Đường dây “ăn đất” ở TP. Hải Dương liên quan đến 2 quan chức: Không thể để bị chìm xuống!

(Kinhdoanhnet) - Gần một năm qua, với ý thức trách nhiệm của người làm báo đối với công tác xây dựng Đảng theo tinh thần của Nghị quyết TW4, sau loạt bài vạch trần chân tướng trùm tín dụng đen ở TP. Hải Dương, được sự cổ vũ và tiếp sức của đông đảo cán bộ, nhân dân tại thành phố Hải Dương, nhóm phóng viên Báo Kinh doanh & Pháp luật tiếp tục phát hiện và làm rõ đường dây ăn đất ở địa phương này.

Điều mà người dân TP. Hải Dương quan tâm và yêu cầu phải làm rõ và xử lý nghiêm là sự móc nối rất chặt chẽ như “môi với răng” giữa một đối tượng ngoài xã hội là trùm tín dụng đen Phạm Thị Hương, một giáo viên bỏ nghề, hiện trú tại 12 phố Bắc Sơn, TP. Hải Dương với một số cán bộ có chức quyền đương nhiệm trong các cơ quan công quyền ở tỉnh Hải Dương, để rồi “cả hai cùng có lợi”. Trùm tín dụng đen Phạm Thị Hương hiện sở hữu khối tài sản khổng lồ trị giá hàng trăm tỉ đồng, hàng chục căn nhà và lô đất. Còn các công chức có hành vi tiếp tay cho Phạm Thị Hương, họ cũng không hề kém cạnh. Khối tài sản “khủng” của gia đình họ gồm nhà và đất do họ trực tiếp đứng tên hoặc con cái đứng tên nhằm tránh phải đụng đến việc phải kê khai tài sản. Nhưng dư luận từng chỉ ra rằng; “Bàn tay không thể che nổi mặt trời”. Dù thủ đoạn của họ có gian manh đến đâu cũng không thể che mắt được thiên hạ. 

Đường dây “ăn đất” ở TP. Hải Dương liên quan đến 2 quan chức: Không thể để bị chìm xuống! - Ảnh 1
Lô biệt thự tại khu biệt thự cao cấp tại một dự án, TP Hải Dương

Các tài liệu, chứng cứ mà nhóm phóng viên báo Kinh doanh & Pháp luật đã dày công thu thập được đã minh chứng cho điều đó. Một trong những vụ việc động trời gây xôn xao dư luận trong và ngoài tỉnh Hải Dương là những khuất tất cần phải làm rõ vụ cô Nguyễn Thị Phương Thảo, con gái ông Nguyễn Anh Cương, hiện đang đảm nhận cương vị: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương mới ở tuổi 23, vừa về nhận công tác tại Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương trong một thời gian ngắn đã ký đứng tên mua liền 7 lô đất biệt thự, tại các khu đô thị “vàng” ở TP. Hải Dương với cái giá mà thiên hạ thường vẫn gọi là “giá bèo”. Điều khuất tất tiếp theo mà nhóm phóng viên Báo Kinh doanh & Pháp luật hiện đang có trong tay là trong rất nhiều hóa đơn, chứng từ đều có những động thái rất lạ, dấu đầu hở đuôi rằng: Người đứng tên mua đất là Nguyễn Thị Phương Thảo (con gái ông Cương); song ở phần thanh toán tiền lại mang tên: Phạm Thị Hương (trùm tín dụng đen). Sự việc ấy nói lên điều gì; thưa bạn đọc?

Dư luận đặt câu hỏi: Vậy cô con gái ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, một người mới qua cái tuổi 23, mới chỉ là nhân viên Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương mà một lúc ký mua tới 7 lô đất biệt thự tại các khu đất vàng ở Thành phố Hải Dương, trong lúc hàng vạn người dân Hải Dương vẫn đang phải đối mặt với bao khó khăn về nơi ăn, chốn ở thì cô lấy ở đâu ra nhiều tiền để ôm 7 lô đất biệt thự. Nếu không phải là con gái của ông Phó Chủ tịch tỉnh thì liệu cô có thể mua được khối tài sản khủng như thế không, trong khi thu nhập của cô chỉ dừng lại mức vài triệu đồng/tháng? Ngoài 7 lô đất biệt thự mà cô Nguyễn Thị Phương Thảo đã ký mua và đã hoàn tất thủ tục chứng từ, dư luận ở TP. Hải Dương còn cho rằng, bố con ông Nguyễn Anh Cương hiện còn đang sở hữu những căn nhà sang trọng khác ở thành phố Hải Dương.

Câu chuyện về con gái ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, ngay từ lúc 23 tuổi đã sở hữu 7 lô đất chưa kịp lắng thì trong những ngày về công tác ở TP. Hải Dương, nhóm PV Báo Kinh doanh & Pháp luật lại được những người dân nơi đây kể cho nghe một câu chuyện mà những người làm báo chúng tôi cho rằng; lại một chuyện lạ nữa ở miền đất xứ Đông. Đó là một cụ già ở vào thời điểm “gần đất, xa trời” bỗng dưng được ký tên vào hồ sơ mua tới 5 lô đất biệt thự ở dự án đô thị tại thành phố Hải Dương. Cụ già mà chúng tôi đề cập đến là cụ Bùi Huy Sùng, sinh năm 1934, có hộ khẩu thường trú tại 45 Ngân Sơn, phường Trần Phú, TP. Hải Dương và là bố đẻ ông Bùi Đình Hoan, là Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hải Dương.

Người dân ở thành phố xứ Đông kể rằng cả đời cụ Bùi Huy Sùng từ lúc sinh thời cho đến khi cụ trút hơi thở cuối cùng vào ngày 22-10-2010 không một ngày sống bằng nghề kinh doanh bất động sản. Từ một người hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh, những năm cuối đời, cụ Bùi Văn Sùng dành sự đam mê cho những món đồ cổ. Chuyện đó xem ra ở TP. Hải Dương, nhiều người đều biết. Cụ sống hiền lành và chất phát được nhiều người quý trọng. Vậy mà chỉ cách cái ngày cụ ra đi để về cõi vĩnh hằng chừng hơn 1 tháng, người ta thấy hiện diện chữ ký của cụ Bùi Huy Sùng ở các hồ sơ mua 5 lô đất biệt thự  ở 2 khu đô thị tại TP. Hải Dương. Sau khi cụ Bùi Huy Sùng qua đời, ngày 24-3-2011, năm lô đất biệt thự đứng tên cụ được chuyển giao và sang tên cho người con trai là ông Bùi Đình Hoan – Phó Giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương.

Chỉ thị số 33-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản đã nêu rõ: kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản là giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng. Chỉ thị số 33 của Bộ Chính trị cũng khẳng định: Xử lý nghiêm những cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân chậm tổ chức kê khai, không kê khai, kê khai không trung thực, không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng thêm… Còn trong Thông tư số 08/2013/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn việc thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập đã chỉ rõ nhóm đối tượng thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có những người giữ chức vụ hoặc hưởng phụ cấp chức vụ tương đương từ Phó Trưởng phòng của UBND huyện trở lên…

Như vậy, theo các văn bản này, lẽ đương nhiên ông Bùi Đình Hoan phải có trách nhiệm kê khai các tài sản nói trên. Còn việc ông có kê khai hay không, nội dung kê khai ra sao, rất mong các cơ quan có trách nhiệm ở tỉnh Hải Dương làm rõ. Cùng với điều đó, dư luận ở Hải Dương cũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần sớm làm sáng tỏ vì sao cụ Bùi Huy Sùng (bố đẻ của ông Bùi Đình Hoan) gần đến ngày ra đi về với tổ tiên, một người không kinh doanh bất động sản và chỉ có thú vui chơi đồ cổ, vậy mà ai đó đã đưa cụ vào ma trận trong đường dây “ăn đất” ở TP. Hải Dương?. Nhất là khi như nhiều người dân ở TP. Hải Dương nói! Bà Phạm Thị Hương - Trùm tín dụng đen lại có quan hệ khá thân thiết với ông Bùi Đình Hoan!

Sau khi đã thu thập được đầy đủ các tài liệu và chứng cứ xác đáng, Báo Kinh doanh & Pháp luật đã làm văn bản gửi lãnh đạo Tổng thanh tra Chính phủ về những vụ việc nổi cộm nói trên. Điều đáng mừng là Tổng thanh tra Chính phủ ông Huỳnh Phong Tranh đã cử đồng chí Cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cùng một số chuyên viên đang công tác tại cục đến làm việc với Ban biên tập Báo Kinh doanh & Pháp luật để nắm bắt thêm thông tin xung quanh các vụ việc này. Sau đó, ngày 7-10-2014, đồng chí Trần Đức Lượng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đã ký văn bản số 2398/TTCP-C.IV gửi Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, đồng gửi Báo Kinh doanh & Pháp luật “Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và quy định pháp luật hiện hành 3 vụ việc mà Báo Kinh doanh & Pháp luật đã đề cập.”

Văn bản này viết: “Thanh tra Chính phủ nhận được Công văn số 72/CV/BKD&PL ngày 06/8/2014 của Báo Kinh doanh và Pháp luật, trong đó đã phản ánh có một đường dây với sự câu kết và có dấu hiệu tiếp tay của một số quan chức của tỉnh Hải Dương với “trùm tín dụng đen” Phạm Thị Hương và đề nghị làm rõ:

Tài sản là đất của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, sinh năm 1985, công tác tại Văn phòng HĐND tỉnh Hải Dương (con gái ông Nguyễn Anh Cương -  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương), sở hữu 7 lô đất biệt thự với giá trị lớn được mua từ năm 2008 đến năm 2011;

Tài sản là đất của ông Bùi Đình Hoan - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hải Dương, trong đó có 5 lô đất biệt thự do bố đẻ (là ông Bùi Huy Sùng sinh năm 1934) gần đến ngày mất đã mua và sau khi mất đã chuyển cho ông Bùi Đình Hoan trong năm 2011;

Việc chuyển mục đích sử dụng 2397 m2 đất thành đất ở (nằm trên tuyến đường đôi Hồng Quang kéo dài thuộc khu 10, phường Bình Tân, thành phố Hải Dương) cho bà Phạm Thị Hương – trùm tín dụng đen ở thành phố Hải Dương, chưa tuân thủ đầy đủ các điều kiện pháp luật quy định (trong đó chữ ký tại nhiều văn bản liên quan đến thủ tục nhằm hợp pháp hóa quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất, là chữ ký có dấu hiệu giả mạo của người khác ký thay bà Hương).

Thanh tra Chính phủ đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và quy định pháp luật hiện hành 3 nội dung trên; trả lời công luận (Báo Kinh doanh và Pháp luật; người dân thành phố Hải Dương); báo cáo kết quả về Thanh tra Chính phủ.”

Nội dung văn bản của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đã rõ ràng là thế, vậy mà gần một năm trôi đi xem ra mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ và có nguy cơ bị chìm xuồng; nhất là khi việc chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng bộ ở các tỉnh, thành phố lại đang đến gần.

Phát biểu trong phiên họp bế mại Hội nghị lần thứ XI Ban chấp hành Trung ương Khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh “Kiên quyết không để lọt vào Ban chấp hành TƯ những người có một trong các khuyết điểm, như: Bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng, có biểu hiện cơ hội chính trị, nói và làm trái Cương lĩnh, đường lối, nguyên tắc của Đảng; tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm, không dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình; để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng, tham nhũng, tiêu cực lớn ở địa phương, đơn vị…”. Những người "không chịu nghiên cứu học hỏi, bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm; ý thức kỷ luật kém, không chấp hành sự điều động, phân công của tổ chức; kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân và vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính; có vấn đề về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay"

Còn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, phát biểu tại lễ kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam vào tối ngày 21/6/2015 đã nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ quan trọng của báo chí năm 2015 là tuyên truyền Đại hội Đảng các cấp tiến tới ĐH Đảng toàn quốc lần thứ 12. Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu báo chí: "góp phần phát hiện, ngăn chặn những người có bản lĩnh chính trị không vững vàng, có biểu hiện cơ hội chính trị, nói và làm trái với cương lĩnh, đường lối, nguyên tắc của Đảng, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, bè phái, lợi ích nhóm, mị dân, chuyên quyền, độc đoán, trù dập người đấu tranh phê bình, để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng, tham nhũng tiêu cực lớn ở địa phương, đơn vị, nói không đi đôi với làm, kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh mà không giải trình rõ được nguồn gốc, bản thân và vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính, lọt vào cấp ủy các cấp".

Từ những phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thiết nghĩ đường dây "ăn đất" mà nhóm phóng viên Báo KD&PL đã dầy công thu thập có liên quan đến 2 quan chức ở tỉnh Hải Dương cần phải được điều tra làm rõ và không thể để bị chìm xuồng.

Nhóm PVĐT

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục