Phường Thịnh Liệt - Hoàng Mai (HN): Cần sớm giải quyết quyền lợi chính đáng của gia đình liệt sĩ

(Kinhdoanhnet) - Đại diện Liệt sĩ Bùi Văn Vinh đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại trong suốt mười lăm năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được bất cứ câu trả lời thỏa đáng nào từ Ủy ban nhân dân phường Thịnh Liệt và lãnh đạo quận Hoàng Mai.

Cụ ông Bùi Văn Thược, sinh năm 1937, là anh ruột của Liệt sĩ Bùi Văn Vinh, ngụ tại số 02 tổ 18, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, đã nhiều năm liền gửi đơn khiếu nại tới các cấp chính quyền từ địa phương đến trung ương, đề nghị bồi hoàn lô đất bị Ủy ban nhân dân xã Thịnh Liệt đã tự kê khai để nhận tiền bồi thường. Phần diện tích đất tọa lạc tại xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì (nay là phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội). Điều đáng nói, đây là một trong rất nhiều lần gửi đơn khiếu nại của đại diện Liệt sĩ Bùi Văn Vinh trong suốt mười lăm năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được bất cứ câu trả lời thỏa đáng nào từ Ủy ban nhân dân phường Thịnh Liệt và lãnh đạo quận Hoàng Mai.

Phường Thịnh Liệt - Hoàng Mai (HN): Cần sớm giải quyết quyền lợi chính đáng của gia đình liệt sĩ - Ảnh 1
Cụ ông Bùi Văn Thược (trái)

Theo lời trình bày của cụ Bùi Văn Thược: Cụ có người em ruột tên Bùi Văn Vinh, sinh năm 1948. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Vinh bị thương tật dẫn đến di chứng gây liệt nửa người được công nhận là thương binh hạng 1/4. Ngày 05/01/1995, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã quyết định giao cho thương binh Bùi Văn Vinh thửa đất có diện tích 504 m2 tại khu vực Đồng Bia, xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì (Nay là phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) để sản xuất và ổn định cuộc sống lâu dài (giao ruộng đất cho Thương binh sản xuất và miễn các khoản đóng góp). Phần ruộng đất này có trước khi ông nhập ngũ. Cũng như bao người thanh niên sẵn sàng “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, Bùi Văn Vinh đã giao lại phần đất của mình đang trực tiếp canh tác cho hợp tác xã để lên đường nhập ngũ, nay xuất ngũ, bị thương tật về lại địa phương, ông xin lại suất ruộng khoán (Văn bản số 125/CSQL/CV ngày 15/12/1993 của Ban Chính sách và Quản lý – Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm).

Đến năm 1999, Ủy ban nhân dân xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì đã mời ông Bùi Văn Vinh tham dự họp thông báo dự án mở chợ tại khu vực Đồng Bia. Do thương tích nặng, không thể tự đi lại, ông Bùi Văn Vinh đã ủy quyền cho anh trai của mình là cụ Bùi Văn Thược trực tiếp làm việc với các cơ quan chức năng và toàn quyền quyết định đối với những vấn đề trong các buổi họp có liên quan. Trong các buổi họp tại thời điểm đó, đã phát sinh vấn đề diện tích đất mà Ủy ban nhân dân xã Thịnh Liệt dự định hoán đổi tại khu vực Đồng Tàu không đủ diện tích 504 m2 mà chỉ có 409 m2. Dù thiệt thòi do diện tích không đủ nhưng nghĩ đến việc em mình là liệt sĩ Bùi Văn Vinh đã không tiếc máu xương để góp phần bảo vệ Tổ quốc nên cụ Bùi Văn Thược vẫn vui vẻ đồng ý nhận dù diện tích đất không đủ như lời hứa ban đầu. Không hiểu vì lý do gì, sau đó Ủy ban nhân dân xã Thịnh Liệt không tiến hành các thủ tục bàn giao đất như đã cam kết.

Đến ngày 12/08/2002, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có quyết định số 5471 thu hồi 103 ha đất khu vực Đồng Tàu để thực hiện dự án di dân Đồng Tàu (vị trí đất mà Ủy ban nhân dân xã Thịnh Liệt cam kết giao cho liệt sĩ Bùi Văn Vinh cũng nằm trong phần diện tích đất bị thu hồi). Trong quá trình làm thủ tục giải phóng mặt bằng thực hiện dự án khu di dân Đồng Tàu, lẽ ra Ủy ban nhân dân xã Thịnh Liệt phải mời gia đình liệt sĩ ra kê khai để có phương án đền bù. Nhưng không hiểu vì động cơ và mục đích gì, Ủy ban nhân dân xã Thịnh Liệt lại tự mình đứng ra đổi tên phần diện tích đất của Liệt sĩ Bùi Văn Vinh sang tên chủ thể sử dụng là Ủy ban nhân dân xã Thịnh Liệt để trực tiếp nhận toàn bộ số tiền bồi thường và tự ý quản lý thu, chi mà không trao lại số tiền bồi thường cho liệt sĩ Bùi Văn Vinh, đã thể hiện sự không công bằng xã hội, gây bức xúc cho Nhân dân địa phương (Báo cáo số 42/BC-UB ngày 08/07/2005 của Ủy ban nhân dân phường Thịnh Liệt).

Dù đã nhận sai nhưng lãnh đạo Ủy ban nhân dân phường Thịnh Liệt vẫn không có động thái sửa chữa, khắc phục những hậu quả do cơ quan mình gây ra dẫn đến việc người dân liên tục khiếu nại nhưng chính quyền địa phương vẫn thờ ơ, không giải quyết dứt điểm quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp của công dân dẫn đến khiếu kiện từ địa phương đến Quốc Hội và Thủ tướng Chính phủ trong thời gian dài mà đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Phường Thịnh Liệt - Hoàng Mai (HN): Cần sớm giải quyết quyền lợi chính đáng của gia đình liệt sĩ - Ảnh 2
Công văn số 2563/VPCP-V.1

Về việc này, Ngày 20/03/2017, Văn phòng Chính phủ ban hành công văn số 2563/VPCP-V.1 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình: “Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo kiểm tra xác minh, làm rõ nội dung khiếu nại của ông Bùi Văn Thược, có biện pháp giải quyết theo quy định của pháp luật, đồng thời kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vi phạm, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 01/05/2017”. Nhưng đến nay, khi chúng tôi quyết định chuyển tải thông tin này, vẫn chưa hề có kết luận chính thức nào từ phía chính quyền địa phương. Lẽ nào, với nỗi oan ức mười lăm năm dài đằng đẵng mà lẽ ra gia đình Liệt sĩ Bùi Văn Vinh không đáng phải gánh chịu, nhưng sự việc đến nay dường như muốn tiếp tục lặng lẽ trôi dần vào sự lãng quên.

Đất nước ta, với bề dày hơn bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước. Những người con anh hùng của đất mẹ Việt Nam đã luôn một lòng kiên trung quyết bảo vệ Tổ quốc. Bất khuất, kiên cường, anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc, vì sự toàn vẹn lãnh thổ. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã nhất tề đứng lên kháng chiến, kiến quốc, giành độc lập tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân. Trải qua những cuộc kháng chiến trường kỳ và vĩ đại của dân tộc, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, những người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội và cả nước đã tình nguyện dâng hiến tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp cách mạng, nhiều người đã anh dũng hy sinh, nhiều người suốt đời mang trong mình thương tật, bệnh tật hoặc các di chứng, biến chứng tàn ác của chiến tranh. Những cống hiến và sự hy sinh cao cả của thế hệ đi trước, của các bác, các anh, các chị đã đem lại vẻ vang cho dân tộc, là biểu tượng của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng, là những tấm gương sáng ngời cho các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo. Truyền thống đó đã hun đúc lên khí phách của con người Việt Nam trọng đạo lý, hiếu nghĩa, bác ái, khắc ghi công ơn to lớn của thế hệ cha, anh đi trước.

Trong những ngày này, khi các cấp chính quyền và Nhân dân Thủ đô đang sôi nổi tham gia những hoạt động Đền ơn, đáp nghĩa nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh, liệt sĩ thì vẫn có một gia đình vẫn thầm mong được trả lại sự công bằng và quyền lợi chính đáng nhưng vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của chinh quyền địa phương là chưa thấu tình, đạt lý.

Luật gia Minh Chánh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục