Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, văn bản thực thi CPTPP

Sáng 6/6, sau khi trình bày báo cáo cập nhật tình hình kinh tế-xã hội 5 tháng và giải trình một số vấn đề, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã trả lời chất vấn của ĐBQH.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, văn bản thực thi CPTPP - Ảnh 1
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Sáng 6/6, sau khi trình bày báo cáo cập nhật tình hình kinh tế-xã hội 5 tháng và giải trình một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước quan tâm, chất vấn, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội liên quan đến các nội dung về: ngoại giao văn hóa góp phần quảng bá du lịch; giải pháp thúc đẩy du lịch phát triển bền vững; hành động của Việt Nam trước căng thẳng thương mại Mỹ - Trung; phát huy các cơ hội trong triển khai các hiệp định thương mại tự do...

*Quảng bá văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế

Đề cập vấn đề ngoại giao văn hóa như một trong ba lĩnh vực ngoại giao quan trọng, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) nêu chất vấn: "Thời gian tới, Chính phủ có giải pháp gì để đẩy mạnh ngoại giao văn hóa, góp phần phát triển du lịch Việt Nam bằng Thái Lan, Malaysia, Singapore?"

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, văn bản thực thi CPTPP - Ảnh 2
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hưng chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, hội nhập văn hóa là chủ trương quan trọng bên cạnh hội nhập kinh tế, chính trị. Về ngoại giao văn hóa, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Chiến lược về ngoại giao văn hóa đến năm 2020. Trong đó, tập trung vào việc quảng bá văn hóa Việt thông qua hoạt động của các đoàn công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thường xuyên tổ chức những ngày hội văn hóa Việt Nam ở nước ngoài để quảng bá văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục vận động UNESCO công nhận các di sản văn hóa của Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại, 38 di sản, danh hiệu của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa vật thể, Di sản Văn hóa phi vật thể. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một trong số những nước có nhiều di sản văn hóa được công nhận.

Cùng với đó, nước ta đã tổ chức những hội nghị quốc tế như: APEC 2017, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai 2019 để tăng cường quảng bá nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam với bạn bè quốc tế. Hiện tại, các đại sứ quán, văn phòng lãnh sự, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cũng đang nỗ lực để quảng bá du lịch Việt Nam, huy động tối đa các nguồn xã hội hóa để triển khai.

*Xây dựng biện pháp, đảm bảo nền kinh tế tiếp tục phát triển

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) về thái độ ứng xử và hành động của Việt Nam trước việc cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung ngày một khắc nghiệt, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, đây là quan tâm không chỉ của Việt Nam mà còn của tất cả các nước trên thế giới, bởi ảnh hưởng của cuộc cạnh tranh này có những ảnh hưởng mạnh mẽ tới kinh tế thế giới.

Phó Thủ tướng cho biết, các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá, nếu cuộc chiến này tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hướng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu (đang tăng từ 3,5% xuống còn 3,2%). Đối với một nền kinh tế có độ mở rất lớn như Việt Nam, bất cứ một tác động nào của kinh tế, thương mại thế giới cũng sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế. Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, thành lập Ban Chỉ đạo để ứng phó với vấn đề này.

Về ngắn hạn, cạnh tranh hiện nay có thể đẩy mạnh sản phẩm xuất khẩu của chúng ta, nhưng dài hạn sẽ có những tác động đáng kể. Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta đã xây dựng nhiều kịch bản, đề án và biện pháp cần thiết để đảm bảo nền kinh tế của Việt Nam tiếp tục phát triển, kiềm chế lạm phát, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Tình hình hiện nay cũng đang mở ra xu hướng chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam, vì thế cần có chọn lọc đầu tư, lựa chọn chất lượng, bảo vệ môi trường.

*Nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam

Trả lời chất vấn của đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai) về giải pháp phát huy hiệu quả từ các cơ hội to lớn của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại, nhất là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để bảo vệ quyền, lợi ích dân tộc, đất nước, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã thông qua phê chuẩn Hiệp định CPTPP, Việt Nam tham gia Hiệp định cùng với 11 thành viên. Ngay từ khi Hiệp định có hiệu lực với Việt Nam ngày 14/1/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định để thực hiện CPTPP, trong đó xác định nhiệm vụ triển khai các cam kết hiệp định này và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện kế hoạch hành động thực hiện Hiệp định.

"Đến nay, 21 bộ, ngành và 54 địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện CPTPP. Chính phủ đang xây dựng, sửa đổi bổ sung 8 luật có liên quan đến việc thực hiện của chúng ta trong cam kết Hiệp định CPTPP, 4 nghị định quy định chi tiết việc thực hiện một số điều của Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu trí tuệ, Quản lý ngoại thương và an toàn thực phẩm. Bước đầu, trong 4-5 tháng việc thực hiện CPTPP, thương mại của chúng ta với một số nước là thành viên của CPTPP đã tăng lên so với cùng kỳ năm ngoái. Ví dụ, đối với Canada tăng trên 70%, Mexico trên 80%...Điều đó cho thấy, CPTPP đã bắt đầu phát huy tác dụng. Và quan trọng là các doanh nghiệp của chúng ta phải tận dụng được cơ hộ của hiệp định thương mại tự do này để thúc đảy xuất nhập khẩu đối với các thị trường mà cùng chúng ta tham gia CPTPP", Phó Thủ tướng cho biết.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng nêu rõ một số vướng mắc trong thực hiện các FTA. Trước hết, do đây là FTA thế hệ mới, có các tiêu chuẩn cao; ngay cả trong lĩnh vực dệt may - lĩnh vực Việt Nam có nhiều thế mạnh thì cũng có quy định rất chặt chẽ về xuất xứ hàng hóa. Muốn tận dụng về thuế giảm về không hoặc thấp của ngành dệt may, Việt Nam phải bảo đảm xuất xứ hàng hóa. Đây cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp của Việt Nam. Phó Thủ tướng nhận định, Việt Nam đang phải đối phó với hàng hóa nước ngoài gian lận xuất xứ để hưởng các ưu đãi của các FTA, trong đó có CPTPP. Cùng với đó, tranh chấp về đầu tư trong các FTA thế hệ mới, nhất là CPTPP, có những điều khoản cho phép doanh nghiệp đầu tư khởi kiện Chính phủ. Đây là một thách thức, đòi hỏi phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

Trong điều kiện đó, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ tiếp tục đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý, các văn bản thực thi CPTPP; nâng cao hiệu quả tuyên truyền các cam kết. Điều này rất quan trọng, doanh nghiệp cần hiểu rõ những thuận lợi và thách thức trong thực hiện các hiệp định, đặc biệt là thực thi các cam kết của CPTPP.

Khi CPTPP có hiệu lực, khoảng 66 mặt hàng của Việt Nam có mức thuế giảm xuống còn 0%. Đây cũng là thách thức khi hàng hóa nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Điều này đòi hỏi việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.

*ODA giải ngân chậm

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) về nguyên nhân nguồn vốn ODA không được phân bổ hợp lý, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhận định có hai nguyên nhân chính.

Thứ nhất là yêu cầu đối ứng của các nhà cung cấp. Khi vay các nguồn vốn ODA, các cung cấp đều yêu cầu phải có nguồn vốn đối ứng để giải quyết những vấn đề liên quan đến mặt bằng sạch. Trong quá trình triển khai, các địa phương cũng có cam kết về vốn đối ứng. Tuy nhiên, khi thực hiện, tình trạng giải ngân nguồn vốn bị chậm do lập kế hoạch chưa sát.

Nguyên nhân thứ hai là do tính chất và tiến trình của các dự án về nguồn vốn ODA khác nhau. Có dự án được giải ngân nhanh, có dự án nguồn tiền rót về chậm, cùng với việc lập kế hoạch của Việt Nam không tốt, dẫn đến tình trạng phân bổ chưa hợp lý trong các giai đoạn, nhất là với ODA để thực hiện các dự án hạ tầng giao thông.

Trong giai đoạn vừa qua, có tới 50% vốn ODA là dành cho các dự án giao thông. Năng lực của Ban Quản lý dự án thường không đáp ứng. Đó là còn chưa kể khó khăn vướng mắc lớn nhất với các dự án xây dựng là giải phóng mặt bằng. Do đó, các dự án sử dụng vốn ODA bị giảm hiệu quả vì kéo dài thời gian, biến động tỷ giá.

*Yêu cầu sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) bày tỏ sự lo lắng về các nước thượng nguồn sông Mekong chặn nước làm thuỷ điện, khiến Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nguồn nước ngọt.

Trả lời về vấn đề này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, thực tế, Việt Nam nằm ở khu vực hạ lưu sông Mekong nên phụ thuộc phần lớn vào nguồn nước từ bên ngoài đổ về. Trong Ủy hội Mekong quốc tế, có yêu cầu cụ thể là các dự án thủy điện chính trên dòng sông cần có thỏa thuận của các thành viên trong Ủy hội.

Theo đó, các dự án thủy điện trên dòng chính của sông đều được tham khảo ý kiến của Việt Nam bởi chúng ta chịu ảnh hưởng lớn nhất của việc này. Trong các dự án này, Việt Nam luôn yêu cầu để ý tới các tác động môi trường, tác động dòng nước trên dòng sông Mekong. Với Trung Quốc, Việt Nam tham gia trong nhóm hợp tác Mekong - Lan Thương. Việt Nam cũng đưa vào yêu cầu sử dụng bền vững nguồn nước của sông, yêu cầu các nước thượng nguồn xả nước để tăng lưu lượng nước về sông Mekong.

*Giáo dục ngư dân tôn trọng luật pháp quốc tế

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, văn bản thực thi CPTPP - Ảnh 3
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) về vấn đề ngư dân bị bắt tại vùng biển chưa phân định, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định vấn đề bảo hộ công dân, ngư dân là hết sức quan trọng, được Đảng, Chính phủ rất quan tâm.

Trong thời gian qua, có nhiều vụ việc người Việt bị bắt giữ ở các vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chúng ta sẽ đấu tranh hết sức, nếu nước ngoài bắt giữ ngư dân ở những vùng biển hợp pháp, có chủ quyền của ta.

Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp như này xảy ra và Chính phủ luôn hết mình đấu tranh đòi thả người, đối xử nhân đạo với ngư dân bị bắt và đòi bồi thường cho ngư dân. Vừa qua, một số ngư dân bị bắt giữ ở vùng biển chưa được phân định, đặc biệt là vùng biển giữa Việt Nam và Indonesia. Năm 2013, Việt Nam và Indonesia đã phân biệt thềm lục địa nhưng chưa phân biệt vùng đặc quyền kinh tế trên biển, do đó có sự tranh chấp trong vùng đánh cá này. Có một số vụ việc còn xảy ra va chạm.

Với trường hợp này, Chính phủ bảo hộ thông qua biện pháp thăm nhân đạo, yêu cầu thả ngư dân, đối xử nhân đạo; đồng thời cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục ngư dân tôn trọng luật pháp quốc tế, chỉ hoạt động trên những vùng biển hợp pháp của Việt Nam, được các lực lượng như kiểm ngư, cảnh sát biển bảo vệ.

Tại phiên chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Lê Minh Hưng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng...đã tham gia giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu nêu./.

 

Theo TTXVN.

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục