Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Cần 1.300 tỷ đồng để sắm đoàn tàu cho dự án

(Kinhdoanhnet) - Để thực hiện trọn gói thầu thì phải mua sắm đoàn tàu cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông trên 1.300 tỷ đồng (63 triệu USD).

Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết: cho đến nay, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang bị chậm tiến độ phê duyệt cuối cùng 2 tháng, đội” vốn lên 868,06 triệu USD (tăng 315,18 triệu USD) so với tổng mức đầu tư ban đầu.

Lý giải nguyên nhân về việc đội vốn, đại diện Ban quản lý dự án đường sắt cho hay, việc xây dựng nhà ga từ 2 tầng lên 3 tầng; bổ sung hạng mục depot; mở rộng đường tránh Quốc lộ 6, thay đổi vỏ tàu sang inox để không phải sơn, đào tạo chuyển giao công nghệ, thay đổi phương án lắp dầm, dự án triển khai chậm chi phí mặt bằng tăng, trượt giá giữa đồng Nhân dân tệ và đồng USD…

Liên quan đến nguồn vốn chờ vay từ phía Trung Quốc để bù lỗ vào phần đội vốn, ĐBQH Bùi Thị An đánh giá: trước thông tin, tổng đầu tư dự kiến giá trị điều chỉnh là 868,06 triệu USD (tăng 315,18 triệu USD) so với tổng mức đầu tư ban đầu. Thậm chí, lãnh đạo Bộ cũng đang phải làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Eximbank Trung Quốc để vay vốn bổ sung, nhưng phải chờ, bà An khẳng định:

Thứ nhất, phải xác nhận đội vốn có chuẩn xác không, cái này có cơ quan thẩm định giá của nhà nước phải làm.

Thứ hai, đội vốn có đúng không, tìm nguồn vốn ở đâu? Cam kết ban đầu về sản phẩm, chất lượng, đề nghị đội vốn lên thì phải có cơ quan thẩm định giá của nhà nước xem có đúng không, không đúng thì sẽ thế nào?".

Cũng liên quan đến dự án này, ngày 19/4, Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT), cho biết để thực hiện trọn gói thầu thì phải mua sắm đoàn tàu cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông trên 1.300 tỷ đồng (63 triệu USD).

Trong quá trình thẩm định, phê duyệt, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải về điều chỉnh hạng mục đoàn tàu, thiết bị nhập khẩu của hợp đồng EPC (hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) thực hiện trên đơn giá theo giá hợp đồng đã được Chính phủ chấp thuận.

Liên quan đến chi phí bảo hiểm, vận chuyển đoàn tàu về tới chân công trình tạm tính theo dự toán là gần 4 triệu USD sẽ được chủ đầu tư phê duyệt, theo Cục quản lý chất lượng công trình xây dựng là phù hợp với quy định hiện hành. Trước đó, Ban Quản lý dự án đường sắt đã có tờ trình gửi Bộ Giao thông Vận tải xin phê duyệt dự toán mua sắm đoàn tàu, trong đó đưa ra kịch bản 2 phương án: 

- Phương án 1 dựa trên cơ sở so sánh, xem xét giá trị đoàn tàu do Tổng thầu lập dự toán, giá trị thẩm tra của Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), giá trị dự toán sau khi đã sửa các sai sót và xác định lại tỷ giá là 63,2 triệu USD (giá trị trọn gói, đoàn tàu đến chân công trình). 

- Phương án 2 tạm duyệt giá trị dự toán đoàn tàu trên cơ sở tổng mức đầu tư với giá trị là 51,7 triệu USD bao gồm chi phí mua sắm đoàn tàu hơn 47 triệu USD và chi phí dự phòng là 4,7 triệu USD.

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2015, tuyến đường sắt đô thị thí điểm đầu tiên của Hà Nội phải cơ bản xong phần hạ tầng, có một số đoàn tàu hoạt động thử để đến tháng 3/2016 dự án sẽ hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động.

Minh Anh (Th)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục