Không bắt buộc đổi giấy phép lái xe

(Kinhdoanhnet) - Bộ Tư pháp cho rằng quy định về việc bắt buộc đổi giấy phép lái xe (GPLX) giấy sang thẻ nhựa là không có căn cứ, miễn là giấy phép lái xe còn hiệu lực và đảm bảo yêu cầu.

Ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), vừa ký văn bản kết luận việc kiểm tra Thông tư số 58/2015/TT-BGTVT ngày 20.10.2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ.

Không bắt buộc đổi giấy phép lái xe - Ảnh 1
Người dân chỉ phải đổi giấy phép lái xe bìa giấy sang thẻ PET khi hết hạn. Ảnh minh họa: Thanh niên

Theo kết luận này, nội dung điều 57 của Thông tư 58 quy định về lộ trình chuyển đổi GPLX sang vật liệu PET (nhựa cứng) của Bộ GTVT không phù hợp với pháp luật hiện hành. Không chỉ thế, việc GPLX không thời hạn hoặc đang còn thời hạn sử dụng bằng giấy bìa bị bắt buộc phải chuyển đổi sang GPLX mới bằng vật liệu PET còn làm phát sinh thủ tục hành chính, chi phí. Cụ thể, theo quy định của Bộ Tài chính, mức lệ phí cấp GPLX cơ giới công nghệ mới (bao gồm cả cấp mới và cấp lại) là 135.000 đồng/lần. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Về pháp lý, trong thời gian có giá trị của giấy phép (không thời hạn hoặc còn thời hạn sử dụng), quyền sở hữu, sử dụng giấy phép của người có giấy phép lái xe phải được pháp luật bảo đảm. Việc chuyển đổi các giấy phép lái xe không thời hạn hoặc đang còn thời hạn sử dụng sang vật liệu mới, có thu lệ phí cần được xem là quyền của người dân và được thực hiện khi người dân có nhu cầu.

Cục kiểm tra VBQPPL cũng cho rằng không có căn cứ để xác định hành vi không chuyển đổi giấy phép bằng vật liệu giấy bìa (không thời hạn hoặc còn thời hạn sử dụng) sang vật liệu PET là vi phạm nên việc đặt ra các “chế tài” hay bắt buộc “phải sát hạch lại lý thuyết” để cấp lại giấy phép như quy định trong thông tư 58 là không có căn cứ và không bảo đảm tính hợp pháp.

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đề nghị Bộ GTVT tổ chức xem xét, xử lý bãi bỏ ngay nội dung quy định trái pháp luật tại điều 57 và rà soát quá trình thực hiện quy định này để có biện pháp khắc phục hậu quả do việc thực hiện các quy định trái pháp luật gây ra (nếu có) và xem xét, xử lý trách nhiệm với tập thể, cá nhân đã tham mưu ban hành văn bản này. 

Thu Hà (TH theo Tuổi trẻ, Thanh niên, Vnexpress)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục