Những lễ hội lộc, tài đầu xuân không thể bỏ qua (P2)

(Kinhdoanhnet) - Đầu năm lên núi Yên Tử dâng hương, thành tâm lễ phật cầu cho cả năm yên vui, hòa thuận.

Lễ hội Chùa Hương lớn nhất, kéo dài nhất cả nước

Cứ sau dịp tết âm lịch là người dân từ khắp nơi đổ về xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội trẩy hội Chùa Hương. Những ngày đầu xuân du khách về đây ngoài việc vãn cảnh chùa thì đây còn là nơi để cảm nhận không khí thanh tịnh, yên bình, cầu mong may mắn, an lành cho một năm sắp tới.

Hội chùa Hương

Chủ đề “Lễ hội Du lịch – Chùa Hương nét đẹp truyền thống Văn hóa Việt” sẽ chính thức khai hội vào ngày 6 tháng Giêng, và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch.

Lễ hội chùa Hương là nơi hội tụ các sinh hoạt văn hóa dân tộc độc đáo như bơi thuyền, leo núi và các chiếu hát chèo, hát văn …
Vào những ngày tổ chức lễ hội, chùa Hương tấp nập vào ra hàng trăm thuyền. Nét độc đáo của hội chùa Hương là thú vui ngồi thuyền vãng cảnh lạc vào non tiên cõi Phật. Chính vì vậy, nói đến chùa Hương là nghĩ đến con đò - một dạng của văn hóa thuyền của cư dân Việt ngay từ thuở xa xưa. Và đến nay, ngày hội bơi thuyền ở chùa Hương luôn tạo cảm hứng mãnh liệt cho người đi hội.

Có thể thấy, trẩy hội chùa Hương không chỉ dừng lại ở chốn Phật đài hay bầu trời - cảnh bụt, mà trước hết là do ở sự tiếp xúc - hòa nhập huyền diệu giữa con người trước thiên nhiên cao rộng. Đó là vẻ đẹp lung linh của sông nước, bao la của đất trời, sâu lắng của núi rừng, huyền bí của hang động… Và dường như đất - trời, sông núi đẹp hơn nhờ tài sáng tạo hình tượng - trí tưởng tượng này lòng nhân ái của con người.

Lên Yên Tử thắp nén nhang thành tâm khấn Phật

Chùa Đồng (Yên Tử)

Là một trong những trung tâm Phật giáo của Việt Nam, Yên Tử mỗi năm vào mùa lễ hội thu hút hàng trăm nghìn lượt khách hành hương.

Lễ hội Yên Tử được tổ chức tại khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử (thuộc xã Thượng Yên Công, huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch.

Danh thắng Yên Tử gắn liền với tên tuổi của vị vua Trần Nhân Tông khi ông nhường ngai vàng đến đây tu hành và lập ra một dòng Phật giáo riêng của nước ta đó là dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Sau này ông được coi là vị tổ đầu tiên của dòng Phật này với tên gọi Điều Ngự giác Hoàng. Khi đến tu hành tại đây, ông đã cho xây dựng một hệ thống hàng trăm công trình gồm chùa, am, tháp… làm nơi tu tập và truyền giảng. Sử sách đã ghi nhận trong thời gian 19 năm tu hành cùa ông khoảng 800 chùa, am, tháp đã được xây dựng trong cả nước, đó là một công việc hết sức đồ sộ.

Riêng tịa khu vực Yên Tử, nổi tiếng nhất là ngôi chùa Đồng được dựng trên đỉnh núi Yên Tử cao 1068m nằm trong dãy núi Đông Triều. Từ đây vào những ngày quang mây tạnh, du khách có thể phóng tầm mắt quan sát cả một vùng Đông Bắc rộng lớn và hùng vĩ của đất nước, đặc biệt là ngắm toàn cảnh vịnh Hạ Long từ trên cao với cảm giác kỳ thú.

Hội xuân truyền thống được tổ chức với nhiều hoạt động như: Lễ dâng hương cúng Phật, bái Tổ Trúc Lâm; văn nghệ diễn xướng tái hiện sự tích lịch sử, văn hóa tâm linh, những huyền thoại về Tam Tổ Thiền phái Trúc Lâm tôn kính; Lễ khai ấn "Dấu Thiêng Chùa Đồng" đầu năm rất quan trọng và các hoạt động văn hóa dân gian, múa Rồng Lân, võ thuật cổ truyền, trò chơi dân gian,… tưng bừng, nhộn nhịp

Đức Hoan (TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục