Cánh đào chào xuân hội nhập

Cứ mỗi độ xuân về chuẩn bị đón Tết cổ truyền, chúng ta lại thấy khắp ngõ phố Hà Nội tràn ngập sắc đào tươi thắm hòa với dòng người rạng ngời nét cười xuân!

Cây đào hiển hiện trên quả địa cầu chắc cũng xưa như trái đất, nhưng để thẩm thấu vào đời sống người chơi cây, chơi hoa thành thú chơi tao nhã là cả một hành trình thẩm thấu thật lâu dài, để rồi hình thành một làng nghề chuyên canh cây đào như vậy quả là công phu và tỷ mỷ vô cùng...

Nghề trồng đào Nhật Tân quận Tây Hồ (Hà Nội) có từ bao giờ và vì sao người làng tiếp nhận nghề độc đáo này, đến nay chưa có tư liệu ghi lại cụ thể, cũng như không một bậc cao niên nào trong làng Nhật Tân biết được. Song, một số tư liệu còn lại cho thấy, nghề trồng đào, thú thưởng thức vẻ đẹp của hoa đào có từ năm, sáu thế kỷ nay. Sử sách còn ghi: Nguyễn Trãi (1380 - 1442) - Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, một người từng có thời gian dài gắn bó với đất Thăng Long có thơ về hoa đào như sau:

Cánh đào chào xuân hội nhập - Ảnh 1
 

Một đóa đào hoa khéo tốt tươi

Tường xuân mơn mởn thấy xuân cười

Đông phong ắt có tình hay nữa

Kiện tiễn mùi hương dễ động người.

Như vậy, muộn nhất là vào thế kỷ XV, thú chơi cây cảnh đã có, mà hoa đào lại nở vào dịp Tết, nên rất có thể thời kỳ này tục chơi hoa đào ngày Tết đã được hình thành và phát triển. Một chi tiết rất đáng chú ý, theo Đại Việt sử ký Toàn thư, vào ngày 20 tháng ba năm Kỷ Dậu, niên hiệu Thuận Thiên (cuối tháng 4 năm 1429), vua Lê Thái Tổ hạ lệnh cho Đô tổng quản và quản lĩnh các đạo cùng các quan viên ở các phường trong kinh thành biết rằng: “Hiện nay đất của các công hầu, trăm quan đều có phần nhất định, phải nên trồng cây, trồng hoa và rau đậu, không được bỏ hoang, ai không theo thế thì mất phần đất của mình”.

Chắc hẳn, ở thời điểm này, cây đào và hoa đào đã được coi như một thú chơi tao nhã, đã được trồng theo Chỉ dụ của ông vua đầu tiên của vương triều Lê này, song không rõ thú chơi này đã được dân làng Nhật Tân tiếp nhận hay chưa.

Một câu chuyện lịch sử khác được lưu truyền từ bao đời nay, sau khi đại phá quân Thanh, giải phóng Kinh thành Thăng Long, ngày mồng 5 Tết Kỷ Dậu (30-01-1789), Vua Quang Trung đã làm một việc hết sức hào hoa, phong nhã đó là: lệnh cho quân sĩ đem cành đào Nhật Tân băng đèo, vượt núi về Phú Xuân tặng người vợ yêu là công chúa Ngọc Hân, thay cho sự báo thiệp.

Thực hư câu chuyện này còn phải kiểm chứng, tuy nhiên nó đã chứng minh chiều sâu tình cảm của người anh hùng và sự am hiểu tập quán truyền thống chơi đào ngày Tết của người Thăng Long mà Quang Trung đã tiếp nhận được. Cành đào báo tin vui, cành đào cũng làm cho người yêu thương nguôi nỗi nhớ quê hương Đàng ngoài; nhìn thấy cành đào như thấy được Thăng Long.

Nếu lấy mốc từ thời kì Vua Quang Trung tặng cành đào cho công chúa Ngọc Hân người con gái kiều diễm của kinh thành Thăng Long (cách đây hơn 200 năm) làm biểu tượng cho chiến thắng của mình, thì đào đã phải xuất hiện trước đó rất lâu rồi. Đào Nhật Tân phải đã rất nổi tiếng và đã thành một thú chơi không thể thiếu trong những ngày Tết của người dân kinh thành Thăng Long, đến khi Vua Quang Trung tiến vào giải phóng Thăng Long, chỉ nhất quyết lấy một cành đào báo tin vui thắng trận mà không lấy thứ khác làm biểu tượng cho chiến thắng của mình!

Cánh đào chào xuân hội nhập - Ảnh 2
 

Có người nói, câu chuyện trên đây chỉ có sau này, vì thời đó việc đi lại, vận chuyển rất khó khăn, đào vào được tới Huế không thể còn nguyên vẹn? Nhưng thiết nghĩ, nếu có chi tiết lịch sử ấy, Quang Trung cho mang đào Nhật Tân - đào của Thăng Long vào Huế, hoa còn hay không, hoặc chỉ là cành đào khô, điều đó không quan trọng, vì cành đào Nhật Tân đã là “thông điệp” tin cậy báo tin cho công chúa Ngọc Hân, cho Huế: Đội quân của Quang Trung đã chiến thắng, đó là: “Chiến thắng mùa hoa đào”.

Theo báo Hà Nội mới, số Tết Tân Dậu năm 1981 thì khoảng đầu thế kỉ 20, có một người khách phương xa đem lễ ở quán Trấn Vũ một cành đào bích. Cụ thủ từ là Đồng Khuê thấy cành đào quá đẹp, bèn đem ghép vào gốc đào ta để giữ giống và truyền giống đó cho hai người làng Nhật Tân là Đường Nguyên và Hương Việt. Đào bích được nhân lên và phổ biến rộng rãi thành thứ hoa Tết quý giá.

Như vậy, thú chơi đào của người Thăng Long - Hà Nội và đào Nhật Tân có từ bao giờ và có từ đâu từ khi nào.... vẫn còn là một câu hỏi. Dù thế nào đi nữa thì đào Nhật Tân và phong cách chơi đào đã là vốn quý, là di sản văn hóa độc đáo của Thăng Long - Hà Nội. Đào chứng kiến thời khắc thiêng liêng, phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới; giữa mùa đông và mùa xuân. Đào chứng kiến giây phút “biến cải” trong tâm hồn mỗi người, hướng đến cái thiện và ước vọng những ngày mới tươi sáng hơn.

Từ vườn đào cổ năm xưa, theo năm tháng tỏa hương khoe sắc đến nay thương hiệu đào Thăng Long “ Hoa đào Nhật Tân” là cánh thiệp mừng xuân giao lưu hội nhập quốc tế mặc nhiên được thừa nhận trong đời sống văn hóa tết của Việt Nam, của Hà Nội hào hoa và thanh lịch, của thành phố vì Hòa Bình! Mỗi dịp Tết đến xuân về, ngay từ rằm tháng 12 âm lịch hàng năm, khắp các ngả đường ngõ phố, bóng dáng cây đào thế, đào nơm, “ngự” trên xe, theo các gánh hàng hoa gieo cánh đào vào từng nhà, mang mùa xuân tới với mọi người

Cánh đào chào xuân hội nhập - Ảnh 3
 

Những năm gần đây, sự bùng nổ về du lịch trong dịp Tết, các vườn đào ở Hà Nội cũng thu hút, quyến rũ khách du lịch năm châu bốn bể đến với đào, chơi với đào, tán đào, múa đào và cùng thăng hoa cảm xúc bên những cánh đào chào xuân. Sự giao lưu hội nhập tụ ở một điểm, thưởng thức, ngắm cánh đào, cùng nhau hướng đến cái đẹp chân - thiện mỹ như giá trị đào mang lại, hòa hợp cùng đất trời thiên - địa - nhân hợp nhất.

Tính chất thương mại của đào cũng được nhắc tới trong phát triển làng nghề và buôn bán, một “ngành hàng” độc nhất vô nhị ngày Tết của riêng người Việt tạo nên công ăn việc làm cho bao làng nghề có thu nhập cao. Tâm điểm là làng nghề trông đào Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội.

Cái chất “phiêu lưu” của nghề trồng đào, “làm một mùa ăn cả năm”, có lẽ là tư duy kinh tế đậm chất văn hóa lãng tử, thuần chất nhưng vẫn trường tồn trong giá trị văn hóa, kinh tế, thương mại, du lịch dân tộc Việt. Sự chân thực làm nên cốt cách người Việt, người Thăng Long Hà Nội hào hoa, thanh lịch để từ cánh đào là nhịp cầu nối với tinh thần giao lưu văn hóa, giao thương, hội nhập mới là điều đáng nói

Chào xuân - đón Tết cổ truyền, đào cùng với mai vàng lấp lánh ánh xuân, cùng những chùm quất nặng trĩu ân tình… Những cành đào tươi sắc thắm bay đi khắp muôn nơi báo tin mùa xuân mới - mùa xuân ơn Đảng.

Phạm Thúy/KD&PL

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục