Người dân tố Công ty CP Khai Sơn lừa đảo: Miếng bánh vẽ và cú lừa ngoạn mục!?

(Kinhdoanhnet) - Hàng trăm tỷ đồng đã được hàng trăm khách hàng, người mua đất, mua nhà nộp cho Công ty Cổ phần Khai Sơn thông qua những hợp đồng nguyên tắc, hợp đồng chuyển nhượng... Nhưng suốt từ năm 2007 đến nay những gì họ nhận được chỉ là những lời hứa suông; miếng bánh vẽ - “Khu đô thị Khai Sơn – Thuận Thành” mà Công ty CP Khai Sơn tạo nên giờ đang là những bãi cỏ dại mênh mông dành cho người dân địa phương thả bò. Người dân kêu trời bởi cú lừa ngoạn mục của Khai Sơn đã khiến họ tiền mất, tật mang.

Miếng bánh vẽ không hoàn hảo!

Người dân tố Công ty CP Khai Sơn lừa đảo: Miếng bánh vẽ và cú lừa ngoạn mục!? - Ảnh 1
Phối cảnh dự án Khai Sơn - Thuận Thành

Trước cơn sốt của thị trường bất động sản vào những năm 2005, Công ty Cổ phần Khai Sơn (phòng 15.05, tầng 15 tòa nhà Plaschem Tower, số 562 Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội) do ông Trần Quang Khai làm Tổng giám đốc đã vẽ lên một bức tranh hoàn hảo từ dự án có tên gọi: Khu đô thị Khai Sơn – Thuận Thành (xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh). 

Bằng hàng loạt những chiêu trò quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng, dự án này được Công ty CP Khai Sơn giới thiệu một cách mỹ miều: “Bạn muốn nâng cao chất lượng cuộc sống? Bạn muốn hòa đồng với thiên nhiên và thưởng ngoạn cuộc sống như thần tiên vùng thành cổ Luy Lâu xứ Kinh Bắc?! Chỉ với số tiền trên 1 tỷ VNĐ và trả góp trong vòng 12 tháng, bạn đã có thể sở hữu một căn biệt thự đẹp như trong mộng chỉ cách Hồ Gươm chưa đầy 15km. Chúng tôi sẽ giúp bạn hoàn thành tâm nguyện lớn lao và cháy bỏng đó!”. Từ những lời quảng cáo đầy hoa mỹ đó là phối cảnh của 32 căn biệt thự đơn lập và 80 căn biệt thự song lập được phân lô rõ ràng, bố trí bao quanh là bể bơi, sân tennis…

Theo tiếng mời gọi của Công ty CP Khai Sơn, hàng loạt khách hàng đã tìm đến ký kết hợp đồng mong sao sớm được sở hữu những căn biệt thự như vậy, hoặc chí ít cũng có được lô đất để xây nhà ở, sinh sống ổn định. Nhưng trải qua nhiều năm ròng rã chờ đợi mỏi mòn, người ít thì nộp cả tỷ bạc đến nay vẫn chỉ nhận được mớ giấy lộn có dấu đỏ của Công ty CP Khai Sơn. 

Bà Nguyễn Thu Hằng (phố Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cùng cùng nhiều khách hàng đại diện gửi đơn thư kêu cứu đến các cơ quan báo chí cho biết: “Thông qua internet, tôi có biết đến dự án Khu đô thị của Công ty CP Khai Sơn, gia đình tôi có dành dụm được một số tiền mua một lô đất 300m2 ở đây. Tôi và Công ty Khai Sơn đã ký hợp đồng nguyên tắc số 102/HĐ – KS để mua lô đất B3b, theo như hợp đồng tôi phải trả tiền 4 lần gồm 1 lần đặt cọc và 3 lần thanh toán với tổng số tiền 882.000.000 đồng (Tám trăm tám mươi hai triệu đồng). Tôi đã thanh toán đầy đủ và đúng theo cam kết hợp đồng nhưng đến nay gia đình tôi chẳng nhận được bất cứ một mét vuông đất nào từ dự án của Công ty Cổ phần Khai Sơn…”. 

Cũng như bà Hằng, ông Nguyễn Minh Chính (Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã nộp hết tiền mua lô đất B34 với giá 1.287.000.000 đồng (Một tỷ hai trăm tám bảy triệu đồng) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự mà không biết phải xử lý như thế nào? 

Trường hợp của ông Doãn Tuấn Minh đã ký hợp đồng chuyển nhượng số 307/HĐ – KS với Công ty CP Khai Sơn mua lô đất A12a và đã nộp 2.300.000.000 đồng (Hai tỷ ba trăm triệu đồng) vào năm 2011. Ông Minh bức xúc: “Vào năm 2011, sau khi nộp hơn hai tỷ đồng để mua đất biệt thự từ dự án của Công ty Cổ phần Khai Sơn, tôi mới phát hiện ra mình bị lừa vì dự án trên không thực hiện được, người dân khu vực xã Xuân Lâm thì phản đối dự án vì cho rằng dự án bất minh. Lúc này tôi có đến Công ty CP Khai Sơn thắc mắc thì ông Trần Quang Khai – Tổng giám đốc công ty nói rằng: Anh cứ nộp hết tiền theo đúng hợp đồng, dự án của chúng tôi chả vướng mắc gì cả, nếu anh không nộp chúng tôi sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng và anh sẽ mất tiền…”.

Từ viễn cảnh về tương lai tươi đẹp, hàng trăm khách hàng đã thỏa thuận, ký hợp đồng và giao nộp tiền cho Công ty cổ phần Khai Sơn nhưng không rõ phía sau Dự án đó là nhiều dấu hiệu của sự khuất tất và đến nay miếng bánh vẽ ấy đang bị đóng băng vô thời hạn.

Bản chất dự án Khu đô thị Khai Sơn!

Qua tìm hiểu của phóng viên, dự án mà Công ty CP Khai Sơn gọi là Dự án Khu đô thị Khai Sơn (xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) thực chất là dự án mang tên: “Khu sản xuất, dịch vụ thương mại, khách sạn, nhà nghỉ và căn hộ cho thuê” theo quyết định số 680/QĐ-CT ngày 18/5/2005 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh ký. 

Người dân tố Công ty CP Khai Sơn lừa đảo: Miếng bánh vẽ và cú lừa ngoạn mục!? - Ảnh 2
Dự án được quảng cáo là khu đô thị với hàng loạt mỹ từ

Dự án trên có quy mô 220.000,0m2 và hứa hẹn sẽ tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương. Như vậy, qua tên gọi gọi của dự án theo như quyết định phê duyệt 680/QĐ – CT của UBND tỉnh Bắc Ninh thì có thể thấy được bản chất của dự án không phải là làm Khu đô thị hay nhà ở như Công ty CP Khai Sơn đã gọi và quảng bá rầm rộ suốt nhiều năm qua. Vậy tại sao Công ty CP Khai Sơn lại dám phân lô bán nền cho hàng trăm người thu số tiền khổng lồ như vậy? Phải chăng Công ty CP Khai Sơn mà người đại diện là ông Trần Quang Khai biết sai nhưng vẫn làm vì lợi nhuận? 

Trở lại với dự án trên, sau khi người dân địa phương biết Công ty CP Khai Sơn biến tướng mục đích sử dụng đất sang thực hiện Khu đô thị và bán cho khách hàng. Hàng trăm người dân địa phương đã làm đơn tố cáo Công ty CP Khai Sơn, quyết liệt phản đối dự án. Có mặt tại Khu dự án trên của Công ty CP Khai Sơn, phía sau cổng chào hoành tráng, chúng tôi tận mắt chứng kiến nhiều căn biệt thự hoang tàn, những bãi cỏ dại mọc um tùm. Một dự án hàng trăm tỷ đồng mà giờ đây chỉ phục vụ cho những đàn bò của người dân địa phương, trong khi đó những khách hàng đã trót rót cả tỷ bạc mua đất, mua nhà ở đây thì nhìn dự án với ánh mắt vô vọng, chua xót.

Theo Luật sư Nguyễn Huy An – Trưởng văn phòng Luật sư Huy An nhận định sự việc, đối với dự án trên của Công ty Cổ phần Khai Sơn thì người dân ở đây chỉ có nguyện vọng mua đất nền làm nhà ở, biệt thự để ở chứ không phục vụ mục đích khác và nội dung những hợp đồng ký kết giữa khách hàng và đại diện Công ty CP Khai Sơn – ông Trần Quang Khai đã thể hiện rõ. 

Đối với dự án trên của Công ty CP Khai Sơn, cái tên đã nói lên bản chất: “Khu sản xuất, dịch vụ thương mại, khách sạn, nhà nghỉ và căn hộ cho thuê” theo quyết định số 680/QĐ-CT ngày 18/5/2005 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh ký. Như vậy ở đây, Công ty CP Khai Sơn phải thực hiện đúng mục đích sử dụng đất theo như phê duyệt của UBND tỉnh Bắc Ninh, nếu thay đổi mục đích thì phải làm thủ tục, hồ sơ pháp lý theo quy định của pháp luật. 

Nếu Công ty CP Khai Sơn không được phê duyệt thực hiện dự án Khu đô thị thì ở đây chỉ có thể là bán vịt trời!? Và căn cứ theo sự việc, quy định của pháp luật Luật sư Nguyễn Huy An nhận định: “Vụ việc trên đối với Công ty Cổ phần Khai Sơn đang có dấu hiếu vi phạm pháp luật, dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 139, Luật hình sự năm 1999 về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản…”.

Video: "Miếng bánh vẽ và cú lừa ngoạn mục của Khai Sơn"


Công Hoàng

Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 500 nghìn đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 500 nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.


 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục