Cha tôi mãi mãi không về

(Kinhdoanhnet) - Tròn nửa thế kỷ, cha tôi – một chiến sĩ công an đã hy sinh. Nếu như không có tấm hình của cha tôi để lại thì có lẽ mấy đứa em tôi không còn nhớ nổi hình ảnh của người cha ra sao.

Ngày còn công tác tại Sở Công an Hải Phòng, một năm đôi lần cha tôi về thăm nhà, nhưng mỗi lần chỉ là một khoảng thời gian quá ngắn. Tôi thì may mắn hơn, bởi mỗi năm học kết thúc là cha tôi lại đón ra thăm và nghỉ ngơi ở Thành phố. Song chuyện đó xem ra chỉ kéo dài được vài năm. Tôi còn nhớ, cũng vào dịp này năm 1964, cha tôi đột ngột về nhà. Ngay tối hôm đó, ăn cơm xong, trước mặt mẹ và mấy anh em tôi, cha chậm rãi nói:

Cha tôi mãi mãi không về - Ảnh 1

Cha tôi mãi mãi không về - Ảnh 2
Tác giả trước mộ người Cha.

- Sắp tới cha có chuyện đi công tác đặc biệt, không thể về thăm mẹ và các con được. Cha mong các con gắng học cho giỏi và ngoan ngoãn giúp mẹ đảm đương việc nhà.

Nghe cha nói vậy, tôi hỏi:

- Cha đi công tác ở đâu, hở cha?

- Đi xa con ạ, còn nhiệm vụ thì vì lý do bí mật nên cha không thể nói với các con được. Cha sẽ thường xuyên viết thư về nhà. Lớn lên rồi các con sẽ hiểu.

Cha tôi dường như mới nói được đến đó thì những giọt nước mắt của mẹ tôi cứ trào ra và lăn chảy trên đôi gò má vốn đã sạm đen. So với ba, mẹ tôi vất vả nhiều, bởi vừa phải lặn lội nuôi các con ăn học, vừa chăm sóc bố mẹ chồng. Hơn nữa, quê tôi cũng như nhiều vùng quê khác ở tỉnh Thái Bình thời điểm ấy, cũng bộn bề với cái đói, cái nghèo và thiếu thốn chăm thứ.

Sau hai ngày nghỉ ở nhà, đi thăm hỏi mọi người trong họ, cha tôi lại lên đường về nơi công tác. Mãi về sau này tôi mới biết, để chuẩn bị cho chuyến đi công tác miền Nam, cha tôi đã có ba tháng học tập nghiệp vụ và tập luyện ở trường C500 (nay là Học viện An ninh nhân dân) và cũng là nơi tôi đã từng gắn bó trong những năm tháng theo học khóa đại học đầu tiên của Ngành. Trong phòng truyền thống nhà trường, thật không ngờ vẫn còn lưu giữ những bức ảnh về những giờ lên lớp, buổi tập đeo gạch lên xuống không biết bao lần ở khu vực cầu thang hội trường và những con đường xung quanh sân vận động.

Chính những địa điểm ấy, sau này, những học viên chúng tôi lại thực thi các bài tập võ thuật, thể dục, thể thao. Nhìn những tấm ảnh ấy, tôi dễ dàng nhận ra trong số cán bộ công an tập trung để chi viện cho chiến trường miền Nam ngày ấy có cả vợ chồng đồng chí Bùi Thiện Ngộ (nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ); đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh và nhiều người khác mà tôi không biết bây giờ còn hay mất?

Theo chú Đức Minh kể lại thì sau gần ba tháng học tập nghiệp vụ và luyện tập, đoàn cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam đã được Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn tiếp và động viên. Từ Hà Nội vào đến làng Ho, tỉnh Quảng Bình, đoàn hành quân bằng ô tô, song liên tục phải đối đầu với các trận ném bom của Mỹ. Có người đã ngã xuống khi còn chưa biết thế nào là miền Nam.

Đến vĩ tuyến 17, đoàn không vượt sông Bến Hải mà rẽ sang đường Trường Sơn và bắt đầu cuộc hành quân vượt núi, xuyên rừng để vào chiến trường. Vào tới chiến trường, theo đường giao liên của Bộ, cha tôi gửi lá thư đầu tiên về cho mẹ con chúng tôi. Song rất tiếc khi nhận được lá thư ấy thì một năm đã trôi qua. Sau đó, gia đình tôi nhận thêm được hai lá thư nữa từ Ban An ninh T4. Tôi thật không ngờ đó là lá thư cuối cùng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của cha tôi. Mãi về sau này, tôi mới được biết khi đặt chân đến địa phận chiến trường Khu 5, đoàn cán bộ công an chi viện cho chiến trường chia làm nhiều mũi, người thì ở lại, người rẽ chéo để về Khu 6. Còn cha tôi, như đã phân công, sau gần một năm, tiếp tục hành quân về để nhận nhiệm vụ tại An ninh T4 (Ban An ninh Sài Gòn – Gia Định).

Dịp ấy, Ban An ninh T4 đóng tại địa đạo Củ Chi. Từ đây, ngày cũng như đêm, các chiến sĩ An ninh T4 được nhân dân đùm bọc, giúp đỡ đã nhiều lần "xuất quỷ, nhập thần" vào các khu đô thị, phối hợp với các đội biệt động gây cơ sở, diệt ác, trừ gian, hỗ trợ cho đồng bào nổi dậy. Đến giữa năm 1967, để chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy toàn miền Nam, An ninh T4 được phân thành các phân khu để tiện cho việc chỉ đạo tấn công vào đô thị Sài Gòn. Cha tôi về nhận công tác tại phân khu 4 (An ninh Khu miền Đông).

Chú Tám Khởi, nguyên đội trưởng Đội Trinh sát thuộc Công an Phân khu 4 (nay đã mất), trong một lần gặp gỡ tôi đã cho biết: "Hồi đó Phân khu đóng tại khu rừng cao su thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Đây là khu vực trọng điểm mà kẻ địch thường tập trung hỏa lực và lực lượng tình báo, gián điệp cũng như hệ thống ấp chiến lược. Để tránh bị lộ, hàng ngày các cán bộ, chiến sĩ an ninh phải sống trong những căn hầm ở khu rừng cao su. Đêm đến họ chia nhau len lỏi vào các ấp, xã để xây dựng cơ sở, thu thập tình hình và nhờ dân tiếp tế lương thực, thực phẩm.

Hoạt động trong hoàn cảnh đó, khó khăn và gian khổ vô cùng. Có tháng phải sống chung với lũ, nước do những trận mưa xối xả. Song lại có lúc khát khô, phải chia nhau từng giọt nước vì thiếu mưa. Cha tôi và một số người khác lại thường xuyên phải chống chọi với các cơn sốt rét, ấy vậy mà với công việc, mọi người đều rất tận tụy. Nhiều lần có việc phải về Ban An ninh Miền họp, phải đi bộ hàng tuần lễ và phải luồn lách, cải trang đủ kiểu mới tới nơi. Rồi có tuần phải ăn củ mì, lá rừng.

Đó là chưa kể đến những khó khăn tưởng chừng không vượt qua nổi song khi nhận được lệnh chuẩn bị tấn công vào Sài Gòn, ai cũng phấn chấn hẳn lên. Nhiều tên ác ôn có nhiều nợ máu với nhân dân đã bị các chiến sĩ An ninh T4 tiêu diệt. Đặc biệt, đợt Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1968, các chiến sĩ An ninh T4 đã lập nhiều kỳ tích. Và thật không ngờ, trong những cuộc chiến đấu ấy, cha tôi cũng như nhiều chiến sĩ an ninh khác đã hy sinh.

Sau chiến tranh, gia đình tôi nhận được giấy báo tử do Bộ Nội vụ gửi về. Sau đó ít lâu, lễ truy điệu cha tôi được tổ chức. Thời điểm này, sức khỏe của mẹ tôi đã giảm sút theo quy luật của thời gian, nhưng bù lại, các em tôi đã từng bước trưởng thành. Và từ ngày đó, cứ đến ngày cha tôi hy sinh, anh em chúng tôi lại tụ họp để thắp nén nhang nhớ về người cha, một chiến sĩ công an đã hy sinh vào mùa xuân ấy.

Sau ngày đất nước thống nhất, hầu như năm nào cũng vậy, cứ mỗi lần có dịp vào công tác ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, tôi đều dành thời gian để tìm mộ cha tôi song không toại nguyện. Sau cuộc chiến, những đồng đội của cha tôi ngày ấy, người còn, người mất, người được Nhà nước cho nghỉ hưu ở quê nhà, người thì chuyển công tác đi nơi khác. Khó khăn là vậy, nhưng trong lòng tôi lúc nào cũng trào dâng những kỷ niệm về người cha. Đó là những mẩu chuyện mà mẹ thường kể. Nếu đem cộng tất cả thời gian mà cha mẹ tôi được sống gần nhau kể từ ngày cưới cho đến lần gặp cuối cùng trước chuyến đi công tác "đặc biệt" của cha tôi có lẽ chỉ có khoảng gần ba tháng. Còn cha tôi, thực sự chỉ hưởng cuộc sống trong hòa bình chưa trọn mười năm.

Ngay cả đứa em út tôi, lúc nó cất tiếng khóc chào đời chính là lúc cha tôi đang trên đường hành quân vào chiến trường. Mẹ tôi thường bảo: "Nó là đứa thiệt thòi nhất. Các con phải bằng mọi giá tìm được mộ cha con". Nghe lời mẹ, anh em chúng tôi thay nhau đi tìm mộ cha. Quyết tâm ấy rồi cũng được đền đáp.

Mùa xuân năm 1995, tức sau hai bảy năm ngày cha tôi hy sinh, được sự giúp đỡ của Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Nội vụ), Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Công an tỉnh Đồng Nai, Phòng Lao động và Thương binh xã hội huyện Long Thành, gia đình tôi đã tìm được mộ người cha, gặp được những đồng đội của cha tôi nay vẫn còn sống. Thì ra cha tôi đã được đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Long Thành, tỉnh Đồng Nai từ năm 1982. Mộ cha tôi lọt giữa những hàng mộ của các liệt sĩ vô danh, song chiến công của họ sẽ mãi mãi được nhân dân cả nước ghi công.

Lưu Vinh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục