Coca Cola, URC bị nêu tên trước Quốc hội và chuyện con voi chui lọt lỗ kim

(Kinhdoanhnet) - 6,5 tỷ đồng là số tiền mà 3 Công ty URC, Công ty Coca Cola và Công ty Minh Thái Lộc bị xử phạt liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP). Đây là số tiền phạt cao kỷ lục trong đó Công ty URC bị phạt lên đến gần 5,9 tỷ đồng.

Phạt Công ty URC với số tiền kỷ lục

Sự việc 2 lô sản phẩm nước giải khát C2 và Rồng đỏ của Công ty URC bị phát hiện có hàm lượng chì vượt ngưỡng vào năm 2016 tiếp tục được nhắc lại trong chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về nội dung giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP.

Ngày 5/6, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP giai đoạn 2011-2016.

Đồng thời, Chính phủ cũng đã có Báo cáo tình hình thực thi chính sách, pháp luật về quản lý ATTP giai đoạn 2011 - 2016. Thảo luận tại Hội trường, Quốc hội biểu dương những cố gắng của đoàn giám sát, sự phối hợp tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong quá trình giám sát của Quốc hội.

Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với nội dung Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật về ATTP giai đoạn 2011- 2016.

Cụ thể, trong giai đoạn 2011 - 2016, cả nước đã thành lập được 153.493 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành với sự tham gia của các ngành chức năng: Y tế, NN&PTNT, Công thương, Công an, KH&CN, GD&ĐT..., tiến hành kiểm tra tại 3.350.035 cơ sở, phát hiện 678.755cơ sở vi phạm, chiếm 20,3%.

 

Coca Cola, URC bị nêu tên trước Quốc hội và chuyện con voi chui lọt lỗ kim - Ảnh 1
Sản phẩm của Công ty URC

Về xử lý vi phạm, trong số 678.755 cơ sở vi phạm, mới chỉ có 136.545 cơ sở bị xử lý, chiếm 20,1%, trong đó phạt tiền 55.714 cơ sở với số tiền 133.905.925.136đồng.

Việc áp dụng các chế tài xử phạt đã được đẩy mạnh qua các năm, cụ thể: tỉ lệ cơ sở bị phạt tiền tăng từ 30,0% năm 2011 lên 67,1% trong năm 2016; số tiền phạt trung bình 1 cơ sở tăng từ 1,35 triệu (2011) lên 3,73 triệu (2016). 

Đặc biệt, báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh: Trong năm 2016, Bộ Y tế đã tiến hành thanh tra Công ty URC, Công ty Coca Cola và Công ty Minh Thái Lộc cung cấp phụ gia thực phẩm cho Công ty URC.

Bộ Y tế đã xử phạt vi phạm hành chính 3 công ty này gần 6,5 tỷ đồng, riêng URC là gần 5,9 tỷ đồng. Kết quả xử phạt này đã thể hiện tính răn đe cao đối với các cơ sở cố tình vi phạm các quy định về ATTP.

Số tiền Công ty URC bị phạt cũng được xác định là lớn nhất từ trước tới nay liên quan đến vi phạm ATTP.

Liệu có chìm xuồng?

Việc Công ty URC đưa ra thị trường sản phẩm nước uống nhiễm chì khiến các cơ quan quản lý và trực tiếp là người tiêu dùng “sốc” thật sự. Ai cũng biết chì vô cùng độc hại, có thể khiến người dùng phải tử vong rất nhanh.

PGS.TS Trần Hồng Côn (khoa Hóa, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội), cho biết: Chì là một loại kim loại nặng, khi vào cơ thể vượt ngưỡng đào thải thì sẽ tích tụ trong xương và tủy xương. Đến một hàm lượng nhất định thì tủy xương sẽ không sản xuất ra hồng cầu nữa, gây ra tình trạng thiếu máu, có thể dẫn đến tử vong.

Người tiêu dùng đã lỡ ăn, uống đồ có nhiễm chì thì sẽ phải đối mặt với những nguy cơ đó. Tác hại của nhiễm độc chì là rất lớn, không chỉ gây ra cụ thể một bệnh nào mà nó có thể là căn nguyên cho rất nhiều loại bệnh khác nhau.

Tuy nhiên như đã biết, sau khi phát hiện sản phẩm nhiễm chì dù rất cố gắng nhưng Công ty URC đã không thể thu hồi được 40.000 chai. Điều này cũng đồng nghĩa người tiêu dùng đã uống và nguy cơ mắc bệnh là rất cao.

Việc xử phạt gần 5,9 tỷ đồng đối với Công ty URC được xem là mới giải quyết được một phần của vụ việc. Phần còn lại là người tiêu dùng đã uống phải sản phẩm lỗi hiện chưa có cách nào giải quyết.

Đã có thời điểm, vấn đề này được đưa ra tranh cãi gay gắt. Các ý kiến đều khẳng định, Công ty URC không thể thoái thác trách nhiệm với người tiêu dùng. Vấn đề là họ sẽ phải “đền bù thiệt hại” thế nào?

Dù các cơ quan thông tấn báo chí đã tích cực vào cuộc phản ánh nhưng có vẻ vụ việc đang có nguy cơ chìm xuồng. Hiện chưa thấy cơ quan chức năng nào nhắc đến việc này.

Trước khi được điểm mặt chỉ tên tại kỳ họp Quốc hội ngày 5/6 vừa qua, vụ sản phẩm C2 và Rồng đỏ của Công ty URC bị nhiễm chì đã bị Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhắc nhở trong buổi làm việc với Bộ Y tế vào tháng 10/2016.

Sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Nhà nước để thấy rằng, vụ sản phẩm của Công ty URC nhiễm chì là rất nghiêm trọng. Thế nhưng, nghịch lý là liên tục bị nhắc nhở như là trường hợp điển hình nhất nhưng việc xử lý cuối cùng lại theo kiểu “đầu voi đuôi chuột”.

Cũng vì vấn đề kiểm tra, xử lý những vụ việc vi phạm về ATTP chưa hiệu quả nên nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất phải thành lập một cơ quan chuyên trách về ATTP. Có như vậy mới tránh được việc chồng chéo, thiếu hiệu quả như thực tế hiện nay.

Có ý kiến cho rằng, cần phải sửa đổi quy định pháp luật về hình sự để xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm ATTP. Nếu chỉ kêu gọi nhà sản xuất “có lương tâm” và “người tiêu dùng phải thông thái” thì chắc chắn vẫn còn tồn tại những doanh nghiệp kiểu URC.

Nhiều người đã ví von rằng, việc Công ty URC vi phạm nghiêm trọng nhưng hiện tại mọi việc “êm xuôi” chẳng khác nào chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”.

Theo Mai Hương/PL&XH

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục