Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu siết chặt kỷ luật chi ngân sách

(Kinhdoanhnet) - Ngày 18/7, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị sơ kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ dự Hội nghị.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu siết chặt kỷ luật chi ngân sách - Ảnh 1
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN
*Thu ngân sách đạt 49,4% dự toán

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước 6 tháng ước đạt 651,7 nghìn tỷ đồng, bằng 49,4% dự toán, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Ước tính 6 tháng đầu năm, có 43 địa phương có số thu nội địa đạt tiến độ dự toán, trong đó 36 địa phương thu đạt trên 53% dự toán; 53/63 địa phương thu cao hơn so cùng kỳ, 10 địa phương thu thấp hơn so cùng kỳ.

Loại trừ đất, xổ số kiến thiết, cổ tức, lợi nhuận sau thuế, thì có 31 địa phương đảm bảo tiến độ dự toán; đáng chú ý là có 32 địa phương tiến độ thấp so với dự toán, trong đó có 13 địa phương thu 6 tháng đạt dưới 45% dự toán năm.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực canh tranh quốc gia theo các Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành kế hoạch cải cách hành chính năm 2018 với 89 nhiệm vụ cụ thể thuộc 6 lĩnh vực; ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19-2018/NQ-CP của Chính phủ với 66 giải pháp, nhiệm vụ gắn với 188 sản phẩm đầu ra; phê duyệt thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 190/370 điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý (đạt 51,4%).

Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã hoàn thành 35/35 nhiệm vụ cải cách hành chính và triển khai 21 nhiệm vụ thường xuyên theo kế hoạch; phối hợp với 13 bộ sửa đổi, bổ sung 80/87 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành thuộc lĩnh vực tài chính (chiếm 92%). Bộ đẩy mạnh điện tử hóa công tác thu ngân sách Nhà nước.

Theo đó, đã có 99,88% số doanh nghiệp đăng ký khai thuế qua mạng; 95,84% số doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử; 93,27% số hồ sơ thực hiện theo phương thức hoàn thuế điện tử.

Thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại tất cả các đơn vị hải quan, đã có 11/14 bộ, ngành tham gia kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, có 53/284 thủ tục hành chính được thực hiện qua Cơ chế này (đạt 18,66%). Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường quản lý thị trường, giá cả, kiểm soát lạm phát, thanh tra, kiểm tra tài chính – ngân sách…

* Không phải chỉ đi siết thuế khóa, thắt ngân sách

Đánh giá cao những kết quả Bộ Tài chính và ngành tài chính đạt được trong 6 tháng đầu năm 2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phân tích, kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm hứa hẹn có thể hoàn thành dự toán thu cả năm 2018. Tuy nhiên, có 20 địa phương đạt số thu dưới 50% dự toán.

Phó Thủ tướng đề nghị tăng cường công tác quản lý thu hơn nữa, chống thất thu, chống xói mòn cơ sở thuế, nhất là trong khu vực phi chính thức.

Thủ tướng và Thường trực Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê xây dựng đề án về thống kê GDP của khu vực kinh tế phi chính thức. Đi kèm với đề án này, Bộ Tài chính phải có đề án cụ thể để xây dựng cơ chế thu trong khu vực kinh tế phi chính thức.

Phó Thủ tướng dẫn ra rằng, một số địa phương đã làm tốt việc này, nhất là những trọng điểm thu của cả nước, Đà Nẵng là một ví dụ.

Trước đây, chủ yếu số thu của địa phương này là từ tiền sử dụng đất, nhưng đến nay tỷ lệ này chỉ còn 16 – 18%, còn lại phần lớn là thu từ sản xuất.

“Hộ kinh doanh mà không đăng ký thành lập doanh nghiệp là thất thu thuế nhiều”, Phó Thủ tướng nói và chỉ đạo Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ ban hành nghị định về hóa đơn điện tử; phối hợp với một số tỉnh, thành phố trọng điểm làm đề án kết nối online và đưa thể thức thanh toán không dùng tiền mặt trong quản lý lĩnh vực này, bớt thực hiện khoán thu.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với các tỉnh thành lập tổ công tác rà soát, kiểm tra công tác thu ở 20 địa phương đạt dự toán thu dưới 50%, đốc thu ngay từ bây giờ, không để đến cuối năm, “nước đến chân mới nhảy”; làm rõ do vấn đề dự toán hay quản lý thu, trách nhiệm của Trung ương, địa phương?, từ đó rút kinh nghiệm cho việc giao dự toán và xây dựng kế hoạch ngân sách của năm 2019. “Nếu không khéo lại xảy ra tình trạng cả nước thì vượt thu nhưng ngân sách Trung ương lại đạt dự toán, mặt khác không thể lấy ngân sách của tỉnh vượt bù cho tỉnh hụt thu được” - Phó Thủ tướng yêu cầu “Áp dụng các biện pháp để cố gắng thu vượt dự toán ngân sách là 5%”.

Về chi, Phó Thủ tướng đề nghị siết chặt kỷ luật chi ngân sách, chi đúng mục tiêu, nhất là các khoản chi khánh tiết, lễ tân, hội nghị, lễ hội, mua sắm công, đi nước ngoài, kết hợp xử lý nghiêm sai phạm của tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chi tiêu thường xuyên.

Phó Thủ tướng cho rằng, dù chi đầu tư đã giải ngân được 31,7%, cao hơn cùng kỳ nhưng tốc độ giải ngân còn chậm.

Ngành Kho bạc cần chủ động thúc đẩy quá trình giải ngân, số giải ngân và khối lượng hoàn thành phải khớp được nhau hoặc chỉ cách nhau chút ít.

Hàng tháng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp công bố công khai tỷ lệ giải ngân của các bộ, các ngành, địa phương để người dân, Quốc hội giám sát.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính quan tâm, bám sát hơn nữa dự án sửa đổi Luật Đầu tư công, Nghị định 161/2016/NĐ-CP, Nghị định 136/2015/NĐ-CP liên quan đến vấn đề đầu tư công; phấn đấu giữ mức bội chi theo Nghị quyết của Quốc hội.

Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến các địa phương, làm tốt hơn việc xây dựng dự toán thu chi năm 2019, khắc phục tình trạng Trung ương hụt thu và địa phương vượt thu nhiều; có địa phương giảm thu nhưng có địa phương lại tăng thu rất nhiều so với dự toán. Dự toán thu phải bám sát hơn nữa trên cơ sở dữ liệu về quản lý thuế, về kinh tế xã hội.

Phó Thủ tướng chỉ ra một thực tế là địa phương nào cũng muốn có dự toán chi và dự toán thu dễ dàng và đề nghị “phải rà soát để có mức thu phù hợp, hợp lý hơn với dự toán của địa phương”, không để tình trạng nơi vượt thu quá mức, nơi lại hụt thu, phải dùng ngân sách Trung ương để bù đắp.

Hoan nghênh việc hai Bộ trưởng Tài chính và Nội vụ thống nhất giao dự toán chi thường xuyên phải bám sát biên chế được giao, Phó Thủ tướng cho rằng đây là cải cách rất mạnh mẽ, có tác dụng kích thích giảm biên chế và sắp xếp lại bộ máy theo Nghị quyết 18 và 19 Hội nghị Trung ương 6 khóa XII; giao dự toán chi thường xuyên phải trên cơ sở số liệu đã được kiểm soát của Bộ Nội vụ về biên chế, phải làm chặt, kể cả đơn vị sự nghiệp hay cơ quan hành chính.

Trên cơ sở chỉ tiêu thu chi ngân sách được giao, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị ngành Tài chính quyết tâm giữ được bội chi và kiểm soát nợ công theo Nghị quyết của Quốc hội.

Phó Thủ tướng đánh giá cao việc Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ cho phép một số dự án nhà máy điện chuyển nợ bảo lãnh thành nợ tự vay tự trả trong nước, đồng thời sử dụng nợ bảo lãnh để dùng cho các công trình cấp bách. “Đây là nghệ thuật điều hành tài chính. Từ kinh nghiệm này, Bộ phải nhân rộng ra chứ không phải ngành Tài chính chỉ suốt ngày đi siết thuế khóa, thắt ngân sách”, Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch tài chính trung hạn và đầu tư công trung hạn, tham mưu cho Thủ tướng kiến nghị Quốc hội điều chỉnh kịp thời, nhất là tiêu chí sử dụng 10% dự phòng đầu tư công trung hạn, bảo đảm không ảnh hưởng tới bội chi ngân sách và trần nợ công; kiểm soát lạm phát ở mức từ 3,7- 3,9%; có giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán, đánh giá đúng thị trường, đa dạng hoá các sản phẩm của thị trường chứng khoán phái sinh.

Đồng thời xử lý nghiêm gian lận, làm giá, đầu cơ trên thị trường chứng khoán, bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, ổn định.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính bảo đảm nguồn cho cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 29 của Trung ương, bắt đầu từ việc dùng số vượt thu ngân sách của năm 2018 để phục vụ cho cải cách tiền lương từ năm 2021.

Ngành tài chính đẩy mạnh hơn việc chủ động cung cấp thông tin chính xác trong quản lý, điều hành cho các cơ quan báo chí; phản ứng nhanh nhạy, kịp thời, có trách nhiệm đối với các vấn đề nảy sinh./.

Chu Thanh Vân/TTXVN

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục