ cấp học mầm non đến cấp THCS; các thầy cô và phụ huynh học sinh tham dự trong không khí tưng bừng và ấm cúng, tôi thấy cô Nguyễn Thúy Hằng - Thạc sỹ toán, Hiệu trưởng nhà trường trên môi lắng đọng nụ cười và đôi mắt hạnh phúc như rực sáng khi nhìn các con học sinh của mình đang tung tăng nô đùa cùng chúng bạn. Và càng lạ hơn khi thấy sự hiển hiện của một con người đặc biệt. Đó là người phụ nữ da mầu Bà Victoria - Giám đốc Ngân hàng Thế Giới (World Bank) tại Việt Nam cũng đến tham dự ngày khai giảng. Bà đứng trên sân khấu đối thoại, giao lưu trực tiếp cùng các học sinh lớp 6; lớp 7 của trường bằng tiếng Anh. 

Cảm nhận từ một lễ khai giảng ở một trường ngoài công lập - Ảnh 4
Vợ chồng doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc và Victoria cùng ban lãnh đạo trường chụp ảnh với các học sinh

Thật lạ chỉ là học sinh lớp 6, lớp 7, song các em đặt câu hỏi với người đối thoại là và Victoria bằng ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ nhưng rất trôi chẩy và lưu loát. Tôi giật mình và nghĩ sóng sau dồn sóng trước, lớp người mới hơn lớp người cũ nhiều lắm, ta già thật rồi. Lạ nữa khi nghe các em bày tỏ nguyện vọng với bà Victoria sau này muốn được làm việc cho Ngân hàng thế giới, muốn được làm việc cho Liên Hợp Quốc, muốn được học bổng toàn phần ở nước ngoài… Và cứ thế cuộc giao lưu đối thoại thăng hoa khi câu hỏi của các giữa hai bên thoải mái, không gò bó, không nghi lễ, bình đẳng về suy nghĩ và tư duy. Có lẽ vì thế với tôi, buổi sáng hôm nay là buổi sáng tuyệt vời đối với các con em là học sinh với thầy cô giáo và các phụ huynh có mặt bởi lẽ tất cả chúng ta dù là em bé ngày đầu tiên đi học cho tới các em sắp tốt nghiệp ra trường đều bình đẳng với nhau và được nói lên tiếng nói của mình. 

Hơn cả trong buổi sáng hôm nay, điều đọng  lại trong tôi khi bà Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam nói với các học sinh: “Các em nhớ rằng hiện tại và tương lại mỗi em học sinh đang có mặt tại đây là đã được thừa hưởng những gì tốt đẹp nhất từ cha mẹ, thầy cô, nhà trường và cộng đồng xã hội mang tới. Các em phải tự hào là người Việt Nam”. Giọng nói của bà trùng xuống và một chút xúc động thoáng qua, rồi bà nói tiếp: “Các em nên nhớ cuộc sống là yêu thương, là chia sẻ. Các em biết không trên thế giới này còn hàng triệu trẻ em học sinh không có cơm ăn, không được đến trường, một trong những nơi đó có quê hương của tôi - Đất nước Ghana”. Vâng, đúng vậy. Ghana đất nước nơi đã sinh ra bà một người phụ nữ đầy nghị lực và quyền lực trong giới Ngân hàng Tài chính thế giới. Bà đã đến và làm việc tại Việt Nam được 6 năm. Cũng thời gian này bà đã đi suốt chiều dài của mảnh đất hình chữ S, đã đóng góp nhiều công sức cho Việt Nam về nhiều lĩnh vực, nhưng trọng tâm là tài chính, kinh nghiệm quản lý mà còn cả tâm huyết cho tương lai tương sáng của Việt Nam. Hôm nay cũng là lần đầu tiên bà tham dự Lễ khai giảng năm học của Việt Nam tại Trường Archimedes Academy - Trung Yên  Hà Nội.

Được biết, lịch thăm và giao lưu với  học sinh của trường đến 8:30 bà phải đi có việc riêng, nhưng bà đã thu xếp việc riêng sang buổi chiều. Bà Giám đốc - Người phụ nữ mặn mà mang đầy quyền lực trong giới tài chính thế giới tiếp tục ở lại trong phòng làm việc của cô Hiệu trưởng để trao đổi chia sẻ chuyện chung, chuyện riêng. Bà nói với Ông Nguyễn Hoài Bắc - Người sáng lập ra mái trường này về khả năng hỗ trợ của bà và World Bank với các dự án mang đầy tính nhân văn của ông tại Việt Nam hoặc Ghanna quê hương bà nếu Ông Bắc đầu tư sang Ghana. Nghe bà nói, nghe bà đối thoại trực tiếp với học sinh tôi mang trong mình cảm nhận về bà. Một người phụ nữ đầy nghị lực, sinh ra từ đất nghèo khó, đã sang được Canada lao động và học tập, vươn lên đến đỉnh cao của trí tuệ và khi giữ trọng trách của Ngân hàng thế giới tại quê hương đất Việt, bà đã thực sự hòa mình vào với dòng chảy của dân tộc này nhằm dựng xây Việt Nam tươi đẹp hơn .

Lưu Vinh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục