Đồng Nai: Công ty phân bón Thuận Phong lại tiếp tục bị vu oan

(KDPL) - Sau hơn 1 năm điều tra, cuối cùng ngày 20/5/2016, cty Thuận Phong cũng được trả trong sạch, mở kho niêm phong. Trong khi tất cả hàng hóa, máy móc, thiết bị, nhà xưởng đều xuống cấp và hư hỏng, Thuận Phong đang khó khăn trong từng bước để phục hồi thì lại tiếp tục bị vu oan một tội danh khác. Đó là việc Văn phòng 389/QG, ông Trần Hùng và một số bộ ngành, vẫn đang bằng mọi giá kết luận doanh nghiệp sản xuất vỏ chai giả (giả chai phân bón 1lít), mặc dù các lập luận đưa ra chưa đủ cơ sở pháp lý, thiếu cơ sở luận chứng khoa học thực tiễn và không chứng minh được đối tượng giả.

Như đã biết, ngày 20/5/2016, đại diện Chi cục QLTT và Cơ quan Cảnh sát điều tra PC46 Đồng Nai đã tiến hành mở niêm phong kho nhà máy của Công ty Thuận Phong trước sự chứng kiến của cơ quan chức năng, Báo, Đài. Tại đây, hầu hết hàng hóa, máy móc, thiết bị, nhà xưởng của Công ty Thuận Phong sau hơn một năm niêm phong đã xuống cấp và hầu như hư hỏng toàn bộ. Như vậy, sau hơn 1 năm điều tra, cuối cùng mọi bằng chứng đều cho thấy cty Thuận Phong không vi phạm hình sự đối với những cáo buộc trước đó mà một số cơ quan chức năng đã đưa ra.

Đồng Nai: Công ty phân bón Thuận Phong lại tiếp tục bị vu oan - Ảnh 1
Trong khi những thiệt hại nặng nề về hàng hóa, máy móc, nhà xưởng của Thuận Phong chưa 1 tổ chức cá nhân nào đứng ra chịu trách nhiệm...

Theo qui định về thời hạn tại Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, việc xử lý vi phạm hành chính kéo dài không quá 60 ngày; tuy nhiên thực tế, vụ việc xử lý hành chính tại Công ty Thuận Phong kéo dài hơn 1 năm, gây thiệt hại vô cùng to lớn về mọi mặt đối với doanh nghiệp này. Đó là chưa kể đến những hệ lụy, thiệt hại vô cùng to lớn mà cuộc điều tra này đã gây ra. Tại thời điểm Công ty Thuận Phong bị điều tra, tại kho xưởng sản xuất có tất cả 178 mã sản phẩm. Trong đó, chỉ có 7 sản phẩm bị điều tra, 22 sản phẩm bị kiểm tra, thế nhưng các cơ quan chức năng lại niêm phong hết kho hàng gồm 178 mã sản phẩm, có nghĩa là những sản phẩm không liên quan cũng đều bị niêm phong. Chính điều này đã gây ra cho Thuận Phong những thiệt hại nặng nề về kinh tế và uy tín trên thị trường.

Trong khi chưa hề có một cơ quan hay cá nhân nào đứng ra nhận trách nhiệm về vấn đề này, trả công bằng cho Thuận Phong thì hiện tại, doanh nghiệp này lại một lần nữa tiếp tục rơi vào “vòng xoáy” khi Đại diện Văn phòng 389/QG, ông Trần Hùng và một số Bộ ngành, sau khi không chứng minh được cáo buộc doanh nghiệp sản xuất phân bón giả, lại tiếp tục bằng mọi giá kết luận doanh nghiệp này sản xuất vỏ chai giả. Như vậy, từ đầu đến bây giờ, chỉ xuất phát từ đơn tố cáo nặc danh không rõ căn cứ, ông Trần Hùng đã chủ trì tổ chức rất nhiều các cơ quan chức năng từ Trung ương tới địa phương để kiểm tra nhà máy sản xuất phân bón của Công ty Thuận Phong. Mặc dù phía Thuận Phong đã cung cấp đầy đủ bằng chứng giấy tờ chứng minh sự hợp tác giữa mình và phía Công ty Bio Huma Netics, thế nhưng nếu bất cứ ai có theo dõi vụ việc, sẽ thấy được ngay từ đầu đại diện phía cơ quan 389/QG và ông Trần Hùng đã “cố tình làm khó” Thuận Phong, khi mà mọi luồng thông tin gây bất ổn cho Thuận Phong đều bắt nguồn từ đây.

Đồng Nai: Công ty phân bón Thuận Phong lại tiếp tục bị vu oan - Ảnh 2

Thì Thuận Phong lại tiếp tục bị “dồn” khi Văn phòng 389/QG, ông Trần Hùng và một số bộ ngành đang bằng mọi giá kết luận doanh nghiệp sản xuất vỏ chai giả

 

Việc Đại diện Văn phòng BCĐ 389/QG, ông Trần Hùng liên tục bảo vệ quan điểm đã được chứng minh không hề có cơ sở của mình, đưa thông tin quá sớm cho các đơn vị báo chí để đưa luồng thông tin một chiều. Khẳng định nhanh chóng việc Thuận Phong sản xuất kinh doanh hàng giả để yêu cầu Cục QLTT kiểm tra, xử lý phân bón hiệu Bio Huma Netics khi chưa hề có một kết luận chính thức nào của các cơ quan chức năng. Sau đó, ông Trần Hùng lại cùng một số bộ ngành tạo sự đồng thuận để bác bỏ mọi kết quả điều tra của các cơ quan điều tra tỉnh Đồng Nai và Bộ Công an khiến vụ việc kéo dài gây hậu quả nghiêm trọng cho doanh nghiệp, lãng phí quá lớn về thời gian công tác, chi phí ngân sách nhà nước, gây suy giảm niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và một bộ phận lớn dư luận trong cả nước suốt hơn 01 năm qua.

Hiện nay, mặc dù doanh nghiệp đã chấp hành xong Quyết định xử phạt hành chính (sau khi kết luận không khởi tố vụ án hình sự của cơ quan điều tra Bộ Công an), nhà máy đã mở niêm phong, nhưng doanh nghiệp này vẫn thường xuyên tiếp tục phải làm việc với cơ quan cảnh sát điều tra về nội dung giả thương hiệu phân bón của BHN. Đại diện Văn phòng 389/QG, ông Trần Hùng và một số bộ ngành, sau khi không chứng minh được cáo buộc doanh nghiệp sản xuất phân bón giả, lại tiếp tục tìm mọi cách bác bỏ sự thật này, nhằm bằng mọi giá kết luận doanh nghiệp sản xuất vỏ chai giả (giả chai phân bón 1lít), với lập luận chưa đủ cơ sở pháp lý, thiếu cơ sở luận chứng khoa học thực tiễn và không chứng minh được đối tượng giả bởi vì Chủ sở hữu thương hiệu BHN đã có Hợp đồng và văn bản cho phép Thuận Phong sử dụng logo trong việc sản xuất chai nhựa 1 đến 5 lít làm tại Việt Nam, nhằm giảm chi phí giá thành để tiết kiệm cho bà con nông dân sử dụng phân bón.

Các hành vi trên của ông Trần Hùng đã vi phạm Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính Phủ về việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 để xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và trở thành động lực của nền kinh tế; tại điểm i, khoản 2, mục I, nêu rõ nguyên tắc: “Không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật”.

Trong khi, các loại phân bón nhập khẩu của BHN từ Hoa Kỳ được cty Thuận Phong nhập về là phân bón sinh học có nguồn gốc tự nhiên mang lại hiệu quả rất cao cho cây trồng, đang rất được nhà nước khuyến khích sử dụng, an toàn cho con người và thân thiện với môi trường sống. Các loại phân bón do Thuận Phong sản xuất đang được bà con nông dân rất ưa chuộng thông qua gần 200 Phiếu khảo sát thực tế, đại đa số đều đánh giá chất lượng ở các mức: khá, tốt và rất tốt.

Để rồi hệ quả của vụ việc vừa qua, đã đi ngược lại niềm tin, quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp cùng người lao động của Thuận Phong nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp, dư luận Việt Nam nói chung; đã đẩy doanh nghiệp tới bước đường cùng, gây vỡ nợ, công nhân mất việc làm, hoàn cảnh gia đình của họ vô cùng khó khăn, bi đát.

Câu hỏi được đặt ra, tại sao ông Trần Hùng, Đại diện 389/QG lại hết lần này đến lần khác tìm mọi cách để ép chết Thuận Phong, hết làm phân bón giả rồi vỏ chai giả mà không đưa ra được một cáo buộc nào có lập luận pháp lý. Phải chăng, ở đây có lợi ích nhóm ?.

Nhóm PVMĐ

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục