Nhà báo Lưu Vinh - Người 8 lần nhận giải thưởng báo chí quốc gia

(Kinhdoanhnet) - Hò hẹn mãi, tôi mới được anh dành thời gian cho cuộc trò chuyện này, bởi thời gian với anh vô cùng quý giá. Vừa là nhà quản lý, Tổng Biên tập báo Kinh doanh & Pháp luật, vừa là nhà báo “đam mê, tâm huyết” với nghề, nên với anh đi và viết dường như bất cứ khi nào có thể.

PV: Chào anh Lưu Vinh, tôi và nhiều bạn đồng nghiệp đều có chung câu hỏi: Bí quyết nào giúp anh 8 lần đoạt giải thưởng báo chí quốc gia?

Nhà báo Lưu Vinh: Cảm ơn các bạn, kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng VN, 21/6 năm nay, tôi có thêm niềm vui mới, được nhận giải C giải báo chí về đề tài lực lượng vũ trang. Trong số 8 giải báo chí quốc gia mà tôi giành được có 3 lần đạt giải B, 4 lần đạt giải C, 1 lần nhận giải khuyến khích cùng nhiều giải thưởng của Bộ công an, các bộ ngành trung ương và địa phương như giải cuộc thi viết về gương người tốt việc tốt, thi viết về chân dung các doanh nghiệp trong thời kỳ đổi mới, về đề tài an toàn giao thông, giải cuộc thi viết những kỷ niệm về người cha, Giải báo chí Hà Nội trên đường đổi mới…

Nhà báo Lưu Vinh - Người 8 lần nhận giải thưởng báo chí quốc gia - Ảnh 1
Nhà báo Lưu Vinh (trái) cùng đồng nghiệp tại Tượng đài lính Mỹ chết trận ở ngoại ô Washington, Hoa Kỳ

PV: Nghe nói, anh còn là tác giả, chủ biên của bộ sách Doanh nhân Việt Nam nước mắt, nụ cười do Nhà xuất bản GTVT ấn hành?

Nhà báo Lưu Vinh: Đúng như vậy, bộ sách đã ra được 17 tập. Đó có thể coi là sự tổng hợp những kinh nghiệm thương trường của các doanh nhân Việt trong 15 năm gần đây. Thương trường thường được ví như chiến trường, có niềm vui ngọt bùi nhưng cũng thấm đẫm cả đắng cay, có khi phải trả giá bằng cả sự sống.

PV: Cùng với bộ sách này, dường như thơ cũng là cuộc sống của anh?

Nhà báo Lưu Vinh: Tập thơ “Theo dòng thời gian” là tập thơ thứ 5 của tôi vừa ra mắt bạn đọc. Đó là cảm xúc về những năm tháng của tuổi thơ, về quê hương, gia đình, về Mẹ và Em… Đó còn là cảm xúc trong mỗi chuyến đi công tác, trước những niềm vui, nỗi buồn, sự sẻ chia. Nhưng trên hết vẫn là trách nhiệm người cầm bút đối với đất nước. Những cảm xúc khi thì sâu lắng, khi thì mộc mạc, hồn nhiên nhưng tôi đã gửi gắm cả vào đó nỗi niềm vào những nơi mình đã đến và đi qua. Niềm vui và nỗi buồn, tình yêu và khát vọng, sự hy sinh, chia sẻ để rồi quá khứ mãi là những trang đời đáng trân trọng.

PV: Nhân ngày của các nhà báo, anh có thể “bật mí” đôi nét bí quyết thành công trong nghiệp báo của anh?

Nhà báo Lưu Vinh: Tôi không được đào tạo báo chí chuyên nghiệp, nhưng lại có duyên với nghề báo. Nghề báo như các bạn đã biết, không đơn giản và trải đầy hoa hồng như ai đó vẫn nghĩ. Đi và viết, học hỏi, tìm tòi, cất giữ tư liệu, độc lập tác chiến, gian khổ và cả mạo hiểm…. Nếu làm báo thực sự, đam mê với nghề sẽ luôn luôn thiếu thời gian, làm quản lý nên những chuyến đi tác nghiệp ở nước ngoài, đặc biệt là những lần được tháp tùng Thủ tướng hoặc Chủ tịch nước với tôi không có nhiều, nhưng mỗi khi có thể, tôi lại lao vào công việc với niềm say mê, nhiều khi bỏ cả ăn, tranh thủ giờ nghỉ để tìm bằng được một tư liệu nào đó cho bài viết.

PV: Anh có thể cho biết kinh nghiệm để liên tiếp 8 lần đạt giải thưởng báo chí quốc gia?

Nhà báo Lưu Vinh: Cùng với đam mê đi và viết, tôi còn có những đam mê cháy bỏng để có những giải thưởng lớn. Vì vậy mỗi khi có thể tôi đều suy nghĩ tìm đề tài, tìm dữ liệu phục vụ cho các bài viết gửi dự thi. Để có những tác phẩm báo chí chất lượng thu hút được sự chú ý của độc giả, cùng với niềm đam mê nhiệt huyết với nghề, còn phải luôn tìm tòi và sáng tạo trong cách thể hiện. Muốn thế, không thể ngồi một chỗ để nặn ra một bài báo tốt, một đề tài hay và có hiệu ứng xã hội. Muốn vậy phải đi thực tế. Mỗi lần đi cơ sở bao giờ tôi cũng ghi chép tỷ mỉ và cất giữ tư liệu cẩn thận… Để có những tác phẩm báo chí chất lượng thu hút được sự chú ý của độc giả, theo tôi đầu tiên mình phải trăn trở và nhiệt huyết với nghề nghiệp, phải tìm tòi và sáng tạo trong cách thể hiện.

Nhà báo Lưu Vinh - Người 8 lần nhận giải thưởng báo chí quốc gia - Ảnh 2
Nhà báo Lưu Vinh (đứng giữa hàng sau) đang tác nghiệp tại trụ sở Liên hợp quốc, NewYork, Hoa Kỳ

Năm 2010, tôi được trao giải C báo chí quốc gia với loạt bài “Bác Hồ với quyết định chặt một cành sâu để cho cây xanh tốt”. Năm 2011, tai nạn giao thông trở thành vấn đề nhức nhối của cả xã hội, giải pháp có nhiều nhưng tiêu chí văn hóa giao thông được đặt ra với nhu cầu bức thiết. Tôi đã chọn đề tài này để viết và gửi dự thi. Thật bất ngờ, đây là lần thứ 8 tôi lại đạt giải báo chí quốc gia.

PV: Trong số những bài báo đã được giải thưởng, đề tài nào anh cảm thấy tâm đắc nhất, anh có thể kể một vài kỷ niệm trong quá trình viết đề tài ấy?

Nhà báo Lưu Vinh: Trong 8 lần được giải thưởng báo chí quốc gia, có một bài báo mà tôi đã thu thập tài liệu để viết và đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng rất sâu sắc, đó là bài “Dấu ấn Bác Hồ ở Boston”, bài báo đã đăng trên chuyên đề Văn nghệ Công an của báo Công an nhân dân. Tôi cũng không nghĩ cuộc đời làm báo của mình đã được đến nơi mà cách đây một thế kỷ người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã từng sống và làm việc. Đó là khoảng thời gian Bác là thợ làm bánh ở khách sạn House Parker tại thành phố Boston (Hoa Kỳ).

Bây giờ gian bếp này đã trở thành một khu di tích lịch sử dành cho khách tham quan đến từ nhiều nơi trên thế giới. Mặc dù chỉ lưu lại ở khách sạn này gần một tiếng đồng hồ, được trực tiếp đặt chân đến nơi mà vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam đến trong những năm đầu của thế kỷ XX, được nhìn thấy, sờ vào bàn làm bánh mà Bác từng làm bánh, được nghe hướng dẫn viên kể về những năm tháng Bác làm việc nơi đây, tôi cảm thấy mình vô cùng may mắn. Về nước tôi còn phải đến một số nơi để thu thập tài liệu như Bảo tàng Hồ Chí Minh, khu di tích Phủ Chủ tịch để tìm hiểu về quãng thời gian Người sống và làm việc tại đây.

PV: Xin cảm ơn anh. Chúc anh tiếp tục thành công với nghiệp báo mà anh đã chọn.

Nhà báo, Đại tá, nguyên Phó Tổng biên tập báo Công an nhân dân nay là Tổng biên tập Báo Kinh doanh & Pháp luật sinh năm 1952, tại Hưng Hà, Thái Bình. Ngoài các tác phẩm báo chí được đăng tải trên hàng chục tờ báo, anh còn là người biên soạn hàng chục đầu sách: “Hồ Chí Minh con người đẹp nhất”, NXB Hồng Đức; “Theo dấu chân Bác”, NXB GTVT; Đồng chủ biên cuốn: “Những kỷ niệm sâu sắc về Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn”, NXB Công an nhân dân; biên soạn cuốn: “Phan Trọng Tuệ - Vị tướng - Bộ trưởng đức độ tài năng”, NXB GTVT; “Trung tướng Trần Quyết - người cộng sản trung kiên”, NXB Văn hóa thông tin; Chủ biên bộ sách: “Doanh nhân Việt Nam - Nụ cười & Nước mắt”, “Nỗi đau thời hậu chiến”; Chủ biên cuốn: “Huyền thoại cầu Hiền Lương”, NXB GTVT; Chủ biên cuốn: “Nữ doanh nhân thời hội nhập”; “Tình người nơi đất trại”, NXB Hồng Đức; “Những nẻo đường hoàn lương”, NXB Văn hóa thông tin; Tác giả của các cuốn sách: “Những chứng nhân lịch sử”, NXB Công an nhân dân; “Năm lần tháp tùng Thủ tướng”, NXB Văn hóa Thông tin; “Theo vết đường dây đen”, NXB Công an nhân dân; “Tội phạm thời mở cửa”, NXB Tư pháp; “Buôn vàng”, NXB Công an nhân dân; “Gặp gỡ nơi xứ người”, NXB Văn học; “Lệnh truy nã”, NXB Thanh niên; “Mười ngày trên đất Mỹ”, NXB Văn hóa Thông tin; “Thơ và đời”; “Tặng mẹ tặng em” (thơ) NXB Văn học; “Dòng sông nơi em”; “Gặp lại người xưa”: “Theo dòng thời gian” (thơ), NXB GTVT…

Hồ Thu

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục