Đề xuất sớm "cởi trói" cho xuất khẩu gạo

(Kinhdoanhnet) - Nhiều doanh nghiệp đề xuất nhanh chóng bãi bỏ hoặc sửa đổi điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo trong Nghị định 109 vì sau 6 năm thực hiện, nghị định này đã bộc lộ một số điểm bất cập, cần sửa đổi.

Tại hội thảo về xuất khẩu gạo vừa diễn ra chiều 22/2, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, trong tất cả các điều kiện, từ công suất kho, công xuất cơ sở xay xát, địa điểm đặt kho, máy xay xát, vùng nguyên liệu… cho đến giấy phép, đăng ký hợp đồng xuất khẩu mới trong Nghị định 109 đều mang tính chất hình thức, không phù hợp với tình hình kinh doanh của doanh nghiệp hiện nay.

Đề xuất sớm "cởi trói" cho xuất khẩu gạo - Ảnh 1
Đề xuất bãi bỏ hàng loạt điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Ảnh minh họa

Ông Nam, đại diện Công ty TNHH ADC (TP Cần Thơ) cho biết, đơn vị này đang sở hữu kho chứa chuyên dụng đạt công suất hơn 30.000 tấn, đồng thời hợp tác với 16.000 nông dân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để xây dựng vùng nguyên liệu hơn 35.000 ha. Toàn bộ điều kiện sản xuất và kinh doanh của công ty đều vượt xa quy định, nhưng nhằm đơn giản hóa thủ tục và tiết kiệm chi phí khi xin giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo thì ADC lại sử dụng số liệu của một công ty khác đạt tiêu chuẩn ở mức vừa đủ.

“Bối cảnh thị trường xuất khẩu gạo ở thời điểm ban hành và hiện nay khác nhau rất nhiều. Để nhận được hợp đồng xuất khẩu, đặc biệt với những thị trường khó tính thì hầu như công ty nào cũng bắt buộc cam kết việc đảm bảo vùng nguyên liệu và truy xuất nguồn gốc. Thế nên, quy định tăng diện tích thêm từ 300 đến 800ha mỗi năm, tùy theo sản lượng xuất khẩu trở nên lỗi thời”, ông Nam nói.

Vị này chia sẻ thêm, ông tán thành việc bãi bỏ Nghị định 109 do các điều kiện quy định không còn hợp lý và trở thành gánh nặng trói buộc, gây lãng phí cho doanh nghiệp. Điển hình như việc công ty này phải thuê nhân sự chỉ đảm nhiệm công việc báo cáo thông tin hợp đồng xuất khẩu lên Bộ Công Thương.

Ông Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định ngành gạo Việt Nam đang đối mặt hàng loạt thách thức. Trong đó, cơ bản nhất phải kể đến việc chưa xây dựng được thương hiệu chung, thị trường xuất khẩu truyền thống không ổn định và phụ thuộc ngày càng nhiều vào Trung Quốc.

Ông Thành cho rằng việc sửa đổi Nghị định 109 phải theo hướng tới tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. Đồng thời, phản ánh được tính đa dạng của thị trường chứ không mang tính rập khuôn mà các doanh nghiệp phải tuân thủ như hiện nay. Bởi thị trường rất đa dạng, một số doanh nghiệp có thị trường ngách riêng, sản phẩm chất lượng cao, giá cao nhưng không thỏa mãn những điều kiện đó.

Do vậy, nếu không “cởi trói” những quy định trên thì các doanh nghiệp này sẽ mất cơ hội xuất khẩu, ngành gạo sẽ khó dịch chuyển trên bậc thang giá trị. Trên tinh thần đó, VEPR đề xuất bãi bỏ một loạt các quy định về quy mô kho bãi, vùng nguyên liệu… trong Nghị định 109.

VEPR đề xuất bãi bỏ các điều kiện về việc doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có kho, cơ sở xay, xát thóc, gạo cũng như quy định về địa điểm đặt kho, máy xay xát và việc phải duy trì dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 10% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó.

VEPR kiến nghị bãi bỏ các quy định về vùng nguyên liệu của doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Thay vào đó là tập trung quản lý chất lượng gạo đầu ra, theo đó gạo sản xuất ra an toàn đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật về hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh… VEPR cũng đưa ra phương án thứ 2 là việc quản lý chất lượng gạo đầu ra, cần cơ chế khuyến khích đối với các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu.

VEPR cũng đề xuất bãi bỏ giá sàn xuất khẩu, hoặc giá sàn chỉ có tính chất trao đổi nội bộ trong hiệp hội; bãi bỏ việc xuất khẩu gạo tại thị trường tập trung; bãi bỏ các điều kiện giao hàng xuất khẩu.

Mai Anh (TH theo Báo Hải quan, Vietnamplus, Vnexpress)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục