Nhớ về mùa xuân năm ấy 'Tôi là quân khởi nghĩa'

Có sự kiện lịch sử chỉ diễn ra trong một khoảnh khắc nhất định, nhưng lại góp phần làm nên chiến thắng lớn. Là người lính đã hóa thân vào sự kiện đó, nhân mùa xuân mới, tôi xin kể lại sự kiện này.

Cuối năm 1967, đơn vị chúng tôi được lệnh chuyển trạng thái tập từ đánh bộ binh mặt đất sang đánh nhà tầng công kiên. Cánh lính trẻ chúng tôi đoán non, đoán già, lần này chắc chắn sẽ đánh vào thành phố Huế.

Chiều ngày 28/01/1968, tức 29 Tết, chúng tôi từ thao trường về, đang nấu cơm chuẩn bị ăn tối, thì nhận được lệnh dừng ăn và triển khai ăn Tết ngay trong đêm, tất cả chúng tôi lại võ đoán giờ phút trọng đại đã tới. Ngay đêm hôm đó, chúng tôi bí mật rời căn cứ Bắc Truồi tiến về Sở chỉ huy của Trung đoàn 5, thuộc bộ đội thành Huế. Tại đây, chúng tôi có 2 ngày chuẩn bị bổ sung quân trang, quân dụng, vũ khí thật gọn nhẹ và xem 2 đoàn văn công QK4 và QK Trị Thiên thay nhau biểu diễn úy lạo chiến sỹ.

Nhớ về mùa xuân năm ấy 'Tôi là quân khởi nghĩa' - Ảnh 1
Sơ đồ vẽ tay của trinh sát Phạm Xuân Được cung cấp các mục tiêu cho quân khởi nghĩa đánh vào Huế 1968.

Sáng ngày 30/01/1968, tức ngày mồng 2 Tết âm lịch, cán bộ chiến sỹ đoàn 5 mật hiệu là “công trường 5”, do đồng chí Nguyễn Vạn là Chính ủy trung đoàn trịnh trọng giao nhật lệnh của Quân ủy trung ương (đồng chí Nguyễn Vạn, tức Lê Bốn, tên thật là Phùng Lưu, sinh năm 1916, là chú ruột của nhà văn Phùng Quán, sau Tết Mậu Thân tôi có dịp gặp ông nhiều lần).

Cũng trong buổi sáng hôm đó, đồng chí Nguyễn Vạn đã trao cờ và tuyên bố biệt phái chúng tôi sang làm quân khởi nghĩa thuộc mặt trận liên minh dân tộc, dân chủ và hòa bình thành phố Huế do luật sư Trịnh Đình Thảo và Thượng tọa Thích Tam Ấn lãnh đạo. Lực lượng ra đời nhằm tập hợp nhân sỹ, trí thức, sinh viên, nhà văn, nhà báo, phật tử Huế nổi dậy cùng quân giải phóng giành chính quyền tại thành phố Huế. Nhận lệnh xong, chúng tôi nhanh chóng áp sát xuống bìa rừng để chờ lệnh xuất quân.

Đúng 2h30 thứ tư, ngày 31/01/1968, tức rạng sáng ngày mồng 3 Tết Mậu Thân, quân khởi nghĩa chúng tôi chạy băng rừng theo các lộ tiêu do trinh sát ta cắm sẵn bên đường tiến vào phía Nam thành phố Huế, có sự hỗ trợ của tiểu đội 11 cô gái sông Hương, do chị Phạm Thị Liên làm tiểu đội trưởng (tháng 3/1968, tôi và chị Liên bị thương có nằm điều trị tại thôn Viễn Trình, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Năm 1972, chị hy sinh, được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND và được đặt tên làm đường phố tại Huế).

Khoảng 5h sáng, trời thành Huế còn mù sương, chúng tôi tới cầu An Cựu, sau vài phút kiểm tra kỹ thuật của trinh sát. Thấy an toàn, chúng tôi tiến vào mục tiêu là Sở Cảnh sát công lộ (tức cảnh sát giao thông). Tôi và chính trị viên Nguyễn Văn Mạnh dẫn đoàn vượt hàng rào vào phía trong nội sở, quân ta cũng ùa vào chiếm lĩnh làm chủ hoàn toàn, một số binh sỹ địch trực Tết hoảng loạn chống cự liền bị quân khởi nghĩa chúng tôi tiêu diệt ngay.

Đến khoảng 8h sáng, trên bầu trời Huế, máy bay trực thăng địch lượn liên tục, có lẽ chúng chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra đảo chính, hay quân giải phóng tấn công. Vì năm 1960, tại Huế, tướng Nguyễn Chánh Thi đã từng làm cuộc binh biến nên chúng không xả súng xuống mặt đất.

Cũng trong thời khắc này, tôi thấy chuông điện thoại của Sở Cảnh sát công lộ đổ liên hồi. Tôi nhấc ống nghe, phía đầu dây bên kia địch hốt hoảng hỏi: “Chuyện gì thế, Sở Công lộ có bị sao không?”. Tôi trả lời “Chúng tôi là quân khởi nghĩa đã nổi dậy giải phóng thành phố Huế, các anh nhanh chóng đầu hàng để tránh cái chết oan uổng ngay”. Phía đầu dây bên kia vội cúp máy im bặt.

Khoảng 9h sáng, tôi nghe 4 phương 8 hướng của thành phố Huế tiếng đạn AK rền vang, mấy anh chỉ huy nói với tôi: Đoàn 4, Đoàn 6, Đoàn 7, Đoàn 31 đã nổ súng chi viện cho quân khởi nghĩa chúng mình rồi đấy. Tôi nhìn ra ngoài đường, thi thoảng có những chiếc xe Honda của lực lượng thanh niên, sinh viên Huế lao vút đi với lá cờ của Mặt trận liên minh dân tộc, dân chủ, hòa bình thành phố Huế.

Trên dưới lá cờ màu đỏ, ở giữa là màu xanh dương có gắn ngôi sao vàng 5 cánh, mà trong lòng chúng tôi thật rạo rực niềm vui dâng lên khó tả. Chúng tôi đã giữ vững Huế suốt 26 ngày đêm, và kết thúc sứ mạng lịch sử của quân khởi nghĩa vào ngày 04/02/1977.

Hôm nay nhân mùa xuân về, chúng tôi lại bồi hồi nhớ tới những ngày tuổi trẻ cầm súng đi giải phóng dân tộc, đã không sống hoài sống phí.

Hồi tưởng của nhà văn Nguyễn Nam Đông/KD&PL

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục